Trong hơn 200 ý tưởng, đề án khởi nghiệp vượt qua vòng sơ kết Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 3, có 32 ý tưởng, đề án của phụ nữ khuyết tật.
Nhằm giúp các tác giả có ý tưởng, đề án vượt qua vòng sơ khảo được trang bị những kiến thức cơ bản về quản trị kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, trong hai ngày 25-26/5, tại Hà Nội, TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức khóa tập huấn, đào tạo kinh doanh khu vực phía Bắc. Thông qua chương trình tập huấn, các học viên có thể vận dụng sáng tạo các kiến thức, kỹ năng để tiếp tục phát triển, hoàn thiện ý tưởng, đề án vào các vòng thi tiếp theo cũng như áp dụng, triển khai hiệu quả vào thực tiễn.
Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, Phó Chủ tịch Hội HLPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo vui mừng cho biết, triển khai từ tháng 01/2020, tính đến hết tháng 3, cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 3 đã có gần 1.000 ý tưởng, đề án khởi nghiệp của phụ nữ trên mọi miền đất nước gửi về dự thi. Đặc biệt, trong trên 200 ý tưởng, đề án được lựa chọn qua vòng sơ khảo, đã có 32 ý tưởng, đề án từ phụ nữ khuyết tật.
Với chủ đề “Phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp sáng tạo, kết nối để thành công”, cuộc thi là cơ hội để phụ nữ khuyết tật có cơ hội bình đẳng tham gia phát triển kinh tế, khẳng định bản thân. Những ý tưởng, đề án xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết sẽ được TW Hội LHPN Việt Nam trao vốn hỗ trợ giúp các chị có thêm nguồn lực hiện thực hóa vào thực tiễn, mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Phó Chủ tịch Đỗ Thị Thu Thảo cũng cho biết, từ Cuộc thi, Hội LHPN Việt Nam sẽ thành lập cộng đồng khởi nghiệp, kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp nhằm tạo sân chơi, cơ hội để giới thiệu những sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn tiêu thụ tại các thị trường có điều kiện cao như các siêu thị, thị trường trong nước và quốc tế; Đồng thời, vào vòng chung kết của Cuộc thi, các tác giả sẽ trực tiếp bảo vệ ý tưởng, đề án của mình trước hội đồng các đơn vị, doanh nghiệp để tìm kiếm sự tài trợ, hỗ trợ.
Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam thông tin, Việt Nam hiện nay có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó phụ nữ chiếm 56% và có đến 60% là trong độ tuổi lao động. Tham gia vào làn sóng khởi nghiệp, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Số phụ nữ khuyết tật làm chủ doanh nghiệp chỉ chiếm từ 3-5%.
Đánh giá cao chủ đề thi “Phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp sáng tạo, kết nối để thành công” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, ông Thanh tin tưởng, khóa tập huấn là cơ hội rất tốt để các chị có thêm kiến thức, kỹ năng qua đó không chỉ áp dụng vào Cuộc thi mà quan trọng hơn là áp dụng vào thực tiễn, tìm kiếm các cơ hội khác trong cuộc sống.
Trong khoảng thời gian hai ngày, bên cạnh được tiếp thu các kiến thức hữu ích về kinh doanh, các học viên còn có nhiều cơ hội để cùng trao đổi những vấn đề băn khoăn, vướng mắc, khó khăn trong quá trình khởi nghiệp, tạo dựng ý tưởng, xây dựng kế hoạch… Từ đó áp dụng tốt nhất vào quá trình dự thi cũng như triển khai vào thực tiễn, mang lại cơ hội bình đẳng, phát huy hết tài năng của phụ nữ khuyết tật, tỏa sáng trong khởi nghiệp sáng tạo.
Được biết, ngày 04-05/6/2020, tại Đà Nẵng và Bình Dương, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục tổ chức chương trình tập huấn cho các tác giả ý tưởng, đề án vượt qua vòng sơ khảo tại khu vực miền Trung, miền Nam.
Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 3 do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức nằm trong khuôn khổ đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức cho phụ nữ và toàn xã hội về phong trào phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi sự kinh doanh, thành lập doanh nghiệp nữ; tạo môi trường cho phụ nữ vùng khó khăn, vùng sâu, phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật mạnh dạn tham gia khởi nghiệp sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế cho cá nhân, gia đình và đất nước. |
Vũ Hoa
Theo acdc.vn