Người khuyết tật (NKT) thường dễ bị tổn thương và rủi ro trước các trường hợp thiên tai khẩn cấp và biến đổi khí hậu do bị hạn chế hoặc không được tiếp cận với các nguồn thông tin cảnh báo sớm, kế hoạch sơ tán, ứng phó, cùng khả năng thích ứng chậm. Họ cũng là đối tượng dễ bị tổn thương và cần được nâng cao năng lực, trang bị nguồn lực nhằm ứng phó với thiên tai và các sự kiện thời tiết cực đoan.

 

Việt Nam, nằm trong khu vực Đông Nam Á, nơi được xem là vùng “rốn bão” của thế giới và là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu(BĐKH). Các loại hình thiên tai có liên quan đến BĐKH và thường xuyên xảy ra tại Việt Nam: Áp thấp nhiệt đới và bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, sạt lở đất/đá, dông và sét, lốc, xâm nhập mặn, động đất... gây ra những tổn thất về người, tài sản, môi trường sống, các hoạt động kinh tế, xã hội. Rủi ro thiên tai sẽ càng nặng nề nếu xảy ra tại khu vực người dân có nhiều đặc điểm dễ bị tổn thương, ít khả năng ứng phó với thiên tai và những người yếu thế đặc biệt là NKT. Giúp NKT chủ động đối diện và tham gia vào quá trình ứng phó với BĐKH, phòng tránh thiên tai (PCTT) là hoạt động cần thiết và cấp bách.

“Thúc đẩy người khuyết tật xây dựng cộng đồng ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu tại Nho Quan” được thực hiện bởi Quỹ hỗ trợ chương trình, Dự án An sinh xã hội Việt Nam (AFV) hợp tác với UBND huyện Nho Quan dưới sự tài trợ của Tổ chức CBM quốc tế thực hiện từ 2018 đến 2022. Với mục tiêu giúp người khuyết tật hòa nhập và thích ứng hơn với tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu thúc đẩy: cộng đồng hòa nhập, có sự tham gia tích cực, cung cấp cơ hội tiếp cận bình đẳng cho người khuyết tật sống trong nghèo đói; chính quyền địa phương và các hệ thống hỗ trợ dịch vụ khác tham gia và hoạt động hiệu quả; các cộng đồng chuẩn bị sẵn sàng ứng phó thiên tai.

Nho Quan là huyện miền núi với địa hình chia thành ba vùng rõ rệt là vùng trũng, đồng bằng và vùng núi. Nho Quan cũng từng chịu ảnh hưởng nặng nề từ trận lụt năm 2017. Với gần 4.000 người khuyết tật sinh sống trên khắp địa bàn việc tuyên truyền, hỗ trợ và tăng cường hòa nhập của NKT vào công tác phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai là vô cùng cấp thiết. Khi xẩy thiên tai hoặc điều kiện khí hậu khắc nghiệt xẩy ra, NKT thường bị rơi vào thế bị động, gặp khó khăn trong việc chuẩn bị, ứng phó khẩn cấp. Dự án “Thúc đẩy NKT xây dựng cộng đồng ứng phó với thiên tai và BĐKH tại Nho Quan” nhấn mạnh điều cần thiết và quan trọng là xóa bỏ những rào cản, nâng cao nhận thức và năng lực của NKT, các thành viên trong cộng đồng và cán bộ chính quyền nhằm nâng cao tiếng nói, sự tự tin của NKT. Bên cạnh đó, NKT cần được hỗ trợ những điều kiện cần thiết để có thể tham gia tích cực và hiệu quả vào các hoạt động. Cần có sự tham gia của đại diện NKT trong các giai đoạn của chu trình giảm thiểu rủi ro thiên tai: đánh giá rủi ro thiên tai - xây dựng kế hoạch giảm thiểu rủi ro thiên tai - thực hiện kế hoạch - giám sát đánh giá việc thực hiện kế hoạch. Cần có sự tham gia của đại diện NKT trong Ban phòng chống thiên tai của thôn/xã.

Trong khuôn khổ Dự án, NKT không chỉ tham gia với vai trò là học viên được tập huấn, mà còn tham gia với tư cách là tập huấn viên với đầy đủ năng lực lẫn kiến thức về phòng chống thiên tai. Không chỉ hoạt động tập huấn, Dự án còn diễn ra với các hoạt động chính là: quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng có hòa nhập NKT và vận động chính sách; đánh giá và lập kế hoạch phòng, chống thiên tai, lồng ghép các nội dung trong kế hoạch vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cấp xã; thực hiện các chiến dịch truyền thông trong tăng cường nhận thức và thực hiện các dự án nhỏ nhằm nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai.

Giúp người khuyết tật Nho Quan chủ động phòng tránh thiên tai1

Dự án đã tổ chức 45 khóa tập huấn cho hơn 1500 lượt người trong đó có 600 NKT tham gia tập huấn như sử dụng máy tính, internet, kỹ năng lập kế hoạch, quản lý rủi ro, sơ cấp cứu, lập danh mục những việc cần làm để phòng chống thiên tai. Dự án cũng trang bị các kỹ năng cần thiết cho NKT khi có báo lũ như chuẩn bị dụng cụ, đồ dùng sinh hoạt cần thiết, phòng tránh rủi ro và giảm nhẹ thiệt hại. Là đối tượng được hưởng lợi từ dự án, tiếng nói, nhu cầu của NKT trong thiên tai đã được lắng nghe. Những hoàn cảnh cụ thể của NKT được đặt ra và có hướng giải quyết. Chẳng hạn như, với NKT về nghe nói, nhìn, trí tuệ, tâm thần, nằm một chỗ được các thành viên Ban quản lý rủi ro thiên tai của thôn hoặc đội cứu hộ trực tiếp đến nhà thông báo tình hình thiên tai, huy động lực lượng và phương tiện di chuyển họ đến nơi an toàn. Quá trình triển khai dự án đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, cũng như tạo được sợi dây gắn kết lâu bền giữa các hộ dân, phát huy sức mạnh tập thể tại các khu dân cư. Các thôn trên địa bàn xã được hưởng lợi từ dự án tiến hành lập “sơ đồ hiểm họa” để phân tích điểm mạnh, điểm yếu về nhân lực, “điểm đen” trên địa bàn khi có bão lũ... qua đó tiến hành diễn tập sơ tán từ cấp thôn lên cấp xã. Ứng dụng công nghệ, thiết bị chuyên dụng giúp NKT nhận thông tin cảnh báo sớm để ứng phó với dịch bệnh và thiên tai.

Mặt khác, tổ chức kiện toàn ban PCTT tại tại 41 thôn, 3 xã trong vùng thực hiện dự án. Trong đó mỗi ban cấp thôn có ít nhất 01 NKT, ban PCTT cấp xã có ít nhất 02 NKT tham gia. Thường xuyên xây dựng tiểu phẩm, chia sẻ thông tin và tham vấn cộng đồng hoàn thiện cách làm. Dự án cũng dành gần 2,8 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng trung tâm tránh nạn với đầy đủ các trang thiết bị cứu hộ cứu nạn như thuyền cứu hộ, hàng chục áo phao, đèn pin, loa cầm tay, máy phát điện, hoàn thiện và đồng bộ hệ thống loa phát thanh tại các thôn, để hỗ trợ người dân ứng  phó với thiên tai. Xây dựng pano hướng dẫn các bước cần thực hiện trong mỗi trường hợp khẩn cấp. Xây 15 công trình tiếp cận, công trình vệ sinh đúng chuẩn... để NKT có thể thuận lợi sử dụng, tiếp cận trong trường hợp cần thiết.

 

Chị Quách Thị Chi, NKT sống tại xã Kỳ Phú (Nho Quan, Ninh Bình) cho biết: "Các khóa tập huấn diễn tập về phòng chống thiên tai rất có ý nghĩa với chúng tôi. Tôi đã học được các kỹ năng cần thiết để chuẩn bị cho bản thân ứng phó khi thiên tai xảy ra. Tôi cũng tham gia Ban phòng chống thiên tai của thôn để đóng góp ý kiến của những NKT, nhất là phụ nữ khuyết tật cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của thôn liên quan đến chủ đề phòng ngừa  và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Tại thôn Đồng Chạo, xã Kỳ Phú chúng tôi cũng có điểm tránh trú thiên tai. Trong mấy cơn bão và áp thấp vừa rồi, NKT tại thôn, xã thường xuyên được cập nhật tình hình và được hướng dẫn kỹ năng và luôn chủ động sẵn sàng khi có tình huống xấu xẩy ra."

Anh Trần Quốc Huy ở thôn Vệ Chùa, xã Thạch Bình, huyện Nho Quan là một người khuyết tật tham gia hoạt động dự án từ giai đoạn I đến nay chia sẻ: “Từ khi có dự án, nhiều người khuyết tật ở thôn tôi được tham gia các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực, được hỗ trợ vốn vay, được động viên thực hiện các hoạt động tạo thu nhập cho gia đình. Được tham gia các hoạt động giúp bản thân tôi cũng như nhiều người khuyết tật khác tự tin hơn rất nhiều. Chúng tôi không còn tâm lý ngại, tự ti mà còn tự tin tham gia, đóng góp ý kiến tại các buổi họp, hoạt động tại cộng đồng”.

Mô hình Dự án “Thúc đẩy NKT xây dựng cộng đồng ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu tại Nho Quan’ đã tăng cường sự chủ động tham gia của NKT trong quá trình từ phòng ngừa thiên tai và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Từ những cách xử lý phù hợp và vai trò của người khuyết tật sẽ góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra và tăng hiệu quả công tác phòng chống biến đổi khí hậu.

 

 

 

 

Tin liên quan