Họ - những chàng trai, cô gái ở độ tuổi 20-40, đã quyết định lựa chọn con đường làm tình nguyện viên để sẻ chia khó khăn, vất vả với những người bị khuyết tật. Khi đến Việt Nam, họ chấp nhận một cuộc sống giản dị song tràn ngập tiếng cười và tình yêu thương.
1. Chúng tôi gặp Ito Mai, tình nguyện viên của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vào một sáng đầu đông ở Cơ sở giáo dục hoà nhập Ước mơ Xanh thuộc Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thành phố Ðà Nẵng. Ngoài trời mưa rất to, còn bên trong cơ sở giáo dục hoà nhập Ước mơ Xanh là những tiếng la hét chen lẫn mừng rỡ, chạy nhảy của các cháu nhỏ bị khuyết tật. Ito Mai bắt đầu một ngày mới của mình bằng việc pha cà phê cùng Duy Thái – một thiếu niên 16 tuổi bị khuyết tật trí tuệ.
Tiếp sau đó là hàng loạt hoạt động của cô và các giáo viên khác nhằm giúp những trẻ khuyết tật có được kỹ năng cần thiết trong xã hội. Ito Mai kể rằng, cô sang Việt Nam làm tình nguyện viên từ tháng 10 năm 2018. Với chuyên môn là giáo dục đặc biệt, tốt nghiệp ngành Phúc lợi xã hội của Ðại học Japan Lutheran, Ito Mai đã có ít nhất 17 năm kinh nghiệm làm việc về chăm sóc, hỗ trợ cho người khuyết tật thể chất và khuyết tật trí tuệ; đồng thời hỗ trợ người khuyết tật tìm việc và hỗ trợ hoạt động giải trí cho người khuyết tật.
Nụ cười luôn thường trực trên môi tình nguyện viên Ito Mai. Ảnh: JICA |
Khi nộp đơn cho JICA xin sang làm tình nguyện viên ở Việt Nam, cô mang khát vọng được hiểu biết hơn về văn hoá, lịch sử và xã hội Việt Nam cũng như những nỗ lực trong công tác phúc lợi xã hội cho người khuyết tật, sử dụng các kiến thức học được tại Nhật Bản để hướng dẫn và hỗ trợ các đồng nghiệp tại nơi làm tình nguyện viên.
“Tôi có rất nhiều người quen từng đi du lịch Việt Nam. Mọi người đều nói rằng “Người Việt Nam rất hiền và thân thiện. An ninh tốt. Ðồ ăn lại rất ngon” nên tôi muốn đến Việt Nam. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có rất nhiều cơ sở được vận hành bởi Hội nạn nhân chất độc da cam và tôi cũng muốn tìm hiểu về lịch sử ở đây, nên tôi chọn Việt Nam”, Ito Mai nói.
Và thế là, trong suốt một năm qua, cô đã cùng với các giáo viên Việt Nam tiến hành chăm sóc, dạy dỗ các trẻ từ 8 đến 16 tuổi bị khuyết tật trí tuệ hoặc khuyết tật phát triển tại Ðà Nẵng. “Hằng ngày, tôi hướng dẫn các em làm bánh, cách ăn uống, đi đứng, vệ sinh cá nhân, học toán và viết chữ. Tôi còn dạy các em đi mua sắm, đi chợ, dạy pha cà phê, giúp các em có các kỹ năng xã hội.
Cách hỗ trợ người khuyết tật ở Nhật Bản và Việt Nam là khác nhau nhưng với tôi, mỗi ngày ở đây đều là những kỷ niệm khó quên. Các em đã đón nhận tôi như một người chị trong gia đình. Không có sự khác biệt về văn hoá hay rào cản về ngôn ngữ. Chỉ có sự hỗ trợ, nương tựa lẫn nhau giữa con người và con người.
Cũng theo lời Ito Mai, thách thức lớn nhất đối với các tình nguyện viên nước ngoài tại Việt Nam chính là việc học tiếng Việt. “Khi mới sang đây, tôi đã không thể hiểu, không thể nghe, không thể nói. Bây giờ thì dần dần quen rồi. Tôi cũng đã nhận ra rằng, nửa năm đầu đó, tôi chỉ nghĩ về những khó khăn của mình trong khi các giáo viên khác cũng phải vật lộn với sự khác biệt ngôn ngữ, văn hóa khi tiếp nhận tôi. Ðiều này đã làm tôi thay đổi”, Ito Mai tâm sự. Rồi từ những sự tương tác nhỏ ấy, Ito Mai dần trở thành một nhân tố không thể thiếu trong cơ sở giáo dục hoà nhập.
Ðồng nghiệp Việt Nam nói về cô với một sự trân trọng như việc cô đã hỗ trợ rất nhiều về kỹ thuật tương tác với trẻ, đưa ra những phương cách mới hiệu quả; hay là có nhiều ý tưởng, sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động cho trẻ khuyết tật. Ðiển hình nhất là việc cô tạo cảm hứng cho trẻ làm thủ công, tạo nên những sản phẩm “hand-made” tuyệt đẹp như móc chìa khoá, khuyên tai… rồi lại giúp các em “tiêu thụ sản phẩm” tại Hà Nội thông qua một cửa hàng bán đồ lưu niệm của Nhật Bản.
2. Rời Ðà Nẵng, chúng tôi về với xứ Huế mộng mơ, tiếp tục hành trình tới Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế, gặp gỡ tình nguyện viên Nagase Ippei (29 tuổi). Ðón chúng tôi ở sân bệnh viện là kỹ thuật viên Nguyễn Cửu Quỳnh Hương, đồng nghiệp của anh Nagase Ippei tại khoa Phục hồi chức năng người lớn. Quỳnh Hương nhanh nhẹn nói: “Anh Nagase Ippei luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong công việc. Anh ấy cũng luôn vui vẻ, hoà đồng với bệnh nhân nên được nhiều bệnh nhân tin yêu”.
Cũng theo Quỳnh Hương thì mặc dù mới sang Việt Nam 6 tháng nhưng Nagase Ippei đã học tiếng Việt rất nhanh, kể cả những từ địa phương nên không bị hạn chế với mọi người về mặt giao tiếp. Ðể chia sẻ những kinh nghiệm học được từ thời học Vật lý trị liệu của Ðại học Y khoa Fujita (Nhật Bản), Nagase Ippei còn đang triển khai việc soạn giáo án, tài liệu bằng tiếng Việt về về tiêu chuẩn vật lý trị liệu trên toàn thế giới và đánh giá vật lý trị liệu.
Tiếp lời kỹ thuật viên Quỳnh Hương, bệnh nhân Phan Văn Hiền (32 tuổi), bị tai biến đã 3 năm và vừa được tình nguyện viên Nagase Ippei điều trị vật lý trị liệu nói: “Anh ấy lúc nào cũng ân cần, từ tốn hỏi thăm bệnh nhân chúng tôi. Vừa trị liệu, anh ấy vừa hỏi chúng tôi để tìm phương pháp phù hợp. Ngày nào tôi cũng được Nagase Ippei trị liệu và sau mỗi lần đều thấy khá hơn”.
Ðứng trong một góc phòng bệnh, đang làm phục hồi chức năng cho một bệnh nhân khác, Nagase Ippei cười thẹn khi thấy chúng tôi lại gần rồi tiếp tục quay lại với công việc của mình. Chúng tôi phải chờ gần một tiếng đồng hồ mới được trò chuyện với anh sau khi anh hoàn thành phần việc buổi sáng. “Mỗi sáng, tôi đến bệnh viện từ 7h30 và làm vật lý trị liệu cho các bệnh nhân đến tầm 10h.
Sau đấy, tôi đi tham quan, tìm hiểu và chia sẻ công việc với các khoa khác và đến chiều lại bắt đầu công việc như buổi sáng từ 13h30 đến 16h30. Tôi mong mình có thể chia sẻ được cho nhiều người những kiến thức, kinh nghiệm phù hợp với Việt Nam. Ðó cũng là lý do tôi chọn làm tình nguyện viên ở Việt Nam” – Nagase Ippei cho chúng tôi biết.
Tình nguyện viên Nagase Ippei đang điều trị vật lý trị liệu cho các bệnh nhân ở Huế. Ảnh: JICA. |
Một điều thú vị nữa là Nagase Ippei đã quyết định từ bỏ vị trí trưởng nhóm kỹ thuật viên Vật lý trị liệu, Bệnh viện Ðại học Y khoa Fujita để tới Việt Nam chỉ bởi một chuyến du lịch đầy ắp kỷ niệm đẹp cách đây 5 năm. Anh nhớ lại: “Trong chuyến du lịch đó, tôi có người bạn đang làm tình nguyện viên ở Việt Nam dẫn đi thăm các bệnh viện. Tôi thấy có sự khác biệt giữa bệnh viện tại các thành phố lớn và các bệnh viện địa phương. Vì vậy khi đăng ký làm tình nguyện viên, tôi đã không chọn đi đến TP Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội; cũng không đặt mục tiêu là đến các bệnh viện lớn mà muốn làm việc tại các bệnh viện nhỏ để đóng góp một phần công sức của mình trong việc điều trị, hỗ trợ bệnh nhân.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi kết thúc khi các đồng nghiệp vào gọi Nagase Ippei sang hoạt động chuyên môn chung. Tạm biệt tình nguyện viên Nhật Bản trẻ trung, giàu nhiệt huyết, chúng tôi ra xe trở về Hà Nội. Cuộc gặp tuy ngắn nhưng đã đem lại bao cảm xúc đan xen. Chúng tôi thầm chúc cho những tình nguyện viên Nhật như Ito Mai và Nagase Ippei tiếp tục hăng say với công việc và cầu mong những giá trị đẹp, nhân văn giữa Việt Nam – Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển và trường tồn.
Theo cand.com.vn