Là tổ chức xã hội hoạt động trong điều kiện không được hưởng cơ chế Hội đặc thù, để có nguồn lực triển khai các hoạt động bảo trợ, chăm sóc người khuyết tật, trẻ mồ côi, chỗ dựa lớn nhất của Hội bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi thành phố Đà Nẵng chính là sự đóng góp từ những tấm lòng vàng nhân ái của các lực lượng xã hội trong và ngoài nước. Trong đó, các tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng, mang tính quyết định cho hiệu quả và thành công trong các hoạt động của Thành Hội. Nhờ nguồn lực này, Thành Hội đã tiến hành các hoạt động bảo trợ phong phú, đa dạng theo các chương trình của Trung ương Hội và theo nhu cầu của các đối tượng bảo trợ tại địa phương.
Vận động theo dự án, hỗ trợ các cơ sở nuôi dưỡng tập trung
Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Đà Nẵng được thành lập từ năm 1997 do những người có tâm huyết và trách nhiệm, hoạt động thiện nguyện vì người khuyết tật - trẻ mồ côi (NKT - TMC) và những người bất hạnh khác. Do không được hưởng cơ chế Hội đặc thù, nên suốt hơn 20 năm qua, để có nguồn lực hỗ trợ NKT, TMC Thành Hội không ngừng đổi mới hoạt động, tăng cường vận động các tổ chức, doanh nghiệp, các tấm lòng hảo tâm trong xã hội. Trong đó, việc mở rộng hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế được Thành Hội đặc biệt quan tâm, coi đây là nguồn lực có tính quyết định cho hiệu quả và thành công trong hoạt động của Thành Hội.
Trong quá trình hoạt động, Thành Hội đã chủ động xây dựng các Dự án, Chương trình trọng tâm với những nội dung cụ thể thiết thực. Nhờ đó, đã thu hút sự quan tâm, hỗ trợ nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp. Điển hình là Tổ chức ASSORV (Pháp) đã tài trợ Dự án nuôi trẻ mồ côi trong 50 năm, mỗi năm nhận 50 cháu từ lớp 1 đến lớp 12 với hàng tỷ đồng/năm. Đến nay qua 20 năm hoạt động đã có hàng ngàn lượt trẻ mồ côi được nuôi dạy từ Trung tâm Hoa Mai, trong đó nhiều cháu đã tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng, hoặc học nghề, ra đời, có việc làm, có gia đình và cuộc sống ổn định. Các tổ chức phi chính phủ Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Úc,... cũng đã có những tài trợ quan trọng tổng cộng hàng ngàn USD trong việc nuôi dưỡng các cháu mồ côi tại các trung tâm của Thành Hội hoặc trợ cấp học bổng, chăm sóc sức khỏe, y tế cho các cháu.
Cùng với các nguồn khác, nhờ sự tài trợ hàng tỷ đồng của Công ty Thương mại Dịch vụ Tổng hợp Bách Đạt An mà Trung tâm nuôi dưỡng trẻ sơ sinh (dưới 36 tháng tuổi) bị bỏ rơi có điều kiện thuận lợi nuôi hàng trăm lượt cháu. Đến nay, đã có gần 260 cháu được nuôi dưỡng tại trung tâm và đã có 250 cháu có được mái ấm gia đình trong và ngoài nước.
Ngoài sự trợ giúp theo Dự án, có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm cũng đã tham gia các chương trình trợ giúp về vật chất để nâng cao chất lượng dinh dưỡng và đáp ứng yêu cầu sinh hoạt nhiều mặt của các cháu tại các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi của Thành Hội với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng/năm. Đến nay đã có hàng ngàn lượt cháu mồ côi được nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở của Thành Hội được chăm sóc tốt về dinh dưỡng, điều kiện học hành thuận lợi, cơ sở vật chất phục vụ đời sống và các hoạt động đầy đủ.
Vận động trợ giúp theo nhu cầu, nội dung cụ thể
Đối với các đối tượng tại cộng đồng, để thu hút sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp, Thành Hội xây dựng các đề án trợ giúp theo nhu cầu cụ thể, trong đó bám sát các chương trình trọng tâm mà Trung ương Hội đề ra. Các nội dung như trao tặng xe lăn, xe lắc, hỗ trợ sinh kế, thăm hỏi tặng quà, học nghề và việc làm… của Thành Hội đã nhận được sự hưởng ứng, đồng hành của nhiều tổ chức nước ngoài và doanh nghiệp địa phương.
Có thể kể đến Tổ chức GGC (Úc) đã có chương trình tặng NKT xe nước mía, xe bán bánh mỳ, làm đường tiếp cận nơi công cộng, công trình vệ sinh gia đình,... Tổ chức Từ thiện Hoa Kỳ cùng với Tổ chức Grenting (Hồng Kông) đã giúp hàng ngàn xe lăn, xe lắc, xe tay quay để trang bị phương tiện vận động trợ giúp sinh hoạt, làm ăn cho NKT, nhờ đó nhiều người có điều kiện cải thiện đời sống. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã tặng máy may, các thiết bị sản xuất phục vụ cho việc học nghề và hành nghề của NKT. Từ sự trợ giúp đó, một số NKT nhận máy và nguyên liệu về may tại gia đình, có công việc và thu nhập tương đối ổn định. Nhiều doanh nghiệp tư nhân và các nhà hảo tâm đã tài trợ hàng trăm triệu đồng tặng quà cho các cháu đồng bào dân tộc Kơtu xã Hòa Bắc (Hòa Vang).
Từ sự đầu tư của doanh nghiệp bánh mì tư nhân và sự tài trợ ban đầu của tổ chức ASSORV (Pháp), Thành Hội đã xây dựng Trung tâm sản xuất bánh mì và đào tạo chế biến thực phẩm Hoa Mai. Với nguồn kinh phí của tổ chức Hoa Trắng (Pháp) và doanh nghiệp tư nhân Thanh Ngọc Minh, Thành Hội đã tổ chức các lớp dạy tin học, ngoại ngữ, thêu tranh mỹ nghệ cho hàng chục học viên. Nhiều NKT đã có nghề sống tự lập từ chương trình. Các doanh nghiệp như Công ty Kinh doanh Thương mại tổng hợp Ân Điển, Tập đoàn Đất Xanh, Công ty Dệt may Hòa Thọ, Công ty DACOTEX, Công ty cổ phần bất động sản Hai Hạnh, Tập đoàn Việt Nam hiếu học, Chùa Nam Hải,... đã tài trợ kinh phí, trang thiết bị, lương thực... để thành lập Công ty may Tâm Ánh Minh dành cho 20 NKT có công ăn việc làm, có thu nhập ban đầu. Nhờ nguồn lực để dạy nghề và tạo việc làm này mà Thành Hội đã chuyển dần cách tiếp cận với NKT từ nhân đạo sang tiếp cận về quyền của NKT và thực hiện được yêu cầu “3 có” mà Trung ương Hội đề ra: có nghề - có việc làm - có thu nhập cho NKT.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Thành Hội Đà Nẵng “Những kết quả trên bắt nguồn từ lòng nhân ái tiềm ẩn trong trái tim mỗi người mà khi biết khơi dậy và có cơ hội là sẵn sàng thể hiện qua những nghĩa cử cao đẹp. Đó cũng là niềm tin vào công việc từ thiện đầy trách nhiệm trong các hoạt động bảo trợ của Thành Hội thông qua việc trao đổi, bàn bạc, thống nhất về đối tượng, nội dung, cách thức tài trợ. Qua việc mời các nhà tài trợ cùng tham gia trực tiếp các hoạt động trợ giúp hoặc có hình ảnh, văn bản thông tin và cảm ơn về việc trao tài trợ để các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp và nhà hảo tâm yên tâm và tin rằng sự trợ giúp đã đến đúng đối tượng... Cũng nên nhắc đến việc khi tiến hành các hoạt động trợ giúp này, Thành Hội luôn có báo cáo, xin phép chính quyền địa phương tạo sự ủng hội và chứng kiến để bảo đảm tính công bằng, công khai, minh bạch”.
Vẫn biết, việc vận động nguồn lực xã hội trong công tác xã hội với NKT, TMC còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với tâm huyết, sự nỗ lực cùng kinh nghiệm, uy tín hơn 20 năm hoạt động, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Đà Nẵng đã phát huy tốt vai trò của mình, góp phần tích cực cùng chính quyền địa phương đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Hoàng Dung