Sáng 17/3, trung tâm giáo dục nghề nghiệp Hội người mù TP. Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ bế giảng và báo cáo kết quả hoạt động Dự án “ Đào tạo kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số nhằm hỗ trợ người khuyết tật chung sống an toàn và phục hồi kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19”.
Đây là chương trình do cơ quan phát triển Liên Hiệp Quốc ‘UNDP’ và đại sứ quán Nhật Bản tài trợ.
Niềm vui của các học viên trong ngày tốt nghiệp
Phát biểu tại chương trình, ông Trần Trung Hiếu-giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp hội người mù thành phố Hà nội cho biết: Với những ảnh hưởng do đại dịch covid-19 gây ra, người khiếm thị – một bộ phận người yếu thế gặp rất nhiều khó khăn. Tính riêng tại Hà Nội có trên 9.000 người khiếm thị, trong đó người khiếm thị trong độ tuổi lao động chiếm 33%.
Trong cuộc khảo sát nhu cầu học nghề năm 2020 của người khiếm thị Hà Nội do Trung tâm thực hiện, với 1.183 người tham gia khảo sát cho kết quả muốn học nghề kinh doanh online là 72 người chiếm 6,3%. Tuy nhiên để kinh doanh online, cần phải có những kiến thức, kỹ năng và cách tiếp nhận rất mở mà những kiến thức kỹ năng đó đối với người khiếm thị còn rất hạn chế.
Nắm bắt được thông tin và nhu cầu đó, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản đã tài trợ Trung tâm dạy nghề thuộc Hội người mù thành phố Hà Nội 1 khóa đào tạo Kỹ năng bán hàng online cho người khiếm thị trong bối cảnh phục hồi sau covid 19 nhằm hỗ trợ đào tạo những kiến thức, kỹ năng cần thiết để người khiếm thị có thể có thêm một nghề mới, nâng cao sự tự tin hòa nhập cộng đồng.
Tháng 10/2020 Trung tâm tiếp nhận thông tin tài trợ, Trung tâm đã triển khai những công tác chuẩn bị đào tạo như công tác tuyển sinh; làm việc với các chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế, marketting, marketting trên nền tảng số để đưa ra những nội dung dự kiến sẽ đào tạo cho người khiếm thị với phương châm ngắn, gọn, xúc tích, dễ tiếp cận.
Trung tâm đã tuyển sinh 23 học viên, bao gồm 18 học viên khiếm thị, 5 học viên không khiếm thị . Khóa học diễn ra trong 30 ngày với sự dẫn dắt của các chuyên gia về kỹ năng giao tiếp, kiến thức kinh tế thị trường, kỹ năng bán hàng online trên mạng xã hội Facebook…
Ông David Pane đại diện UNDP chia vui cùng các học viên.
Sau 3 tháng học tập, học viên có 1 tháng được rèn luyện thực hành trên FB với sự kèm cặp của các giảng viên. Bước đầu ghi nhận những kết quả rất tích cực từ học viên như: Cách thức xây dựng tin bài bán hàng chuyên nghiệp hơn, đầy đủ các tiêu chí, hấp dẫn… Nhiều học viên đã tăng doanh thu bán hàng so với những ngày chưa đi học. Một số học viên chưa bán online bao giờ đã chốt được đơn hàng và đã có những doanh số đầu tiên … Điển hình như:
Anh Nguyễn Trung Thái – Bán điện thoại di động; sau khi tham gia dự án, tháng 1 và tháng 2 đã bán được 12 chiếc điện thoại, lợi nhuận tăng gấp 7 lần sơ với tháng 11 và tháng 12.
Chị Lương Thị Hải Yến – thu nhập xấp xỉ 5 triệu/ tháng tăng 40% so với những tháng trước đó.
Chị Nguyễn Thị Ly, chưa tham gia bán hàng online nhưng sau khi tham gia khóa học, chị đã bán Táo của vườn nhà. Trong tháng 1 và tháng 2 chị đã bán được 700kg táo, doanh thu xấp xỉ 20 triệu, lợi nhuận tăng hơn so với bán trực tiếp tại vườn nhà khoảng 30%.
Học viên thực hành trên những chiếc laptopdo dự án tài trợ
Cùng với sự tài trợ khoá đào tạo, UNDP còn tài trợ cho Trung tâm dạy nghề 10 máy tính xách tay với mục đích hỗ trợ đào tạo tại trung tâm.
Cũng tại buổi lễ, ông David Pane-điều phối viên chương trình hỗ trợ phục hồi sau đại dịch Covid-19 của cơ quan phát triển Liên Hiệp Quốc ‘UNDP’ tại Việt bày tỏ sự phấn khởi với những kết quả mà dự án đã đạt được đồng thời nhấn mạnh “Đây là minh chứng cho thấy các chương trình hỗ trợ người dân phục hồi sau Covid-19 của UNDP đã đi đúng hướng và đạt hiệu quả. Ông David Pane cũng mong muốn trong tương lai sẽ có thêm nhiều người khiếm thị nói riêng, người khuyết tật nói chung có cơ hội tiếp cận với những công việc mới dựa vào lợi thế từ cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 để có thêm việc làm và thu nhập ổn định từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.