Có người vẫn nói sinh ra làm thân phụ nữ đã là thiệt thòi, nhưng làm phụ nữ bị khiếm khuyết lại càng thiệt thòi hơn. Có được một đôi chân lành lặn cứ nghĩ là chuyện bình thường, tuy nhiên với nhiều người đó lại là một khát khao cháy bỏng.
Chị Trinh vui vẻ bên cạnh những học viên của mình trong ngôi nhà nhỏ |
Cố gắng học được nghề
Từ lúc sinh ra, chị Trần Kim Phượng (40 tuổi, ngụ phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) đã không có được một cơ thể lành lặn như bao người khác. Bốn mươi năm sống trong cơ thể khiếm khuyết vì di chứng chất độc da cam, chị đã nhiều lần tủi thân, mặc cảm vì đôi chân teo tóp, không thể đi lại, sinh hoạt bình thường như mọi người, lúc nào cũng phải dựa vào người chị gái.
Không muốn cả cuộc đời bị bó hẹp với bốn bức tường, không muốn sống như thân tầm gửi, chị Phượng quyết tâm kiếm cho mình một cái nghề “lận lưng” để có thể tự nuôi bản thân, vừa phụ giúp kinh tế gia đình.
Trải qua nhiều lần bị từ chối, cuối cùng chị Phượng cũng được nhận vào lớp dạy nghề kết hạt cườm. Đối với một phụ nữ bình thường mà nói, kết hạt cườm là công việc khá đơn giản, nhưng với chị thì khác. Đôi tay yếu ớt của chị bắt đầu phồng lên, rơm rớm máu vì những lần siết dây. Các ngón tay đau đớn vì những lần bấm kiềm.
Dù khó khăn, nhưng chị Phượng luôn nhắc nhở bản thân không được bỏ cuộc mà phải cố gắng, không ngừng cố gắng đến khi nào làm được mới thôi: “Muốn làm công việc này đòi hỏi phải khéo tay, mình không khéo tay thì phải cần cù, kiên nhẫn. Bản thân mình xin người ta được học nghề đã khó, xin học được rồi thì mình phải cố gắng chứ không thể nản”, chị Phượng chia sẻ.
Có nghề, chị bắt đầu có sản phẩm. Hằng ngày, chị kết hạt cườm làm thành móc khóa, túi xách, con vật... rồi nhờ người thân chở mình ra chợ ngồi bán. Những hôm cần hàng gấp, chị phải thức khuya để làm cho xong rồi mới đi ngủ. Khoảng một năm sau, khi mọi thứ đã đâu vào đấy, chị quyết định mở cơ sở tại nhà.
Chị Phượng cao khoảng 1m và chỉ nặng 23kg |
Tương tự hoàn cảnh chị Phượng, chị Đỗ Thị Trinh (50 tuổi, ngụ ấp 6, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) cũng là một phụ nữ khuyết tật nhưng không ngừng cố gắng thay đổi số phận. Hai chân bị liệt từ sau vụ tai nạn giao thông năm 29 tuổi, chị Trinh từ giã cuộc sống của một phụ nữ bình thường, dần làm quen với chiếc nạng và xe lăn. Thời gian đó, cuộc sống chị lâm vào bế tắc, chị buồn rầu, tủi hổ và dần mất niềm tin vào cuộc đời mình.
Biết hoàn cảnh chị Trinh, địa phương khuyến khích chị đi học nghề may. Lúc đầu, chị ái ngại và chán nản vì với đôi chân tật nguyền chị không thể ngồi vào bàn may được. Sau đó, chính sự động viên của những người bên cạnh, chị Trinh dần lấy lại được phương hướng và sự lạc quan.
Từ một người phụ nữ khiếm khuyết và thiếu niềm tin vào bản thân, nay chị đã trở thành một thợ may giỏi. Ngôi nhà nhỏ đìu hiu bây giờ đã rộn ràng tiếng lạch cạch của máy may, tiếng vắt sổ những bộ com-lê, những chiếc sơ mi, quần tây... và tiếng nói cười vui vẻ những người thợ may đặc biệt.
Dang rộng cánh tay
Cả chị Phượng và chị Trinh đều sinh ra trong gia đình đông anh chị em, nhưng không may họ lại là người có cuộc đời gian truân hơn hết. Tuy vậy, bằng nỗ lực của bản thân, họ đã thuyết phục người khác tin rằng dù cơ thể khiếm khuyết nhưng họ vẫn có thể làm được những điều mà người bình thường làm được.
Không những thế, những người phụ nữ này còn tiếp niềm tin, tạo điều kiện để những người khuyết tật khác cũng tin vào chính họ, giúp họ vươn lên tự làm chủ cuộc đời. Từ đó, chị Phượng quyết định mở cơ sở dạy nghề miễn phí và chị Trinh mở lớp dạy may miễn phí.
“Khi tham gia các hoạt động xã hội, chị thấy những bạn khác cũng mắc phải khiếm khuyết như mình, họ cũng gặp khó khăn khi xin việc như chị trước đây. Chính vì vậy, chị muốn truyền nghề cho họ, giúp họ có được công ăn việc làm ổn định, tự nuôi được bản thân mà không phải phụ thuộc vào ai”, chị Phượng chia sẻ.
Riêng chị Trinh, “Chị muốn mở lớp dạy may miễn phí cho các bạn vì lúc trước chị cũng được các anh chị khác truyền nghề và giúp đỡ mình vượt qua thời gian khó khăn của cuộc đời tưởng chừng như đã kết thúc”. Hiện tại, chị Trinh đã dạy được 8 học viên, có người vẫn còn theo học và có người đã ra nghề và tự mở cho mình một tiệm may nhỏ ở nơi làng quê.
Nếu chị Phượng đang bâng khuâng rằng, những người đến tìm mình học nghề không có nơi ăn chốn ở ổn định, vì đa phần họ là những người có hoàn cảnh khó khăn thì chị Trinh lại đỡ lo hơn vì chị chỉ sống một mình ở ngôi nhà nhỏ, nên học viên của chị thường ở lại đó ăn, ngủ bầu bạn cùng chị, chị em cùng chung sống, san sẻ đỡ đần nhau.
Những người phụ nữ như chị Phượng, chị Trinh, tuy họ không may mắn có một cơ thể lành lặn, một đôi chân bình thường, nhưng họ có một tâm hồn và những việc làm tốt đẹp. Khiếm khuyết hay bất hạnh không phải là lí do để người ta chối từ cuộc sống này, mà nó là động lực để thúc đẩy người ta chấp nhận thay đổi chính mình để phù hợp với cuộc sống.