Trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao nhận thức pháp luật và trợ giúp pháp lý về lao động, việc làm, thực thi thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế, giáo dục cho NKT”, Hội Người mù Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Đóng góp ý kiến bổ sung sửa đổi chính sách, pháp luật về y tế và giáo dục đối với NKT”. Đây là dịp để các đại biểu cùng nhìn nhận lại chính sách pháp luật đối với NKT trong lĩnh vực y tế, giáo dục của Việt Nam, một số kinh nghiệm của quốc tế đồng thời thảo luận, cho ý kiến để hoàn thiện bản Khuyến nghị mà Hội Người mù Việt Nam đã dự thảo.
Bà Đinh Việt Anh - Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Nhiều bất cập trong chính sách y tế, giáo dục với NKT
Theo bà Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam: Vấn đề y tế, giáo dục có ý nghĩa quan trọng đối với mọi người, đặc biệt là đối với NKT. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực này, tuy nhiên việc thực thi vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Từ năm 2020, Hội Người mù Việt Nam đã thực hiện Dự án Nâng cao nhận thức pháp luật và trợ giúp pháp lý về lao động, việc làm, thực thi thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế, giáo dục cho NKT từ đó xây dựng bản Khuyến nghị bổ sung, sửa đổi chính sách y tế, giáo dục với NKT. Hội thảo là dịp để Hội cùng các đại biểu cùng thảo luận, đóng góp trí tuệ, tâm huyết bổ sung, hoàn chỉnh bản Khuyến nghị gửi đến các cơ quan chức năng.
Phát biểu tại hội thảo, bà Đinh Thị Thuỵ - Phó Chánh văn phòng UBQG về NKT Việt Nam chia sẻ: Chúng ta có nhiều chính sách hỗ trợ NKT nhưng việc triển khai thực hiện còn bộc lộ hạn chế. Do vậy, cần tiến hành sửa đổi bổ sung các chính sách, pháp luật, trong đó có Luật NKT và các Luật khác có liên quan hướng tới việc thiết kế các chương trình, khái niệm theo hướng đảm bảo quyền cho NKT, trong đó có quyền tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khoẻ….
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó trưởng phòng PHCN và Giám định, Cục quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế chỉ ra những vướng mắc trong thực hiện chính sách y tế đối với NKT
Tham luận tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó trưởng phòng PHCN và Giám định, Cục quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế đã giới thiệu tổng quan chính sách pháp luật về y tế đối với NKT, trong đó nêu ra một số bất cập như: Nhu cầu khám chữa bệnh của NKT nhẹ rất cao, nhưng hiện nay, NSNN mới chỉ hỗ trợ đóng BHYT đối với NKT nặng và đặc biệt nặng. Mức chi trả BHYT cho NKT nhẹ mới chỉ dừng lại ở 80%. Nhiều dịch vụ của NKT không được BHYT chi trả như: Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong KBCB và PHCN. Chưa có quy định đặc thù, giảm thiểu thủ tục KCB BHYT để phù hợp với điều kiện của NKT trong tiếp cận dịch vụ.
Bà Nguyễn Hà Bích Phương – Trung tâm nghiên cứu và phát triển năng lực NKT (DRD) sau khi nghiên cứu chính sách về khám chữa bệnh, BHYT đối với NKT tại một số nước nhữ Mỹ, Úc, Liên minh Châu Âu và thực tiễn khảo sát của DRD đã đưa ra một số vướng mắc trong việc thực hiện chính sách y tế với NKT Việt Nam. Theo bà Phương, quy định chính sách hỗ trợ BHYT cho NKT lồng ghép vào chính sách BTXH đã vô tình loại trừ đối tượng NKT nhẹ ra khỏi chủ trương trợ giúp tiếp cận chăm sóc y tế dành cho NKT. Nhu cầu về chăm sóc sức khoẻ ở nhóm NKT nhẹ là rất cao và có mức độ thường xuyên hơn NKT nặng, nhưng hầu hết đều không đủ khả năng chi trả cho các hoạt động khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ do hạn chế về thu nhập và khả năng tích luỹ tiết kiệm. Cộng đồng NKT và các bên liên quan đều đánh giá rất cao về vai trò của thẻ BHYT đối với NKT, bao gồm cả NKT nhẹ.
Đại diện cho Vụ Giáo dục Tiểu học – Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng và bà Nguyễn Thị Lan Anh – Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) tham luận tại hội thảo đều khẳng định: NKT là người không may mắn, nhưng nếu họ được học hành thì sẽ làm được những việc như người không khuyết tật, thậm chí là phi thường. Do đó, việc giáo dục cho NKT có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chúng ta đã có sự thay đổi về nhận thức, là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước quốc tế về quyền của NKT, ban hành một loạt những văn bản pháp luật điều chỉnh, quy định quyền và lợi ích đối với NKT. Việc hoàn thiện hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập cho NKT sẽ là cơ hội để họ có thể được học tập, giáo dục tốt nhất.
Khuyến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách y tế, giáo dục với NKT
Từ kết quả triển khai thực hiện Dự án Nâng cao nhận thức pháp luật và trợ giúp pháp lý về lao động, việc làm, thực thi thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế, giáo dục cho NKT, trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Hội Người mù Việt Nam đã đưa ra bản Khuyến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách y tế, giáo dục với NKT.
Về lĩnh vực y tế, Hội Người mù khuyến nghị sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi năm 2014; Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT và một số thông tư, hướng dẫn theo hướng: Cần có chính sách hỗ trợ BHYT cho NKT nhẹ. Mở rộng phạm vi thanh toán của BHYT đối với NKT nặng, đặc biệt nặng khi sử dụng dụng cụ hỗ trợ, dụng cụ chỉnh hình, PHCN và các dịch vụ kỹ thuật cao trong quá trình khám chữa bệnh, PHCN bao gồm PHCN tâm lý cho NKT trí tuệ, thần kinh, tâm thần. Cần xem xét, sửa đổi khoản 7, 8 điều 23, Luật BHYT về việc khám, điều trị tật lác cận thị, tật khúc xạ ở mắt và đưa các dụng cụ PHCN (như nạng, nẹp cho NKT vận động, kính mắt, gậy định hướng cho người khiếm thị, máy trợ thính, ốc tai điện tử cho người khiếm thính) vào danh mục vật tư y tế do BHYT chi trả, hoặc hỗ trợ một phần theo tỷ lệ, hay quy định mức thanh toán tối đa.
Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ, ngành khác có liên quan cần rà soát và ban hành các văn bản quy định các cơ sở y tế ở công lập và tư nhân phải xây dựng hoặc có lộ trình xây dựng cơ chế và biện pháp đảm bảo tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và PHCN bình đẳng và phù hợp với NKT bao gồm cả việc bố trí nhân lực, phương tiện hỗ trợ NKT tiếp cận cơ sở vật chất, trang thiết bị, thông tin, thủ tục.. Ví dụ ngôn ngữ ký hiệu, ngôn ngữ Braile, văn bản điện tử hoặc xây dựng các ứng dụng trên điện thoại thông minh phù hợp; Phát triển dịch vụ PHCN ở tuyến tỉnh, huyện, xã và dịch vụ PHCN dựa vào cộng đồng; Có chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên sâu trong chăm sóc PHCN, tăng cường tập huấn, trao đổi chuyên môn, liên kết giữa các địa phương, vùng trong khám chữa bệnh, PHCN cho NKT; Tổ chức khám sức khoẻ định kỳ và toàn diện cho từng nhóm NKT theo dạng tật, cung cấp dịch vụ y tế dự phòng miễn phí cho NKT tại địa phương giúp tầm soát và hạn chế rủi ro về bệnh tật cho NKT.
Các đại biểu đóng góp ý kiến cho Khuyến nghị của Hội Người mù Việt Nam
Về giáo dục, Khuyến nghị của Hội Người mù có 9 nội dung, trong đó: Cần xem xét điều chỉnh hoặc bỏ quy định về giới hạn độ tuổi khi nhập học của NKT giúp NKT có cơ hội đảm bảo quyền học tập; Cần mở rộng mô hình giáo dục linh hoạt tại cộng đồng (như giáo dục từ xa, giáo dục tại nhà, cộng đồng) song song với các loại hình hiện có nhằm tạo thuận lợi cho NKT có dạng tật và mức độ khuyết tật khác nhau, đặc biệt là NKT nặng và đặc biệt nặng; Cần có cơ chế phân bổ tài chính từ ngân sách nhà nước, phân công trách nhiệm rõ ràng cho cơ quan chức năng để chủ động cho việc sửa đổi, in ấn sách giáo khoa hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập thiết yếu cho NKT. Đồng thời huy động thêm nguồn lực cho công tác này. Mặt khác, nhà nước cần sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ và gia nhập Hiệp ước Marakess nhằm tạo điều kiện cho người khiếm thị và NKT không có khả năng đọc chữ in khác tiếp cận với các tác phẩm đã công bố nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi sách giáo khoa, tài liệu sang tài liệu dễ tiếp cận cho NKT.
Bên cạnh đó cũng rất cần có chính sách khuyến khích chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, sản xuất các phần mềm trang thiết bị đẩy mạnh tiếp cận CNTT đồng thời tăng cường cải thiện cơ sở vật chất hạ tầng, trường học và có điều chỉnh hợp lý để đảm bảo quyền học tập cho NKT; Nhà trường cần xem xét, điều chỉnh nội dung, phương pháp (nếu cần có thể phối hợp với Hội người mù, Hội NKT) tổ chức dạy học cho các em những môn phù hợp giúp các em phát triển toàn diện hơn; Xem xét việc miễn, giảm học phí cho sinh viên khuyết tật học sau đại học. Nên có chính sách khuyến khích NKT tham gia học tập ở trình độ cao để họ phát huy năng lực và đóng góp cho xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đảm bảo giáo viên được đào tạo tập huấn phương pháp dạy NKT và phân bổ nhân viên hỗ trợ giáo dục nhân viên CTXH phù hợp tại các cơ sở giáo dục; Cần mở rộng xây dựng các Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập các cấp, xây dựng phòng hỗ trợ giáo dục NKT tại các trường để thúc đẩy chất lượng giáo dục cho NKT. Chính quyền địa phương cần đảm bảo hệ thống hỗ trợ giáo dục từ các trung tâm, trường học được vận hành một cách hiệu quả.
Đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo nghiên cứu mở rộng Ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thành Ban chỉ đạo giáo dục, đào tạo NKT để trực tiếp chỉ đạo việc giáo dục cho NKT đối với cả giáo dục hoà nhập và các phương thức giáo dục khác, gồm cả trẻ em và người lớn. Bổ sung sửa đổi các khái niệm về phân biệt đối xử giao tiếp, điều chỉnh hợp lý để các khái niệm này bao hàm các nội dung đầy đủ, toàn diện như trong Công ước quốc tế về quyèn của NKT. Mặt khác cần có chế tài đủ mạnh, cho các hành vi vi phạm tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát để các quy định được tuân thủ và thực thi hiệu quả. Nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức, cộng đồng, bảo đảm quyền được học tập và chăm sóc sức khoẻ, nền tảng quan trọng giúp NKT hoà nhập và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.
Hoàng Dung