Mặc dù Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm hỗ trợ trẻ em khuyết tật (TEKT) hoà nhập với cộng động, song bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong thực hiện chính sách đối với đối tượng này. Vì vậy, việc phát huy tính tích cực, sáng tạo, đề ra những giải pháp cụ thể của công tác xã hội nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đối với TEKT là cần thiết.
Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật (NKT) từ 2 tuổi trở lên, (chiếm 7,06% dân số) trong đó có khoảng hơn 663 nghìn trẻ em khuyết tật từ 2-17 tuổi.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã hết sức quan tâm đến công tác trợ giúp NKT, quyền của NKT nói chung và của trẻ em khuyết tật nói riêng. Kể từ khi trở thành quốc gia đầu tiên ở Châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989, đồng thời là thành viên thứ 118 tham gia ký Công ước quốc tế về Quyền của NKT năm 2007, vị trí, vai trò của NKT nói chung TEKT nói riêng ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi nhằm đưa pháp luật Việt Nam lại gần hơn với chuẩn mực chung của pháp luật quốc tế về quyền của TEKT. Hàng loạt chính sách, đề án, chương trình đã được ban hành với mục đích xây dựng hành lang pháp lý chuẩn mực, là cơ sở cho việc bảo đảm và thúc đẩy thực thi có hiệu quả các quyền của trẻ em trên thực tế. Đặc biệt, sự ra đời của Luật NKT năm 2010 đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng về địa vị của TEKT trong xã hội và thể hiện nỗ lực, quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ, giúp đỡ TEKT hoà nhập với cộng đồng.
Về công tác thực hiện chính sách đối với TEKT, các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan hữu quan đã nghiêm túc triển khai thực hiện Luật Người khuyết tật; thúc đẩy thực hiện Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 -2020 như lên kế hoạch đôn đốc, theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện, đồng thời lồng ghép các chương trình liên quan tới NKT và TEKT theo qui định tại Luật NKT.
Dạy học cho trẻ em khuyết tật
Hằng năm, các Bộ, ngành đã ban hành hàng trăm công văn, quyết định cá biệt để xử lý và hướng dẫn các địa phương, các tổ chức giải quyết những vấn đề bức xúc hoặc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan được thực hiện tương đối tốt. Đây là điều kiện quan trọng góp phần thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về TEKT.
Công tác tổng hợp, thống kê, khảo sát, đánh giá thực trạng TEKT và tình hình thực hiện chính sách, giải pháp đã được quan tâm. Hằng năm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đều có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các tỉnh, thành phố tổng hợp, thống kê về tình hình thực hiện các chế độ, chính sách đối với NKT và TEKT để từ đó tạo cơ sở cho việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách đối với TEKT.
Các Sở LĐTBXH xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện sớm để tập trung nguồn lực thực hiện các chính sách đối với TEKT một cách có hệ thống, đồng bộ, nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện chính sách đối với TEKT.
Công tác tuyên truyền đã được các cơ quan, tổ chức và các địa phương đặc biệt quan tâm, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện và có những hoạt động cụ thể để thực hiện các qui định của luật. Đặc biệt, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh lao động, người có công và xã hội nói chung và lĩnh vực NKT nói riêng, Bộ LĐTBXH đã hệ thống hoá các văn bản qui định, biên soạn tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ, tờ rơi, tổ chức in và phát cho các địa phương.
Việc bồi dưỡng kiến thức chuyên môn của cán bộ, công chức làm công tác thực hiện chính sách đối TEKT được tăng cường. Nhiều khoá tập huấn về chính sách đối với TEKT, về công tác chăm sóc, giáo dục TEKT đã được quan tâm thực hiện từ trung ương đến địa phương, góp phần triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đối với TEKT được qui định trong Luật NKT.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt, công tác thực hiện chính sách đối với TEKT vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc do một số chính sách chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của nước ta. Tiến độ thực hiện chính sách đối với TEKT còn chậm. Việc bao quát các hoạt động trợ giúp TEKT của các Bộ, ngành, địa phương còn chưa đầy đủ. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, hoạt động hỗ trợ TEKT từ trung ương đến địa phương không thường xuyên. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, giữa trung ương với địa phương trong thực hiện chính sách đối với TEKT thiếu chặt chẽ, hài hoà, đồng bộ nên hạn chế về kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra.
Nhiều chính sách không được thực hiện đồng bộ; việc xác định mức độ khuyết tật còn chưa chính xác, do đó gặp những khó khăn trong việc trợ cấp xã hội hàng tháng cho TEKT. Một số chính sách chưa đến đúng đối tượng, đặc biệt đối với trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, nguồn lực của Nhà nước chưa đáp ứng được với nhu cầu của TEKT hiện nay.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đối với TEKT ở Việt Nam, về các giải pháp của công tác xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức xã hội và phổ biến các chính sách đối với TEKT. Đây được coi là giải pháp đầu tiên và là bước đi ban đầu có ý nghĩa tiên quyết đối với hiệu quả thực hiện chính sách đối với TEKT.
Tiếp đó, cần tăng cường huy động sự tham gia của người dân, đặc biệt là chính bản thân gia đình có TEKT và bản thân trẻ khuyết tật. Khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân tham gia vào mọi hoạt động trợ giúp NKT, các đề án về trợ giúp NKT. Đặc biệt là sự phối hợp của gia đình có NKT và TEKT từ việc xác định đối tượng, đến việc lập kế hoạch triển khai thực hiện ở xã, phường, thị trấn để quản lý nguồn lực, giám sát, đánh giá. Gia đình được xem là nơi đầu tiên và cũng là nơi đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hỗ trợ TEKT khắc phục khó khăn, vươn lên tạo lập cuộc sống, hoà nhập cộng đồng. Vì vậy, bên cạnh chính sách hỗ trợ trực tiếp cho TEKT cần phải hướng tới việc hỗ trợ cho hộ gia đình có TEKT, nhằm giúp cho đối tượng này được chăm sóc tốt hơn, qua đó lợi ích của TEKT được đảm bảo một cách bền vững và lâu dài.
Cần hoàn thiện chính sách của Nhà nước đối với TEKT trong một số lĩnh vực thông qua việc triển khai thực hiện tại các cơ sở. Tiếp tục cung cấp kiến thức, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về thực hiện chính sách đối với TEKT cho cộng đồng.
Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương cần thực hiện tốt và đồng bộ công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Luật NKT và các qui định khác về TEKT. Các Bộ, ngành và các địa phương cần quan tâm kịp thời ban hành các văn bản, quyết định cá biệt để xử lý và hướng dẫn xử lý những vấn đề bức xúc, vướng mắc hoặc tháo gỡ những khó khăn; đồng thời duy trì tốt công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc tổ chức thực hiện chính sách đối với TEKT. Đây là điều kiện quan trọng góp phần thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về NKT, TEKT. Hằng năm, các cơ quan, Bộ, ngành cần tổ chức kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với TEKT ở các địa phương, các cơ sở chăm sóc TEKT.
Cần đẩy mạnh công tác xã hội hoá, huy động nguồn lực của các tổ chức xã hội trong thực hiện chính sách đối với TEKT. Đồng thời, thực hiện kết nối các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc bảo đảm thực hiện các chính sách đối với NKT và TEKT.
Ngoài ra, để TEKT có thể hưởng đầy đủ các quyền như trẻ em bình thường khác và hoà nhập với gia đình, cộng đồng và xã hội theo đúng khả năng của mình cần xây dựng những trung tâm chăm sóc TEKT theo mô hình tổng hợp đan xen các hoạt động bao gồm: hoạt động giáo dục đặc biệt, giáo dục chuyên biệt, giáo dục hoà nhập; hướng nghiệp và đào tạo nghề, chăm sóc y tế; phục hồi chức năng, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao; chăm sóc nuôi dưỡng để các em có kỹ năng sống, có một nghề để tái hoà nhập với gia đình, cộng đồng và trở thành những thành viên có ích cho xã hội.
Theo laodongxahoi.net