Mục tiêu phục vụ cho người khuyết tật là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp có thể hướng tới để phát triển kinh tế. Phát triển song song cùng với các chính sách xã hội, các dự án phục vụ cho người khuyết tật hiện nay có thể mang lại hiệu quả kinh tế cho các nhà đầu tư dám nghĩ, dám làm, dám hành động.
Đầu tư cho dự án kinh doanh phục vụ người khuyết tật trong chương trình Sharktank 2021 (Nguồn: internet)
Ở Việt Nam, theo thống kê của Tổng cục Thống kê Bộ kế hoạch đầu tư đầu năm 2019 qua kết quả cuộc điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tính đến năm 2016, Việt Nam có khoảng 6.2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, chiếm 7,06% dân số. Trên thế giới, theo thống kê của WHO vào năm 2017, có khoảng 15 % dân số thế giới đang sống với ít nhất một dạng khuyết tật nhất định. Tỷ lệ người khuyết tật có khuynh hướng ngày càng gia tăng do hiện tượng già hóa dân số, tai nạn giao thông, dịch bệnh, địch họa.
Mặt khác nhu cầu về các công cụ, dụng cụ, đồ dùng, thiết bị thiết yếu, dịch vụ của người khuyết tật chiếm thị phần không nhỏ trên thị trường trong và ngoài nước. Các lĩnh vực kinh doanh phục vụ cho người khuyết tật không những đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người khuyết tật mà còn đạt được các mục tiêu về xã hội.
Chế tạo, sản xuất công cụ, dụng cụ, thiết bị hỗ trợ người khuyết tật
Bàn tay hay đôi chân, các bộ phận khác trên cơ thể đều có thể thay thế được bằng công nghệ hiện đại do con người sáng tạo ra. Hiện có nhiều doanh nghiệp tập trung nghiên cứu và chế tạo các sản phẩm công nghệ có thể thay thế được các bộ phận cơ thể người, tinh gọn đặc biệt có khả năng hỗ trợ cho người khuyết tật sử dụng như một bộ phận cơ thể người thực sự. Sản phẩm nghiên cứu hoặc sản xuất của doanh nghiệp có thể chuyển giao công nghệ, cung cấp thiết bị cho các bệnh viện, các trung tâm phục hồi chức năng hay xuất khẩu.
Sản xuất các dụng cụ để phục hồi chức năng cho người khuyết tật như Khung tập đi bộ, gậy ba toong hoặc nạng, các dụng cụ chỉnh hình cho các bệnh viện, trung tâm phục hồi chức năng cũng là một thị trường lớn mà các doanh nghiệp có thể khai thác được.
Các sản phẩm phục vụ trực tiếp cho người khuyết tật như xe lăn, sách báo chữ nổi, máy trợ thính,… là những những sản phẩm cần thiết cho người khuyết tật có thể cung cấp cho các trung tâm bảo trợ xã hội, trường học hay trực tiếp cung cấp cho người dùng.
Giáo dục cho người khuyết tật
Vấn đề giáo dục cho người khuyết tật là một việc làm thiết yếu trong bối cảnh người khuyết tật cũng cần được truyền giảng, cập nhật các kiến thức để hòa nhập xã hội. Hiện, các đơn vị sự nghiệp công lập như trung tâm dạy nghề công lập, trường học cũng có phục vụ riêng cho đối tượng khuyết tật. Tuy nhiên, trên thực tế, trẻ khuyết tật, học sinh khuyết tật cần có chế độ giảng dạy, giáo trình phù hợp để hòa nhập. Nên những cơ sở chuyên biệt được thành lập để phục vụ giáo dục hòa nhập là rất cần thiết.
Tại các thành phố lớn, lượng học sinh tự kỷ, học sinh chậm nhận thức ngày càng nhiều, các trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập tư thục được mở ra để phục vụ cho đối tượng học sinh có khuyết thiếu để phát triển hòa nhập.
Chăm sóc người khuyết tật
Trên thế giới, Các Trung tâm chăm sóc người già, người khuyết tật tư thục được mở ra nhiều để phục vụ cho nhu cầu của người già, người khuyết tật. Khi đến với các trung tâm, người già, người khuyết tật được chăm sóc kỹ lưỡng, có quy trình đặc biệt. Ở Việt Nam, các Trung tâm chăm sóc người già, người khuyết tật đã được mở nhưng với số lượng khá ít không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Ngày nay, đời sống kinh tế của con người ngày càng tăng, nhu cầu chăm sóc người già, người khuyết tật ở môi trường tốt về vật chất và tinh thần ngày càng cao và đòi hỏi các trung tâm cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, đội ngũ điều dưỡng, chăm sóc tận tình, chu đáo. Do vậy, việc xây dựng các cơ sở chăm sóc tư thục, đầu tư về cơ sở vật chất và cán bộ chăm sóc là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu của phần lớn người già, người khuyết tật có điều kiện kinh tế đến để sinh sống.
Trên thực tế, các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh tế đối tượng phục vụ là người khuyết tật đang cần được quan tâm hỗ trợ đặc biệt là về vốn, công nghệ. Để sản xuất, kinh doanh được để phục vụ cho đối tượng yếu thế cần được nhà nước có những chính sách phù hợp, hỗ trợ vốn, công nghệ, hỗ trợ về thuế để doanh nghiệp đưa ra được những sản phẩm, dịch vụ có giá cả vừa phải để phục vụ cho đối tượng yếu thế được tốt hơn.
Theo donghanhviet.vn