Bị mù hoàn toàn hay thị lực kém vẫn không thể ngăn họ chạm đến thành công và cả những điều phi thường.

Ông Phạm Đức Trung Kiên trình bày các dự án giáo dục tâm huyết với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (khoảng năm 2009 - 2010). Ảnh: Nhân vật cung cấp


Người lạc quan không hẳn là người thành đạt, nhưng người thành đạt thường lạc quan. Người khiếm thị thành danh cũng vậy, luôn có suy nghĩ tích cực: “Cuộc đời không phải ly nước đầy mà là nửa đầy nửa vơi. Ly nước của tôi luôn là nửa đầy!”.

Hiệp sĩ công nghệ thông tin

Một lần đào cây mai cho bạn, Đặng Hoài Phúc (quê Bà Rịa-Vũng Tàu) bị trái mìn sót lại trong đất phát nổ. Tai nạn khiến đôi mắt Phúc mù hoàn toàn. Lúc đó Phúc 9 tuổi, đang học lớp 4.

Từ năm 1992, Phúc học chữ nổi và âm nhạc tại Mái ấm Bừng Sáng (Q.10, TP.HCM). Học hòa nhập và hoàn tất chương trình phổ thông, anh thi vào ngành ngữ văn Anh, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

“Tôi mê học chuyên toán nhưng đâu có sự lựa chọn. Thời điểm 1999, hầu hết trường ĐH từ chối người mù. Tôi thuộc tốp người mù đầu tiên học chính quy”, anh Phúc chia sẻ.

Thực tế, anh Phúc có “mối duyên” sâu đậm với công nghệ thông tin. Năm 2004, anh được tôn vinh “Hiệp sĩ công nghệ thông tin”. Hai lần anh đoạt giải thưởng Samsung DigitAll Hope (2003 và 2005, tổng trị giá hơn 85.000 USD), giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Quả Cầu Vàng năm 2007...

Khi còn sinh viên, Phúc học khóa đào tạo giáo viên tin học nguồn cho người khiếm thị trong dự án Tin học Bừng Sáng. Hơn 10 năm nay, anh làm giám đốc điều hành Trung tâm hướng nghiệp và công nghệ trợ giúp người mù Sao Mai. Anh đã biên soạn bộ giáo trình tin học cho người khiếm thị đầu tiên ở Việt Nam. Phúc còn khởi xướng, thực hiện nhiều dự án tin học hiệu quả cho người khiếm thị: Mạng lưới đào tạo tin học từ xa, Thư viện sách nói kỹ thuật số, Bộ đọc tiếng Việt, Từ điển nói DictTalk…

“Hiệp sĩ công nghệ thông tin” Đặng Hoài Phúc hỗ trợ Hội Người mù Mông Cổ phát triển chương trình đọc màn hình tiếng Mông Cổ. Ảnh: S.M


“Nhiều người phỏng vấn tôi về các khó khăn, vì họ muốn thấy sự vượt khó của tôi. Thật sự tôi không có khó khăn nên biết đâu mà nói! Lúc nào tôi cũng vui cười, có gì sống nấy, có bao nhiêu chơi bấy nhiêu”, anh Phúc cởi mở.

Theo “hiệp sĩ” 37 tuổi này, nhiều người khiếm thị thiếu kỹ năng sống hòa nhập, nên không tự tin. Họ tự dựng lên rào cản để trói mình, chẳng hạn “cái này tui mù chắc làm không được”.

Trước câu hỏi: Có bao giờ anh từng trói mình như vậy?, anh Phúc khẳng định: “Không! Bởi mình nghĩ cái gì cũng có thể làm được hết. Có thể chậm hơn, công việc nhiều hơn… so với người sáng mắt, nhưng tất cả đều có giải pháp. Mù chẳng qua là không thấy đường thôi mà!”.

Anh Phúc dẫn chứng: Năm 2002, anh làm dự án Đào tạo tin học từ xa cho người khiếm thị gửi dự thi ở Hà Nội (giải thưởng 10.000 USD) nhưng thất bại. Không nản, Phúc gửi dự án đến chương trình Samsung DigitAll Hope 2003 khu vực châu Á và đã đoạt giải thưởng 40.475 USD.

Nhiều năm nay, anh Phúc là ủy viên Ban điều hành Hội đồng giáo dục thế giới cho người khiếm thị (ICEVI), điều phối viên dự án công nghệ giáo dục và việc làm ONNET quốc tế… Năm 2018, anh nhận giải thưởng Vì giáo dục cho người mù châu Á - Thái Bình Dương của ICEVI.

Chàng “hiệp sĩ” cũng rất lãng mạn, từng sáng tác và trình bày hơn 10 ca khúc trong album Nụ tình ơi.

Được ba đời tổng thống Mỹ trọng dụng

Năm 1977, Phạm Đức Trung Kiên (Kiên Phạm, sinh tại Sài Gòn) cùng gia đình sang Mỹ định cư ở bang Colorado. Ngày làm công nhân vất vả, đêm đi học tiếng Anh, Kiên nuôi mộng vào giảng đường sau vài năm cật lực kiếm tiền. Nhưng 6 tháng sau, đúng vào sinh nhật tuổi 19 (1.3.1978), Kiên chết điếng khi bác sĩ thông báo Kiên có thể bị mù bất cứ lúc nào vì bệnh thoái hóa võng mạc!

Tối đó, Kiên tiết lộ sự thật với cô giáo dạy tiếng Anh Diane Wagner. Cô đã cùng các ân nhân tìm mọi cách giúp Kiên vào học ĐH CU Boulder Colorado. Tại đây, Kiên tranh cử vào ban đại diện hội sinh viên của trường và thắng lợi vang dội với số phiếu cao nhất.

Tiếp đó, Kiên hoàn thành hai bằng thạc sĩ về quản lý kinh doanh và kinh tế toàn cầu tại Trường ĐH Stanford danh giá, được vinh danh “100 cựu sinh viên ưu tú nhất” trong lịch sử 100 năm đầu của trường (năm 1990).

Đặc biệt, năm 26 tuổi, Kiên Phạm tự nộp đơn dự tuyển chương trình đào tạo những nhà lãnh đạo trẻ xuất sắc nhất của Mỹ (White House Fellows). Khoảng 1.500 ứng viên trải qua quy trình tuyển lựa nghiêm ngặt kéo dài 6 tháng.

Khi phỏng vấn Kiên, một tỉ phú Mỹ là thành viên hội đồng tuyển chọn quát to: “Kiên, anh làm quái gì ở đây vậy? Anh có hiểu chương trình này dành cho những người từ 30 tuổi trở đi không, trong khi anh chỉ 26 tuổi?”. Anh Kiên bình tĩnh trả lời: “Ông nói đúng, tôi mới 26 tuổi. Nhưng tôi nghĩ ông không kiếm người già, mà ông kiếm người có kinh nghiệm sống đúng không? Dù mới 26 tuổi, nhưng kinh nghiệm sống của tôi rất nhiều. Nếu ông chọn tôi thì cuộc đời còn lại tôi đóng góp cho xã hội sẽ dài hơn các ứng viên khác, nên tùy ông quyết định”.

Năm 1986, Kiên bắt đầu vào làm việc trong vai trò trợ lý đặc biệt cho Trưởng đại diện mậu dịch của Nhà Trắng - người đứng ra đàm phán các hiệp định quốc tế về thương mại. Trong bài diễn văn tại Nhà Trắng, Tổng thống Ronald Reagan đã biểu dương Kiên Phạm.

Lý giải việc ứng tuyển trên, ông Kiên chia sẻ: “Tôi muốn tham gia chương trình vì nó sẽ cho tôi kinh nghiệm mà rất ít người được có. Nó giúp tôi vào danh sách ngắn những người có quyền lực trong xã hội Mỹ. Lúc đó, thị lực tôi đã rất yếu và tôi không biết mình còn nhìn thấy bao lâu nữa, nên phải đi nhanh. Tôi còn trẻ, có mất mát gì đâu. Nếu không được tuyển, có nhiều cơ hội khác chờ tôi”.

Ở tuổi 31, Kiên được Tổng thống George Bush “cha” bổ nhiệm vào Lầu Năm Góc làm việc tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh thế giới.

Hơn 10 năm làm cho những tập đoàn lớn, năm 2003, Kiên Phạm được chính quyền Tổng thống George Bush “con” tuyển chọn làm Giám đốc điều hành Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF), một trong những cầu nối đánh dấu bình thường hóa quan hệ hai nước Việt - Mỹ. Ba năm chính thức điều hành VEF và tiếp tục đeo đẳng quỹ này cho đến khi kết thúc hoạt động vào năm 2018, ông đã tham gia hỗ trợ hơn 600 bạn trẻ tài năng VN học tiến sĩ, thạc sĩ tại các trường hàng đầu của Mỹ.

20 năm nay, thông qua Thư viện Sách nói dành cho người mù tại TP.HCM, Việt kiều Mỹ Kiên Phạm cùng người thân, bạn bè hảo tâm đã tài trợ trên 5 tỉ đồng trao tặng học bổng, máy vi tính xách tay... cho hàng trăm sinh viên khiếm thị. Từ năm 2006, ông về sống tại TP.HCM trong hai vai trò: vừa là nhà đầu tư của nhiều tập đoàn, vừa là nhà hảo tâm. Năm 2008, ông sáng lập và là Giám đốc điều hành Quỹ từ thiện Việt Nam (The Vietnam Foundation) và xây dựng Quỹ VEF 2.0 để tiếp nối sứ mệnh của VEF.

Bốn năm nay, ánh sáng gần như tắt hẳn trong đôi mắt ông Kiên. Tuy nhiên, quan niệm sống của ông vẫn không hề thay đổi: Không có giới hạn nào khác ngoài bầu trời!

“Mọi giấc mơ đều có thể trở thành hiện thực”

Năm 20 tuổi, Christine Hà (sinh năm 1979) - một người Mỹ gốc Việt, mất thị lực do bệnh rối loạn khả năng tự miễn dịch. Là người khiếm thị đầu tiên tham gia và trở thành quán quân cuộc thi Vua đầu bếp (Master Chef) tại Mỹ năm 2012, cô đã chứng tỏ “mọi giấc mơ đều có thể trở thành hiện thực”.

Trên nhiều lĩnh vực khác, không ít người khiếm thị đã thành công, như: nhạc sĩ, ca sĩ Hà Chương - sáng tác trên 100 ca khúc, chơi và trình diễn hơn 10 loại nhạc cụ, tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, truyền cảm hứng “Đánh thức khát vọng” cho giới trẻ...; Kỹ sư Nguyễn Hoàng Giang: tháng 2.2017, 23 tuổi, Giang trở thành lập trình viên khiếm thị đầu tiên của Tập đoàn Grab tại Singapore và cả Đông Nam Á...

Tin liên quan