“Không có gì liên quan đến chúng ta mà thiếu chúng ta” Câu khẩu hiệu ấy thúc đẩy từng giây, từng phút đến những thanh niên khuyết tật trên khắp mọi nẻo đường của tổ quốc nỗ lực vươn lên khẳng định mình. Không chỉ đóng góp cho sự đa dạng của cộng đồng mà còn là nguồn cảm hứng, là động lực tiếp sức sống cho bao bạn trẻ noi theo. Năm 2019 khép lại đã ghi dấu ấn nhiều bạn trẻ khuyết tật đang vững bước trên con đường đi đến bình đẳng và hòa nhập ấy.

Cô gái khiếm thị được vinh danh là “Khuôn mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu”

Tối ngày 7-1-2020 trong chương trình kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống học sinh - sinh viên (9/1/1950 - 9/1/2020) tại vườn hoa Lý Thái Tổ, Thành Đoàn Hà Nội đã tổ chức vinh danh 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu. Đây là những gương mặt trẻ được Thành đoàn Hà Nội lựa chọn từ các cá nhân có thành tích nổi bật trong các lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học; lao động sáng tạo - phát triển kinh tế; văn hóa - nghệ thuật; an ninh trật tự, tình nguyện vì cộng đồng… Trong số 10 gương mặt trẻ đó, có cái tên đã được cộng đồng NKT Thủ đô biết đến - em Lê Hương Giang (sinh năm 1995).

Lê Hương Giang từ lúc ngồi trên giảng đường trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã là cộng tác viên của chương trình VOV, rồi có đến hơn là 3 năm cộng tác với chương trình “Người phụ nữ hạnh phúc” (VTV2). Vốn kinh nghiệm tích lũy dầy dặn ấy đã giúp Giang là gương mặt dẫn ấn tượng của chương trình “Café sáng với VTV” rồi bước qua làm MC chính thức cho chuyên mục “Cuộc sống tươi đẹp” phát sóng trên VTV4. Ngay sau một năm làm việc tại VTV- Lê Hương Giang đã lọt vào trong top 5 của hạng mục “Nhân vật của năm” giải thưởng Ấn tượng VTV 2018. Hành trình vươn tới ước mơ của Hương Giang là một câu chuyện dài đầy nghị lực và rất đáng khâm phục của một người khuyết tật.

Thủa nhỏ, Giang mắc căn bệnh thoái hóa võng mạc, bố mẹ cũng đã đưa Giang đi rất nhiều bệnh viện để chạy chữa mong cho em có thể nhìn thấy ánh sáng. Bất kỳ ai mách chỗ nào có thể chữa được bố mẹ đều đưa Giang đến. Nhưng bệnh của Giang không thể chữa khỏi và từ bé Giang đã sống một cuộc đời luôn là bóng đêm, nhưng Giang vui vẻ chấp nhận điều đó, luôn coi vấn đề không thể nhìn thấy được chẳng phải là vấn đề to lớn. Giang đã có lần kể “Mọi người chỉ nghĩ người khiếm thị làm tẩm quất, mát xa… hay quẩn quanh xó nhà mà thôi, nên em phải quyết vượt qua định kiến ấy”. Chính sự tự tin, thái độ lạc quan đó đã mang lại cho Giang rất nhiều thành công trong cuộc sống. Đó là tấm Huy chương Đồng cuộc thi Thách thức Công nghệ thông tin với thanh niên khuyết tật toàn cầu tại Incheon Hàn Quốc (2012), giải 3 “Hội thi Khoa học Kỹ thuật Intel ISEF” với sáng tạo chiếc máy đếm tiền phát ra tiếng nói.

Không chỉ là một MC đầy duyên dáng, Giang còn có tài lẻ mà nói ra chắc nhiều người khó tin, đó là làm… phim. Tham dự chương trình “Phát huy thế mạnh truyền thông trên nền tảng Internet” do Hội người khuyết tật tổ chức, vượt qua mọi khó khăn của một người vốn không nhìn thấy, bộ phim “Khi bạn tin bạn có thể - thì bạn có thể” do nhóm của Giang thực hiện đã giành giải khá cao.

Năm 2019 cũng thành công rực rỡ với Giang, khi em được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” và giờ đây là Gương mặt thanh niên thủ đô tiêu biểu năm 2019.

Chàng trai đạt “Giải thưởng thanh niên tình nguyện quốc gia”

Ngày 3 tháng 1 năm 2020 tại huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã phát động Chương trình Tình nguyện mùa đông - Xuân tình nguyện và trao giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2019. Giải thưởng do Trung ương Đoàn phối hợp với chương trình Tình nguyện Liên Hợp Quốc (UNV) khởi xướng từ năm 2011, nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân có cống hiến và thành tích xuất sắc trong công tác tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ban tổ chức đã trao giải cho 10 gương mặt tiêu biểu, trong đó cái tên Đỗ Hà Cừ được nhắc đến đầu tiên và khi anh “bước lên” bục nhận giải, hình ảnh của Cừ khiến không ít người xúc động.

Sinh năm 1984 tại quê lúa Thái Bình, mang di chứng chất độc da cam từ người cha, nên bẩm sinh thân thể Cừ đã không tự vận động, phục vụ mọi nhu cầu của bản thân, việc nói năng cũng rất khó khăn. Cừ không được đi học, chỉ co rúm trên chiếc giường suốt năm. Thương con nên mẹ anh mượn những cuốn truyện về đọc cho anh nghe. Nào ngờ những cuốn truyện ấy khơi gợi cho anh Cừ sức sống “Mình phải học để tự đọc truyện mỗi ngày mà không phải phiền đến mẹ”. Và anh Cừ tự học. 15 tuổi mới biết đọc, bất kể cuốn sách gì từ sách giáo khoe của em trai đến sổ thu tiền nông vụ của mẹ… miễn có chữ là anh đọc, đọc đến nhàu cả sách vì đọc đi đọc lại nhiều lần và cả vì ngón tay co quắp khó giở trang.

Nhớ lại những năm tháng “thèm đọc” và mong muốn có thể cung cấp sách cho các bạn mong được đọc như mình nên ngay sau khi được bố mẹ sắm cho chiếc máy tính, việc đầu tiên Cừ làm là qua internet, liên hệ, vận động một số tổ chức, cá nhân ủng hộ sách, báo. Đến tháng 7/2015, không gian đọc mà anh mơ ước đã ra đời với tên gọi “Hy vọng”. Từ những ngày đầu thành lập với nhiều khó khăn, đến nay không gian đọc “Hy vọng” đã trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều học sinh tỉnh Thái Bình với trên 2.000 đầu sách, đa dạng từ truyện thiếu nhi đến sách tham khảo phổ thông, tiểu thuyết, sách lịch sử.

Không gian đọc "Hy vọng" đã cấp 300 thẻ đọc, mượn miễn phí cho độc giả. Mỗi chiều cuối tuần, những người đam mê sách tại Tp. Thái Bình lại tìm đến đây để được trao đổi, mượn sách và gặp gỡ, trò chuyện với chàng trai nghị lực Đỗ Hà Cừ. Ngoài giờ học, nhiều học sinh tự nguyện làm các tình nguyện viên, giúp đỡ anh Cừ nhập sách mới, sắp xếp giá sách hay ghi sổ danh sách đọc giả mượn, trả sách. Từ không gian đọc “Hy vọng”, anh Đỗ Hà Cừ đã trở thành cầu nối giúp hình thành 3 không gian đọc tại Thái Bình và Bắc Ninh, Hà Nam trong đó có không gian đọc “Niềm tin” của em Nguyễn Thị Lan Hương (Đông Hưng- Thái Bình) không gian đọc “Thủy tinh” Nguyễn Thị Ngọc Tâm (Ý Yên- Hà Nam) cũng là người khuyết tật có hoàn cảnh khá giống anh Cừ.

Đỗ Hà Cừ không chỉ muốn mang sánh, mang tri thức đến cho người đọc, mà còn muốn khơi gợi lại văn hóa đọc cho mọi người, đặc biệt là học sinh, sinh viên hiện nay.

Những người trẻ như Hà Cừ, Hương Giang là minh chứng về khả năng vươn lên của người khuyết tật trong bối cảnh mới khi xã hội đang có nhiều sự hỗ trợ và nhìn nhận đầy đủ về năng lực của mỗi một con người.

Nhật Nam

 

Tin liên quan