“Chăm sóc sức khoẻ và cơ hội phát triển”, “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em” là những chủ đề của Diễn đàn lắng nghe tiếng nói trẻ em được Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Lạng Sơn phối hợp cùng các đơn vị trong tỉnh tổ chức trong năm 2019. Hoạt động này nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, thúc đẩy sự tham gia tích cực, chủ động, có hiệu quả của trẻ em vào các vấn đề xã hội, từ đó góp phần tìm ra giải pháp hỗ trợ các em thực sự hiệu quả, phù hợp.
Trẻ em là thế hệ mầm non tương lai của đất nước, các em luôn rất cần sự quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ, học tập và rèn luyện... để trở thành con người có ích cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng phát triển. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn rất nhiều em phải sống trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, thiếu thốn không có điều kiện học tập, vui chơi vì hoàn cảnh gia đình, vì tự ti bản thân khuyết tật, vì là trẻ mồ côi.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có trên 10.000 người khuyết tật, trên 2.000 trẻ mồ côi. Từ khi thành lập đến nay, Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Lạng Sơn đã hết sức nỗ lực vận động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh, bảo trợ, chăm sóc cho các đối tượng yếu thế, góp phần thúc đẩy, tạo cơ hội để họ vươn lên trong cuộc sống.
Bà Lương Thị Mỹ An, Chủ tịch tỉnh Hội cho biết: “Trong quá trình hoạt động, tỉnh Hội luôn phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan như Hội Chữ Thập đỏ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và nhiều ngành khác cùng chung tay chăm lo bảo vệ và chăm sóc cho trẻ em, đặc biệt là công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tập huấn, hội thảo, diễn đàn ... của các cấp, các ngành. Nhờ đó đã góp phần nâng cao nhận thức cho gia đình, cộng đồng và xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em được tham gia học tập, rèn luyện đạo đức, tác phong. Tuy nhiên, phần lớn trẻ em vẫn còn thụ động trong các vấn đề liên quan đến mình như sự kỳ thị, phân biệt đối xử, bị lạm dụng, xâm hại tình dục, bị bạo hành... nhất là những em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, mồ côi... Vì vậy, năm 2019 tỉnh Hội đã phối hợp cùng các huyện Hội Hữu Lũng, Bình Gia, Văn Lãng tổ chức Diễn đàn lắng nghe tiếng nói trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với nhiều chủ đề khác nhau như “Chăm sóc sức khoẻ và cơ hội phát triển”, “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em”.
Diễn đàn có sự tham gia của hàng trăm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đại diện Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em cấp tỉnh, huyện, lãnh đạo Uỷ ban MTTQ huyện, phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, phòng Giáo dục và Đào tạo, huyện Đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Trung tâm Y tế và các ban, ngành, đoàn thể của huyện, các giáo viên và phụ huynh các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn 03 huyện đến tham dự và trả lời phỏng vấn của các em học sinh.
Trong Diễn đàn các em học sinh đã mạnh dạn tâm sự về bản thân và gia đình, đồng thời các em được giao lưu, chia sẻ những suy nghĩ và mong muốn của mình, nói lên tiếng nói của mình về nhà trường, thầy cô, xã hội, bạn bè, đặc biệt là vấn đề công nghệ thông tin trong thời kỳ đổi mới của đất nước (vốn có nhiều ưu điểm như làm cho mọi người nắm bắt thông tin nhanh, nhưng ngược lại có nhiều nhược điểm làm ảnh hưởng tới việc học tập và phát triển của thế hệ trẻ… ). Các em học sinh đã phỏng vấn ngành y tê, phụ nữ, đoàn thanh niên trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và cơ hội phát triển, các biện pháp đảm bảo sức khoẻ, có cuộc sống an toàn, lành mạnh…. Các ngành LĐTBXH, công an, giáo dục – đào tạo tư vấn cho các em nâng cao nhận thức các hành vi bạo lực, xâm hại, các kỹ năng tự vệ và xử lý các tình huống… Tất cả những câu hỏi thắc mắc, chia sẻ của các em đều được các vị đại biểu khách mời trả lời và định hướng.
Em Lâm Hoàng Trúc - học sinh trường THCS xã Tô Hiệu đã đại diện cho trẻ em trên địa bàn huyện Bình Gia nói riêng và trẻ em tỉnh Lạng Sơn nói chung đọc lên 22 thông điệp kiến nghị như: Bạo lực đối với trẻ em là hành vi hủy hoại tuổi thơ, cần phải kiên quyết loại trừ; Không còn bạo lực ở nhà trường và gia đình là hạnh phúc của trẻ thơ; Vì tương lai tươi sáng, hãy nói không với lao động trẻ em; Internet là bạn tốt đừng biến nó thành bạn xấu; Hãy chơi mạng xã hội, đừng để mạng xã hội “chơi” mình; Giá trị của con người không đến từ vật chất mà đến từ lối sống, đạo đức tốt đẹp; Đừng áp đặt, hãy để trẻ là chính mình; Đừng biến trẻ thành người lớn, hãy để trẻ sống đúng với lứa tuổi...
Theo đánh giá của ông Vi Song Hào - Uỷ viên Ban thường vụ Huyện ủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia: Diễn đàn đã diễn ra rất đúng thời điểm, trẻ em khó khăn đặc biệt đã được nói lên tiếng nói của mình, đặc biệt đã nêu lên những thông điệp rất đúng, rất giá trị, giúp cho các cấp, các ngành của địa phương hiểu và sẽ có giải pháp đồng bộ hơn trong việc thực hiện chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Có thể nói, diễn đàn đã góp phần thúc đẩy sự tham gia tích cực, chủ động, có hiệu quả của trẻ em vào các vấn đề xã hội, giúp trẻ mạnh dạn chia sẻ sự hiểu biết và bày tỏ quan điểm, nguyện vọng của mình về những vấn đề xung quanh cuộc sống có liên quan trực tiếp đến mình như: Giáo dục, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe, phòng chống xâm hại, buôn bán, bạo lực trẻ em… Những vấn đề các em nêu ra trong diễn đàn đã được Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em các cấp, các cơ quan, ban ngành, chức năng địa phương ghi nhận, giải đáp và tìm các giải pháp hiệu quả nhất giúp các em tự tin hơn trong cuộc sống.
Dung Nhi