Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” (Điều 16) và “Công dân có quyền tự do đi lại” (Điều 23). Công ước quốc tế về quyền của NKT mà Việt Nam phê chuẩn năm 2014, cũng có các quy định về giao thông tiếp cận với NKT tại Điều 3, Điều 9, Điều 20. Luật NKT quy định tại Điều 42 “Phương tiện giao thông công cộng phải có chỗ ưu tiên cho NKT; có công cụ hỗ trợ lên, xuống thuận tiện hoặc sự trợ giúp phù hợp với đặc điểm của NKT”.
Người khuyết tật được hỗ trợ khi tham gia dịch vụ hàng không của Vietjet Air
So với đường bộ, đường sắt thì hàng không vẫn là phương tiện hiện đại đáp ứng được nhu cầu đi lại ngày càng lớn của mọi người. Người lành đã cần, NKT với đặc thù khiếm khuyết càng cần hơn, họ luôn lựa chon di chuyển bằng đường hàng không bởi sự tiện ích, nhanh chóng, phù hợp.
Đa số NKT là nghèo, nhưng cùng với sự phát triển của xã hội và sự nỗ lực của bản thân, sự quan tâm tạo điều kiện của nhà nước, xã hội, một bộ phận không ít NKT đã trở thành doanh nhân, chủ cơ sở, là lãnh đạo, là nhà quản lý, người hoạt động xã hội, vận động viên, ca sĩ chuyên nghiệp…. Nhiều NKT nặng đã mạnh dạn xuất hiện trong các hoạt động xã hội, đi ra đường, trực tiếp giải quyết công việc, tìm cơ hội phát triển, mạnh dạn thể hiện bản thân, nhu cầu giao lưu, làm việc, du lịch…. Yêu cầu công việc khiến họ di chuyển bằng đường không ngày càng nhiều. So với 5-10 năm trước đây, thì sự di chuyển bằng hàng không của NKT đã thuận tiện hơn rất nhiều. Chính sách NKT đặc biệt nặng và NKT nặng được giảm tối thiểu 15% giá vé khi mua vé máy bay đã được các hãng thực hiện. Các hãng hàng không, cảng hàng không đã không ngừng cải tiến dịch vụ để đáp ứng nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của NKT.
Nhưng, thực tiễn NKT nặng, đặc biệt là người dùng xe lăn vẫn còn gặp một số trở ngại khi tham gia giao thông hàng không. Trong đó, một số cảng hàng không chưa bố trí được xe nâng hành khách sử dụng xe lăn lên tàu bay. Thiết kế hạ tầng của các cảng hàng không chưa đảm bảo tiếp cận như không có khu vệ sinh riêng, lối đi lại riêng… ảnh hưởng việc phục vụ hành khách tại sân bay. Vẫn còn tình trạng nhân viên thiếu tôn trọng hành khách NKT, có thái độ phân biệt đối xử. Một số hãng hàng không chưa bố trí nhân viên hỗ trợ hành khách dùng xe lăn. Vẫn còn tình trạng một số hãng hàng không từ chối vận chuyển hành khách NKT với lý do không thuyết phục. Một số máy bay chưa có xe lăn trong khoang tàu bay. Vẫn còn tình trạng NKT phải ký giấy miễn trừ trách nhiệm, NKT bị thu phí khi gửi hàng hóa là xe lăn, hãng hàng không làm hỏng xe lăn khi vận chuyển nhưng không bồi thường thỏa đáng cho hành khách….
Để đảm bảo nhu cầu và quyền của NKT trong tiếp cận giao thông hàng không, hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại các văn bản quốc tế, đặc biệt là Kế hoạch tổng thể ASEAN về lồng ghép quyền của NKT lĩnh vực Tiếp cận (thể hiện trong trụ cột Kinh tế AEC 11) và Tiếp cận các dịch vụ cơ bản (thể hiện trong trụ cột An ninh – Chính trị (APSC 7.4), trụ cột Kinh tế (AEC 16), nhằm nâng cao hình ảnh, chất lượng dịch vụ của các đơn vị, doanh nghiệp, vì một môi trường hòa nhập, bình đẳng và không phân biệt đối xử, cộng đồng NKT đều có chung kiến nghị: Bộ Giao thông vận tải tiến hành rà soát và yêu cầu sửa đổi, bổ sung Điều lệ vận chuyển, nội quy nội bộ của các hãng hàng không đối với những nội dung còn chưa phù hợp với Luật NKT, Công ước quốc tế về quyền của NKT… Cần bãi bỏ thủ tục đòi hỏi NKT phải ký giấy miễn trừ trách nhiệm. Nhà nước cần tăng cường công tác chỉ đạo bố trí kinh phí để cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cảng hàng không chưa đảm bảo tiếp cận đối với NKT, đặc biệt ưu tiên các cảng hàng không có lưu lượng lớn khách trong nước và quốc tế. Tất cả các sân bay cần được trang bị đầy đủ các trang thiết bị chuyên dụng cho NKT. Thiết kế hạ tầng tại các cảng hàng không phải phù hợp với việc tiếp cận giao thông của hành khách hạn chế khả năng di chuyển. Hiện nay, tại các sân bay, đã có quầy ưu tiên làm thủ tục đối với hành khách khuyết tật. Tuy nhiên, quầy này hiện vẫn cao so với người dùng xe lăn. Cần hạ thấp quầy ưu tiên làm thủ tục cho NKT để đảm bảo tiếp cận cho người sử dụng xe lăn. Cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành tiêu chuẩn chung phục vụ khách hạn chế khả năng di chuyển tại các cảng hàng không, sân bay nhằm đồng bộ hóa chất lượng dịch vụ. Cần có quy định yêu cầu tất cả các hãng hàng không phải trang bị thiết bị xe lăn chuyên dụng trong khoang tàu bay cho tất cả các loại máy bay.
Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không cần chủ động xây dựng quy trình đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức cho nhân viên về quyền của NKT và các văn bản pháp luật có liên quan. Tập huấn cho nhân viên kỹ năng phục vụ hành khách khuyết tật và xử lý các tình huống trợ giúp NKT cụ thể. Đưa nội dung này thành một yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách khuyết tật, đồng thời đảm bảo tính chuyên nghiệp, đồng bộ của ngành hàng không.
Cần hạ thấp quầy ưu tiên làm thủ tục cho NKT để đảm bảo tiếp cận cho người sử dụng xe lăn (ảnh minh hoạ)
Hơn ai hết, NKT hiểu rõ những khó khăn và nhu cầu của chính mình trong quá trình tham gia giao thông hàng không. Vì vậy, khi các đơn vị xây dựng chính sách, sửa đổi các quy định, cải tiến, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tập huấn nhân viên… cần tham vấn ý kiến của NKT, các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực NKT để đảm bảo những điều chỉnh này thực sự thiết thực, hữu ích cho người sử dụng. Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật, nhằm đảm bảo quyền của NKT khi tham gia giao thông hàng không. Cần xử lý nghiêm đối với các trường hợp từ chối vận chuyển NKT với lý do không chính đáng, xử lý các vi phạm theo đúng quy định tại Nghị định số 162/2018/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Hoàng Dung