Trong những ngày bệnh viêm tủy xương tiến triển nặng, Chinh phải ngồi xe lăn, trải qua giai đoạn “thập tử nhất sinh”. Có lúc cô đã nghĩ đến điều tồi tệ nhất.

Một ngày hè năm lớp 10, Đặng Chinh (20 tuổi, quê Long An) thấy đau nhức vùng khớp gối, khó khăn trong đi lại, sốt cao không dứt. Cô điều trị ở bệnh viện huyện 2 tuần nhưng không thuyên giảm.

Sau này, các triệu chứng nặng dần, Chinh thấy một bên chân to bất thường, đầu gối sưng đỏ, cứng khớp, không thể đi lại.

Tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cô được chẩn đoán viêm tủy xương, khớp gối đã tràn dịch, có mủ bên trong. 2 năm sau đó, cuộc sống của cô bé gắn với những cơn đau hành hạ, với thuốc và những lần tái khám.

Cô gái mắc viêm tủy xương và hành trình chiến thắng bệnh tật
Chinh của năm 20 tuổi, xinh đẹp, rạng rỡ sau quãng thời gian khó khăn

Đỉnh điểm, có một thời gian, bệnh tiến triển nặng khiến Chinh phải nằm viện hơn 1 tháng và ngồi xe lăn. Mỗi lần nghĩ lại quãng thời gian này, cô gái trẻ vẫn thấy ám ảnh.

“Một tháng trời, hai tay mình lúc nào cũng trong tình trạng sưng đau, bầm tím do một tay phải tiêm thuốc, tay còn lại phải truyền. Chân mình thì đau tới nỗi không thể cử động, phải gắn mọi sinh hoạt trên giường bệnh, di chuyển bằng xe lăn”, Chinh bảo.

Sức khỏe không tốt, mọi sinh hoạt cá nhân, từ việc ăn uống, đi vệ sinh, cô đều phải nhờ người thân hỗ trợ. Mẹ Chinh ở lại viện chăm con, ba đi làm nương rẫy xa để kiếm thêm kinh tế trang trải. Người chị cả đang học đại học năm cuối, thỉnh thoảng lại nghỉ học để tới viện phụ mẹ chăm em. Còn hai đứa em út ở nhà, đứa cấp 2, đứa cấp 1 tự chăm nhau.

Không chỉ mắc viêm tủy xương, giai đoạn này, cô bé 16 tuổi cùng lúc được chẩn đoán thêm nhiều bệnh khác như dạ dày, gan nhiễm mỡ. “Bệnh chồng bệnh” khiến cơ thể cô ngày càng rệu rã.

Đỉnh điểm, một đêm, Chinh bị sốc thuốc khi đang truyền dịch khiến cơ thể tím tái, co giật. Bác sĩ cho biết, thời điểm ấy, ranh giới giữa sự sống – cái chết với cô bé rất mong manh. May mắn, cô đã được cấp cứu kịp thời và ổn định lại.

Suốt những ngày sau đó, tuyệt vọng là cảm giác duy nhất cô bé cảm thấy.

“Có lần, mình cố đứng dậy tập đi nhưng ngã quỵ. Mình đau đớn cả ngày, không ăn, không ngủ được, lại nghĩ đến người thân ngày ngày phải chăm lo cho mình, thấy bản thân thật vô dụng và đáng trách. Đã có những lúc mình nghĩ đến việc tự tử để mọi người bớt khổ”, Chinh nhớ lại.

Cô gái mắc viêm tủy xương và hành trình chiến thắng bệnh tật
Chinh khoảng thời gian điều trị tại bệnh viện

Bác sĩ cho biết, bệnh viêm tủy xương của Chinh đã tiến triển mạn tính, phải dùng liệu pháp sử dụng thuốc lâu dài. Sau những đợt điều trị tại viện, tới khi ổn định hơn, Chinh được cấp thuốc và yêu cầu về nhà kết hợp luyện tập thêm.

Sự mệt mỏi do bệnh đã khiến cô bé tự đẩy mình vào chuỗi ngày chán nản, sống vô định và thu mình. Nhưng ngay thời điểm tồi tệ nhất, có một động lực đặc biệt khiến cô gái trẻ thay đổi hoàn toàn suy nghĩ.

Thương em, sau khi tốt nghiệp đại học, người chị của cô quyết định không đi làm để ở nhà chăm em. Mỗi ngày, chị đều nói với Chinh những điều tích cực, động viên em gái cố gắng vượt qua.

Nhìn thấy chị cặm cụi nấu từng bát cháo, từng chén thuốc cho mình, đã có lúc cô không giấu được nước mắt. “Chị đã hy sinh cho mình như vậy, lẽ nào mình không thể cố gắng”, cô bảo.

Cô tự nhủ, mình cần phải khỏe mạnh để sống vui, sống khỏe. “Khi mạnh khỏe, người ta có trăm ngàn ước mơ. Nhưng khi bệnh tật, lại chỉ có ước mơ duy nhất là sức khỏe”, Chinh nói.

 

Thế là, bên cạnh việc điều trị thuốc, Chinh cố gắng luyện tập nhiều hơn. Ngoài giờ học trên lớp, mỗi sáng, cô dậy sớm để tập đi bộ, đạp xe nhẹ nhàng. Buổi chiều, cô kết hợp thêm các bài thể dục vận động.

Lượng thời gian phân bổ cho việc luyện tập tăng lên dần theo những biến chuyển tích cực của sức khỏe. Sau này, cô đều đặn dành ít nhất 2 tiếng một ngày cho các hoạt động rèn luyện thể lực.

Xác định giữ tinh thần lạc quan là điều quan trọng để lấy lại sức khỏe, cô tìm đọc những cuốn sách tạo động lực, tập cho mình lối suy nghĩ tích cực, nói chuyện nhiều hơn với mọi người. Mỗi khi có vấn đề không vui, cô đều tìm cách lấy lại tinh thần chứ không để bản thân sa đà vào những cảm xúc xấu.

Cô cũng chú ý vào chế độ ăn uống, lựa chọn những thức phẩm tốt cho sức khỏe và cân bằng dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Sau khoảng một vài tháng kiên trì điều trị và tập luyện, bệnh của Chinh giảm dần.

Cô gái mắc viêm tủy xương và hành trình chiến thắng bệnh tật
Cô gái mắc viêm tủy xương và hành trình chiến thắng bệnh tật
Cô gái 20 tuổi tự tin tham dự các cuộc thi sắc đẹp

Năm lớp 12, cô có một quyết định không ngờ, đó là tham gia cuộc thi nữ sinh thanh lịch cấp huyện. Từ môt cô bé ốm yếu, luôn trốn tránh, sợ hãi giao tiếp, cô lần đầu tiên được đi trên đôi giày cao gót, được đứng nói dõng dạc trước mọi người.

Chinh đã không kìm được sự xúc động trong khoảng khắc ấy. Cô gái trẻ lọt top 10 cuộc thi trong sự bất ngờ của rất nhiều người.

Sau này, khi thi đậu đại học, cô tiếp tục duy trì lối sống tích cực, tập luyện đều đặn hàng ngày. Mỗi khi rảnh rỗi, cô thích đi bộ, vừa để vận động, vừa để thư giãn tinh thần. Chinh cho biết, đã từ rất lâu, cô không còn thấy các cơn đau, căn bệnh viêm xương tủy dường như đã khỏi hoàn toàn.

Chinh của hiện tại trẻ trung, xinh đẹp và đã có một cuộc sống rất khác. Cô thích chụp hình thời trang, tham gia Câu lạc bộ MC và diễn thuyết, tham dự các cuộc thi về sắc đẹp. Năm 2019, Chinh tiếp tục lọt top 15 cuộc thi Hoa khôi của trường đại học.

Đêm chung kết, cô tự tin đứng trên sân khấu, kể lại câu chuyện của chính mình qua một bài diễn thuyết. Hành trình vượt qua bệnh tật, khó khăn của Chinh đã khiến không ít người xúc động, cảm phục.

Chinh bảo, khi nhìn lại, cô thấy quãng hành trình mình vừa trải qua giống như một giấc mơ. Thế nhưng, đó không phải là phép màu. Những điều tốt đẹp đến từ chính những cố gắng của bản thân.

“Chỉ cần dám khao khát và nỗ lực hết mình vì khao khát ấy, bạn chắc chắn sẽ vượt qua khó khăn”, Chinh nói.

BỆNH VIÊM TỦY XƯƠNG

Viêm tủy xương (hay còn gọi là viêm xương tủy) là một tình trạng nhiễm khuẩn ở xương, bao gồm tủy xương hay mô mềm quanh xương, thường do vi khuẩn tụ cầu vàng gây bệnh hay liên cầu trùng tạo máu.

Bệnh chia làm hai thể cấp và mạn tính. Ban đầu, bệnh nhân thường có các triệu chứng sốt cao, đau, sưng, nóng đỏ vùng viêm, thậm chí có thể bùng nhùng mủ ở phần tổn thương, khó khăn trong đi lại,.... Nếu không được điều trị kịp thời, thể cấp sẽ diễn tiến sang thể mạn tính khiến bệnh dễ tái phát trở lại.

Để điều trị viêm tủy xương, bác sĩ thường sử dụng phác đồ kháng sinh kết hợp dẫn lưu mủ và tổ chức hoại tử (nếu có). Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng, trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật loại bỏ tổ chức xương và mô nhiễm khuẩn.

Bên cạnh đó, việc nâng cao sức đề kháng cho bệnh nhân cũng rất quan trọng trong vấn đề điều trị.

Theo vietnamnet.vn

Tin liên quan