Đêm khuya, không thấy ông Minh đi bán vé số về, bà Vy lần mò đi tìm, hóa ra ông bị đưa vào nhà bảo trợ tận Bình Dương, vì bị nhầm là ăn xin.
|
Căn nhà nhỏ của ông Bùi Hữu Minh và bà Lê Thị Tường Vy nằm trên đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp, TP HCM) ngày nào cũng rộn tiếng cười. Ông Minh bị mù từ năm 7 tuổi, còn bà Vy - vợ ông cũng không thấy ánh mặt trời từ năm lên 2. Họ gặp nhau trong một trung tâm bảo trợ người tàn tật.
"Qua vài lần nói chuyện, thấy đồng cảm, tôi ngỏ lời: 'Em ơi, yêu ai cũng vậy hay là em yêu anh đi. Mình góp gạo thổi cơm chung'. Thoáng suy nghĩ, Vy đáp: 'Về thì về. Em đồng ý'. Thế là thành vợ chồng. Một bữa cơm chỉ có người trong nhà chứng kiến với nhau, không có váy cưới, thiệp hồng...", người đàn ông 55 tuổi kể. |
|
Từ đó họ về sống chung, chồng bán vé số dạo, bà Vy ở nhà làm nội trợ. 30 năm, họ chưa một lần cãi cọ. Hai con trai, lớn 25 tuổi, út 19 đều lành lặn và khoẻ mạnh. "Gia đình khó khăn nên hai con đi làm thuê cho nhà chủ, lâu lâu mới về", bà Vy chia sẻ.
|
|
5 giờ sáng, bà Vy lần mò nấu mì gói, chuẩn bị bữa sáng cho chồng. "Ban đầu nấu nướng khó khăn lắm, không thấy đường cứ làm đổ bể hết nước tương rồi lại nước mắm..., giờ quen rồi nên đỡ hơn. Lâu lâu quơ tay trúng ấm nước nóng phỏng mấy ngày", bà cho biết. |
|
Sau khi ăn sáng, ông Minh mang cặp, đi bộ từ nhà đến đại lý để nhận vé số đi bán. Sáng nào, vợ ông cũng tiễn chồng ra tận hẻm, níu tay dặn "Nhớ về sớm", rồi mới an tâm trở lại nhà. |
|
Hàng ngày, ông Minh nhận 200 tờ vé số tại đại lý, 100 tờ sẽ bán ngay trong ngày, còn lại bán vào hôm sau. "Lấy 100 tờ nếu bán không hết chỉ được trả đại lý 10 tờ, có hôm ôm gần 30 tờ vì trời mưa. Nếu bán được muốn lấy thêm cũng không được", ông phân trần. |
|
Cũng theo ông Minh, để bán vé số nhanh thì phải chịu khó di chuyển, thay đổi địa điểm liên tục, có hôm đi tới huyện Củ Chi, rồi quận Thủ Đức, quận 9, hôm quận 7, quận 3... "Mỗi lần di chuyển sợ nhất là qua đường, xe bây giờ phóng bạt mạng, thấy người khuyết tật cũng không ưu tiên, cọ quẹt xong còn quay lại nặng lời", ông tâm sự. |
|
Ngày bán được cao nhất của ông Minh khoảng 120.000 đồng. "Nắng nóng tuy mệt chút nhưng bán được vé số, chứ trời mưa là ế vì khách ngại dừng lại mua. Hôm nào mưa lớn còn lo ướt vé số nữa, người ướt thế nào không cần thiết nhưng nhất thiết phải ôm vé số trong lòng, không bị giang hồ giật", ông nói. |
|
Chiều tối, trên góc đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), ông Minh ngồi trò chuyện cùng "đồng nghiệp" để bớt buồn ngủ.
|
|
21h, trời mưa tầm tã, ông Minh vẫn ngồi bên đường chào mời khách mua những tờ vé số cuối cùng.
"Giờ vào mùa mưa vé số bán ít hơn nên thu nhập thấp. Hôm nào cao nhất cũng khoảng 120 nghìn đồng, hôm bán ế chỉ được vài chục thôi", ông Minh nói. |
|
Ở nhà, bà Vy mong ngóng chờ chồng. "Đến khuya, chưa thấy anh về là tôi lo lắng lắm. Có bữa, cơm nước xong xuôi mà không thấy anh về. Sáng tinh mơ hôm sau tôi phải mò mẫm đi khắp nơi tìm chồng. Mấy ngày sau thì được tin anh ấy bị hiểu nhầm là ăn xin nên bị đưa vào một trung tâm bảo trợ xã hội ở Bình Dương", bà kể. |
|
Vợ chồng ông Minh sum họp bên mâm cơm sau một ngày mưu sinh trong căn nhà nhỏ rộng khoảng 20 m2. |
Theo vnexpress.net