Mắc chứng teo cơ tủy sống từ nhỏ, sinh hoạt cá nhân phụ thuộc vào người khác, cơ thể đau nhức, nhưng chưa một ngày nào doanh nhân Nguyễn Thị Vân ngừng cống hiến cho cộng đồng người khuyết tật Việt Nam.
Nguyễn Thị Vân là Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Nghị lực sống - tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề công nghệ thông tin và kỹ năng sống cho người khuyết tật.
Trung tâm được đánh giá là đối tác uy tín nhất của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) năm 2019.
“Nữ tướng” 35 tuổi còn là đồng sáng lập và Chủ tịch CTCP dịch vụ Nghị lực sống (Imagtor). Công ty chuyên cung cấp dịch vụ chỉnh sửa ảnh, video cho các doanh nghiệp bất động sản và thương mại điện tử quốc tế.
Bà cũng từng được vinh danh là 1 trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức.
Báo Lao Động trân trọng gửi tới độc giả cuộc trò chuyện với nữ doanh nhân Nguyễn Thị Vân.
Đã ngót nghét 9 năm từ khi chính thức tiếp quản Trung tâm Nghị lực sống từ anh trai - cố “hiệp sĩ” công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, bà tự thấy mình đã làm được những gì?
- Suốt 9 năm qua, tất cả mọi thứ đều tăng trưởng, từ quy mô, chất lượng đến tài chính. Tuy nhiên, điều nhìn thấy và có thể đo lường rõ nhất chính là tỉ lệ học viên từ khi tôi tiếp quản đã tăng lên gấp 3 lần. Nếu ngày xưa đào tạo 1 lần chỉ khoảng 12 - 15 em; thì giờ đây trung bình thấp cũng phải 30 - 35 em/lớp. Tính sơ đến nay đã có hơn 1.500 em khuyết tật được học và có việc làm ổn định.
Bên cạnh những người hưởng lợi trực tiếp là các em khuyết tật thì gia đình của các bạn ấy cũng được hỗ trợ rất nhiều. Nếu các bạn có anh, chị hay em là người khuyết tật, họ cũng được học miễn phí - điều mà trước đây hoàn toàn không có.
Ngành tin học có tính đặc thù, nhưng tôi đã quyết tâm thay đổi. Đối tượng ngày xưa được yêu cầu cao hơn như phải biết đọc, biết viết, biết nói, biết nghe hay đầy đủ cả hai bàn tay thì giờ đây đều được nhận. Trước đây chỉ có 45% các bạn đi làm được thì giờ lên tới hơn 80%, có những khoá đi làm gần 100%. Lương trung bình được cải thiện lên hơn 9 triệu đồng/tháng.
Ý nghĩa lớn lao nhất về mặt vô hình là chúng tôi đã thay đổi góc nhìn của xã hội về vấn đề người khuyết tật.
Những sự kiện chúng tôi làm, những chương trình chúng tôi thực hiện đều nhắm đến mục tiêu đó. Tuy nhiên, tất cả mọi thứ phải từng bước, từng bước một.
Vậy còn điều chưa làm được?
- Khi tôi đi tới các nước trên thế giới như Mỹ, Australia hay Nhật, họ rất quan tâm tới đời sống của người khuyết tật.
Không nói gì xa, nước bạn Thái Lan khi tôi thăm vào năm 2007, họ đã xây dựng cả một ngôi trường dành cho người khuyết tật lớn như bán đảo Linh Đàm này.
Tôi vẫn đang miệt mài tạo nên một nơi như thế, vẫn đang kiên trì đi tìm mua đất. Tôi rất mong nếu có cơ hội thì Nhà nước sẽ tạo điều kiện cùng tôi làm được điều này.
Khi đó, bất cứ khi nguyên thủ quốc gia, đoàn ngoại giao nào đến thăm thì đều có thể tự hào giới thiệu rằng đây chính là nỗ lực của chúng tôi để tất cả mọi người được hoà nhập, “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Bà từng chia sẻ, các trung tâm khuyết tật tại Việt Nam hiện nay đa số còn lẻ tẻ, chưa dạy trúng những gì thị trường cần. Vậy Nghị lực sống đang đào tạo học viên như thế nào để đầu ra có việc làm?
- Chúng tôi trước đây cũng như bao nơi khác, cứ có đồng nào thì đào tạo, dạy đủ thứ vì nghĩ học càng nhiều thì sau càng dễ xin việc. Nhưng sau nhiều năm thực tế chúng tôi nhận thấy, nhiều không quan trọng bằng đủ và đúng. Vì thế nên tôi thay đổi bằng cách tìm đối tác trước khi mở đào tạo và dạy đúng những kỹ năng doanh nghiệp đối tác cần, vừa hiệu quả vừa rút ngắn thời gian.
Những điều này đều là tôi học được từ thực tế cuộc sống. Nhớ hồi mới ra Hà Nội vào năm 2006, tôi làm cho công ty in ấn và thiết kế. Khi đó có một bạn nhân viên thiết kế đi thiết kế lại tờ lịch mà sếp vẫn không duyệt. Bạn ấy rất bực và nói rằng: “Em thấy đẹp lắm rồi mà!”. Sếp chỉ trả lời ngắn gọn: “Em thấy đẹp, em mang về mà treo!”. Chính câu nói của anh ấy đã thay đổi tư duy của tôi từ đó đến nay.
Một người nhỏ bé, sức khoẻ hạn chế nhưng công việc và trách nhiệm lại rất nhiều. Vậy những lúc mệt mỏi, nản chí, động lực bước tiếp của bà tới từ đâu?
- Mệt thì mệt thật nhưng không phải vì chán hay áp lực mà do cơ thể và sức khỏe của tôi có giới hạn. Tuy nhiên, tôi luôn có sự hào hứng, tràn đầy năng lượng sống mỗi ngày nhờ khao khát được cống hiến, tạo ra giá trị thật cho xã hội. Tôi vui khi thấy các em có thu nhập, có sự tự tin, có gia đình, có tiền mua xe, mua điện thoại hay giúp gia đình sửa sang. Nó là loại động lực khó diễn tả…
Tự nhận mình là một người hoài bão và thích trải nghiệm, vậy bà đã tìm ra được sứ mệnh của cuộc đời mình chưa?
- Ngay từ nhỏ tôi đã có rất nhiều giấc mơ. Tôi luôn linh cảm rằng mình mang một sứ mệnh to lớn. Với Nghị lực sống, tôi đặt rất nhiều tâm huyết nhưng nói đấy là sự nghiệp cả đời thì không hẳn. Mai mốt tôi có gì khác cũng nên, biết đâu được! Tôi chưa cho rằng đây là điểm đến cuối cùng. Tôi có một la bàn giúp đi đúng hướng đó là niềm tin và tình yêu.
Theo bà để một người khuyết tật nói riêng và những người có hoàn cảnh đặc biệt nói chung được xã hội công nhận thì cần làm gì?
- Tôi nghĩ điều đầu tiên là họ phải tự biết coi trọng bản thân và tự biết giá trị của mình. Tiếp theo mới đến nỗ lực, cố gắng để theo đuổi ước mơ và hoài bão mình khao khát. Tôi rất tin nếu mình cứ cố gắng, nỗ lực và lương thiện thì mọi việc sẽ thay đổi.
Xin cảm ơn bà! Chúc bà nhiều sức khoẻ và ngày càng cống hiến cho cộng đồng người khuyết tật Việt Nam!
Theo thanhnien.vn