Sáng 27/4, tại Hà Nội, Tạp chí Thanh niên phối hợp cùng Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức lễ phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VI.
Cuộc thi viết “Vượt lên số phận” sau 5 lần tổ chức, đã thực sự lan tỏa sâu rộng thông điệp tốt đẹp, nhân văn và đầy ý nghĩa trong toàn xã hội. Cuộc thi đã thu được những kết quả khả quan, tạo nên nguồn động viên to lớn đến hàng trăm cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, mất mát một phần về thân thể và tinh thần, để trở thành những người có ích cho xã hội, đồng thời, tìm ra những tấm gương sáng vượt lên số phận để mọi người, nhất là lớp trẻ cùng noi theo.
Các thành viên ban tổ chức nhấn nút phát động cuộc thi
Ngoài mục đích tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh và nhân rộng những gương thanh thiếu niên và những người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, nhưng luôn nuôi dưỡng ý chí mãnh liệt, khát khao vượt lên số phận khắc nghiệt, năm nay, ban tổ chức tiếp tục phát động Cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VI, với điểm mới là nhằm hưởng ứng chủ đề năm 2023 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về “Chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”.
Thông qua Cuộc thi, Ban tổ chức kêu gọi sự quan tâm của xã hội, sự đồng hành, hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đóng góp kinh phí để trao tặng giải thưởng, sổ tiết kiệm cho một số cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã nỗ lực vượt lên, trở thành những tấm gương sáng cho các bạn trẻ học tập và làm theo.
Đối tượng tham gia Cuộc thi và yêu cầu bài dự thi
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên, học sinh, sinh viên, các tầng lớp Nhân dân (nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, phóng viên, chức sắc tôn giáo, người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam).
Các đơn vị trường học, cơ quan, các tổ chức xã hội có thể lấy danh nghĩa tổ chức, đơn vị mình hoặc một tập thể tác giả đứng tên tham gia được quyền gửi bài dự thi. Ban tổ chức khuyến khích các tác giả viết bài có ảnh về chân dung, hoạt động lao động, sinh hoạt và có xác nhận của cơ quan hoặc chính quyền địa phương nhân vật đang sinh sống hoặc nơi làm việc, công tác về thành tích được giới thiệu trong bài dự thi.
Nội dung cuộc thi
Nội dung viết về tấm gương người thật, việc thật có địa chỉ rõ ràng, cụ thể của người khuyết tật, trẻ mồ côi, đặc biệt là thanh, thiếu niên vượt qua tật nguyền, số phận éo le, hoàn cảnh đau thương, khắc nghiệt vượt qua dịch bệnh COVID-19; thể hiện ý chí kiên cường, tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ trong lập thân, lập nghiệp, vươn lên làm chủ cuộc sống.
Ngoài ra, tập trung viết về những tấm gương trẻ tật nguyền, có tinh thần vượt khó, năng động, sáng tạo, tiếp cận khoa học kỹ thuật, tiêu biểu trong việc tham gia chuyển đổi số, ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ vào cuộc sống, góp phần cổ vũ việc thực hiện thành công Chủ đề năm 2023 về “Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số” do Ban Bí thư Trung ương Đoàn phát động.
Viết về những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc giúp đỡ người khuyết tật và trẻ mồ côi vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Cuộc thi đặc biệt khuyến khích những người khuyết tật, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi tự viết về hoàn cảnh vươn lên trong cuộc sống của mình; đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo.
Hình thức tham gia dự thi
- Thể loại tác phẩm dự thi: Bút ký báo chí, phóng sự, phóng sự điều tra, bài phản ánh, ghi chép, gương người tốt, việc tốt, video clip.
- Bài viết tham gia dự thi có độ dài từ 800 đến dưới 3.000 từ tiếng Việt, sử dụng phông chữ Times NewsRoman, cỡ chữ 14.
- Bài dự thi thể hiện dưới dạng phóng sự video clip dài từ 3 - 5 phút.
- Ban tổ chức khuyến khích các tác giả viết bài có ảnh về chân dung, hoạt động lao động, sinh hoạt và có xác nhận của cơ quan hoặc chính quyền địa phương nhân vật đang sinh sống hoặc nơi làm việc, công tác về thành tích được giới thiệu trong bài dự thi.
- Ban tổ chức được quyền sử dụng các bài dự thi đạt giải để phục vụ cho công tác truyền thông cho Cuộc thi.
- Đối với người khiếm thị, nếu viết bằng chữ nổi Braille thì cần có bản dịch bằng tiếng Việt kèm theo.
Cơ cấu, giá trị và hình thức giải thưởng:
- Giải thưởng đối với tác giả:
+ 01 giải đặc biệt: 15 triệu đồng/giải, dành cho người khuyết tật hoặc trẻ mồ côi tự viết về bản thân mình.
+ 01 Giải A: 10 triệu đồng.
+ 03 Giải B: 5 triệu đồng/giải.
+ 5 Giải C: 3 triệu đồng/giải.
+ 03 Giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải, xét tặng 01 tập thể phát động cuộc thi có nhiều người hưởng ứng viết bài dự thi với nội dung các bài viết có chất lượng; 01 giải thưởng đối với thí sinh lớn tuổi nhất (trên 70 tuổi) và 01 giải thưởng đối với thí sinh nhỏ tuổi nhất.
- Căn cứ vào tình hình thực tiễn chất lượng và số lượng bài viết tham dự, Ban giám khảo cuộc thi đề xuất Ban tổ chức Giải thưởng xem xét, quyết định cơ cấu Giải thưởng được trao. Không bắt buộc phải trao đủ các mức giải.
- Các tác giả đạt giải được tặng Giấy chứng nhận, Biểu trưng cuộc thi của Ban tổ chức. Ngoài ra, còn có nhiều giải thưởng, phần thưởng có giá trị tặng cho các nhân vật được nêu gương, có thành tích đặc biệt trong các bài dự thi.
- Ngoài ra, Ban tổ chức trao tặng sổ tiết kiệm cho một số cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nghị lực vượt lên chính mình.
Thời gian phát động và tổng kết trao giải Cuộc thi viết
Thời gian nhận bài viết: Từ ngày phát động cuộc thi đến ngày 30 tháng 8 năm 2023 (theo dấu bưu điện hoặc theo ngày gửi email).
Lễ tổng kết trao giải Cuộc thi viết Vượt lên số phận lần thứ 6 vào trung tuần tháng 10 năm 2023, nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng 61 năm Ngày thành lập Tạp chí Thanh niên.
Địa điểm nhận bài thi
Tạp chí Thanh Niên, số 5 phố Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại liên hệ: (024) 37751392 - 0913533992 – 0986288988.
Trong bài thi có ghi rõ họ tên, số điện thoại, chức vụ, đơn vị công tác.
Bài dự thi gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện có dán tem (ngoài phong bì đề: Bài dự thi ”Vượt lên số phận” lần 6) tới Ban tổ chức cuộc thi.