Người thương binh giàu nghị lực, tài hoa
Không tiếc máu xương hiến dâng cho Tổ quốc, từ chiến trường trở về cuộc sống đời thường khi không còn cánh tay phải, nhưng thương binh Nguyễn Đình Lực đã nỗ lực vươn lên, gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực hội họa, âm nhạc…, trở thành tấm gương sáng thực hiện lời Bác Hồ dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Sinh ra và lớn lên ở xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, từ nhỏ, Nguyễn Đình Lực đã được cha là họa sĩ Nguyễn Đình Tường hướng dẫn những nét vẽ cơ bản đầu tiên. Với lòng đam mê hội họa và một chút tài năng thiên bẩm, Nguyễn Đình Lực trở thành “họa sĩ nhí” của làng quê, của trường học. Tháng 2-1975, chàng thanh niên Nguyễn Đình Lực xếp bút nghiên, giá vẽ, bút lông lên đường nhập ngũ. Trong một lần làm nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc, không may ông bị thương, cánh tay phải trúng đạn địch, giập nát. Mặc dù các bác sĩ hết lòng cứu chữa nhưng vẫn không thể giữ lại cánh tay cho ông.
Thương binh Nguyễn Đình Lực với tay trái luôn miệt mài bên những bức vẽ. |
Những ngày đầu nằm viện, Nguyễn Đình Lực rất bi quan, chán nản, nhưng rồi, bên cạnh ông là những thương binh khác vẫn yêu đời, nhất là khi nhớ lời Bác dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông như được tiếp thêm nghị lực sống và bắt đầu tập viết, tập vẽ bằng tay trái. Những cố gắng của ông dần có được thành quả, bàn tay trái quen dần và làm chủ được từng nét vẽ; ánh sáng nghệ thuật, ánh sáng tương lai dần mở ra với người họa sĩ thương binh giàu nghị lực. Càng khó khăn, ông càng miệt mài vẽ; có ngày luyện vẽ quên cả ăn, ngủ và những cơn đau âm ỉ do vết thương tái phát.
Bức tranh đầu tiên Nguyễn Đình Lực vẽ bằng tay trái chính là về người nữ đồng đội đã luôn bên cạnh chăm sóc, động viên ông những lúc khó khăn. Đó là cô gái Trần Thị Mỳ, sau này là người bạn đời, là chỗ dựa của ông trên con đường nghệ thuật. Bức vẽ cũng là lời tỏ tình của thương binh Nguyễn Đình Lực với người yêu.
Đầu năm 1980, sau khi chuyển ngành, Nguyễn Đình Lực được bố trí làm cán bộ tuyên huấn tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam Ninh (trước đây). Cuộc sống của người thương binh một tay vẫn gặp nhiều khó khăn. Năm 1986, trong một lần ông vào Cần Thơ, biết ông có tài hội họa, rất có nghị lực, các đồng chí ở Cục Chính trị Quân khu 9 khuyên ông tái ngũ, trở lại phục vụ quân đội. Từ đó, Cần Thơ và Quân khu 9 trở thành quê hương thứ hai, nơi ông tiếp tục cống hiến, nỗ lực phát huy tài năng với những bức tranh, bản nhạc của một họa sĩ, nghệ sĩ thương binh.
Không chỉ vẽ tranh, thương binh 3/4 Nguyễn Đình Lực còn chơi đàn và giành được nhiều giải thưởng cao quý. |
Không chỉ dừng ở nghệ thuật vẽ tranh, Nguyễn Đình Lực còn tích cực tập luyện đàn ghi-ta, đàn bầu, thổi sáo… Nhìn bàn tay cụt rung cần đàn bầu điệu nghệ hay nhìn ông chơi ghi-ta một tay, nhiều người rất thán phục. Chỉ với năm ngón tay trái vừa bấm nốt, vừa gảy lướt trên phím ghi-ta, vừa đàn vừa hát, ông đã chinh phục được người nghe và giành nhiều phần thưởng tại các cuộc thi. Đó là huy chương vàng về hát và đệm đàn ghi-ta năm 1987, huy chương vàng độc tấu sáo năm 1992, huy chương vàng độc tấu đàn bầu năm 2005 cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác ở các lần hội diễn nghệ thuật của Quân khu 9 và toàn quốc. Cảm phục tài năng của thương binh Nguyễn Đình Lực, nhiều nơi đã mời ông đi biểu diễn, như: Nhà hát Chèo Trung ương, một số đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân và các quân khu.
Với sự lạc quan, yêu đời và nỗ lực không ngừng nghỉ, những bức tranh của cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Đình Lực ngày càng được nhiều người biết đến, đơn đặt hàng cũng ngày một nhiều. Căn nhà khang trang được xây dựng, 3 người con trai của vợ chồng ông cũng học hành thành đạt, lập gia đình và có công ăn việc làm ổn định.
Dù đã nghỉ hưu, sức khỏe giảm sút, mấy lần nhập viện vì bệnh nặng, nhưng nhiều ngày, ông vẫn đi xe máy đến phòng vẽ tại Câu lạc bộ Hưu trí TP Cần Thơ, cùng hai đồng nghiệp khác tiếp tục niềm đam mê hội họa. Ông còn chơi bóng bàn, vừa giải trí vừa rèn luyện sức khỏe; từng tham gia thi đấu giải bóng bàn toàn quốc dành cho người khuyết tật và là Phó chủ tịch Hội Thể thao người khuyết tật TP Cần Thơ. Kết thúc buổi trò chuyện, tôi xin phép ra về, thay lời chào, ông đàn và hát cho tôi nghe bài “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”-bài hát đã mang về cho ông huy chương vàng tại một hội diễn. Giọng ca ngọt ngào sâu lắng, ánh mắt của ông như có màu nắng, màu trăng, ngước nhìn vào xa xăm như đang hướng về chân trời hy vọng. Tôi thầm cảm phục ông, người thương binh, cựu chiến binh đầy nghị lực, biết vượt lên thương tật, hoàn cảnh, sống và “cháy” hết mình bằng đam mê nghệ thuật.