Cuộc thi khiêu vũ dành cho người khiếm thị lần đầu tiên được tổ chức góp phần giảm bớt định kiến xã hội về người khuyết tật, giúp họ gỡ bỏ rào cản tâm lý, lấy lại sự tự tin, thể hiện bản lĩnh trong cuộc sống.

Nhằm phát huy tinh thần “tàn nhưng không phế” theo lời dạy của Bác Hồ, những người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng đã không ngừng cố gắng vượt qua khó khăn, kiên quyết không đầu hàng trước nghịch cảnh, số phận nghiệt ngã, từ đó thể hiện khả năng của bản thân, ý chí vươn lên trong cuộc sống đồng thời xóa bỏ định kiến xã hội về cộng đồng người khiếm khuyết.

Cuộc thi với tên gọi Bước nhảy xóa mọi khoảng cách (PASS - Passion Assembly of Step and Sway), được tổ chức ngày 04/04 tại học viện Múa Việt Nam do Hội người mù thành phố Hà Nội, hội người mù quận Đống Đa phối hợp với CLB Khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội nhằm khơi dậy tinh thần thể thao cho người khuyết tật, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tự tin thể hiện bản lĩnh. BTC cho biết, ngay sau khi phát động cuộc thi, họ đã nhận được hàng trăm đơn đăng ký từ các quận hội. Những vận động viên khiếm thị  tập luyện vô cùng chăm chỉ suốt bốn tháng ròng rã, ai nấy đều hừng hực quyết tâm với mong muốn mang màn trình diễn tuyệt vời nhất đến cho khán giả.

Trò chuyện với phóng viên, anh Hoàng Văn Lý (phụ trách truyền thông cuộc thi) không giấu nổi hào hứng xúc động chia sẻ niềm vinh dự được đồng hành cùng sự kiện này. Anh cho rằng đây là hoạt động thiết thực và vô cùng ý nghĩa để chúng ta có thể lan tỏa nghị lực vượt khó khăn và tinh thần lạc quan của những người khiếm thị. “Hồi thời điểm bắt đầu có ý tưởng tổ chức cuộc thi là khoảng tầm tháng 12 năm ngoái, dịch Covid vẫn diễn biến phức tạp, các chương trình thiện nguyện lúc đó thì tập trung chủ yếu vào miền Trung bão lụt, thiên tai, ban tổ chức cũng cân nhắc tranh cãi liệu thời điểm này tổ chức có phù hợp không? Nên cũng lo chứ, nhưng mà thôi, đã trèo lên lưng hổ rồi thì đành phải để cho hổ nó chạy thôi, cứ cố gắng hết mình là được rồi.” - anh cười nói thêm. Và trời không phụ lòng người, những nỗ lực suốt bốn tháng vất vả của anh Lý đã đem lại hoa thơm trái ngọt, cuộc thi PASS - Bước nhảy xóa mọi khoảng cách  đạt thành công vượt sức kỳ vọng.

Đập tan định kiến về người khiếm thị

Để những bước chân kia có thể nhịp nhàng đến vậy trên sâu khấu cuộc thi ngày hôm qua hẳn một phần công sức không nhỏ thuộc về vũ công Tô Văn Hòa – thầy dạy múa, người truyền cảm hứng với bộ môn dancesport tới các học viên. Chính thầy cũng từng chia sẻ “Dạy cho người bình thường đã khó, dạy cho người khiếm thị phải nói là rất khó, khó vô vàn!” bởi có khi cả một buổi học, các học viên chỉ tập đi tập lại một hoặc hai động tác. Tuy vậy, thầy vẫn kiên nhẫn dành thời gian nói chuyện và chia sẻ với từng người để động viên họ không nản chí, không bỏ cuộc. Và nỗ lực của thầy đã được đền đáp: học sinh thầy cháy hết mình trên sân khấu ngày 04/04, họ “phiêu” hết mình cùng giai điệu, tuy không nhìn thấy bạn nhảy nhưng họ có thể cảm nhận vũ điệu tâm hồn đối phương, từ đó phối hợp ăn ý đến lạ kỳ.

Một tiết mục dự thi trong chương trình (ảnh: Thu Khánh)

Nhìn những động tác thành thục trong mỗi phần thi, chúng ta khó có thể tin nó được thực hiện bởi người khiếm thị. Nếu không nhờ tiết tấu có phần chậm rãi hơn một chút của mỗi điệu nhảy, bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể lầm tưởng đang tỏa sáng rực rỡ trên sân khấu kia là những vũ công hoàn toàn không có khiếm khuyết về thể chất. Thật không ngoa khi nói người khiếm thị không nhảy bằng đôi chân, đôi tay, con mắt mà họ nhảy bằng cả trái tim.

N.T. Hằng (19t), sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn bày tỏ sự bất ngờ và không giấu nổi niềm xúc động khi chứng kiến từng tiết mục. “Mình đến để cổ vũ bạn, lúc trước bạn mình kể đi tập đồng diễn cùng đội thì mình cảm thấy hơi khó tin. Nhưng hôm nay nhìn thấy bạn ấy nhảy trên sân khẩu thì mình không còn nghi ngờ gì nữa. Mình nghĩ mình và cả những người còn mang định kiến với người khuyết tật nên gỡ bỏ ngay đi thôi.”

N. Vân Linh (24t), sinh viên Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng thì không ngừng thán phục về nghị lực của những vận động viên tham dự cuộc thi. “Cuộc thi này thật sự khiến mình phải có cái nhìn khác. Bản thân học Y nên mình luôn nghĩ khiếm khuyết cơ thể là một bất hạnh to lớn vì không thể làm được nhiều việc, nhưng ngày hôm nay thấy nụ cười luôn nở trên môi, vẻ hạnh phúc ngập tràn khi các cô các chú biểu diễn, mình thật sự vô cùng khâm phục nghị lực của họ. Có lẽ chỉ cần cố gắng, những gì chúng ta làm được thì họ (người khuyết tật – chú thích của PV) cũng làm được. Từ đó mình cũng cảm thấy trách nhiệm và thêm yêu cuộc sống hơn” - Linh nói thêm.

Xóa bỏ lằn ranh mặc cảm

Chị Đỗ Thúy Hà - chủ nhiệm Câu lạc bộ khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội, đồng thời là chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa - chia sẻ rằng từ ngày học dancesport chị cảm thấy hứng thú, yêu đời hơn. Không chỉ vậy sức khỏe còn được cải thiện, chị và các học viên khác dần hình thành tư thế thẳng lưng thay cho thói quen cúi lưng khi đứng hoặc ngồi của người khiếm thị, khả năng đi lại hay giữ thăng bằng cũng tiến bộ đáng kể.

Anh Phạm Văn Quảng thì tâm sự việc tập luyện tuy lâu nhưng mà vui. Mọi người đều sôi động, nhiệt tình, vui vẻ, học viên nào cũng hào hứng với cuộc thi lần này. “Khi đến câu lạc bộ thì tự nhiên những vất vả lo toan cảm giác như biến mất, chỉ có sự chia sẻ và niềm vui thôi.” - anh nói thêm.

Đừng cho con cá, hãy dạy cách đi câu

Chúng ta luôn được dạy rằng phải biết giúp đỡ những người yếu hơn mình, nhưng giúp thế nào cho đúng? Chúng ta mặc định những người khiếm khuyết cần sự hỗ trợ về vật chất, ủng hộ theo nghĩa vụ và cho rằng làm vậy là đã giúp đỡ đủ rồi mà không hề hay biết đó chỉ là giải pháp tạm thời, thứ những người khiếm khuyết khát khao hơn cả là sự ủng hộ, công nhận của xã hội. Họ muốn chứng minh cho những người “hoàn hảo” chúng ta thấy rằng, người khuyết tật cũng có ích, rằng người khuyết tật không phải là gánh nặng, họ cũng có khả năng đóng góp vào sự phát triển của đất nước không thua kém chúng ta. Tôi lạc quan cho rằng, với sự thành công của cuộc thi PASS vừa rồi, sẽ có ngày một nhiều hoạt động dành cho người khuyết tật, giúp họ hòa nhập cộng đồng, để từ đó có thể tự lo được cho cuộc sống của mình, tự hỗ trợ chính cộng đồng mình.
Theo hoanhap.vn

Tin liên quan