Với mong muốn mang sách đến với học sinh, người nông dân nơi miền quê nghèo xã Sơn Nguyên, huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, anh Nguyễn Bá Nha (32 tuổi), sinh viên Trường ĐH Thái Bình Dương và vợ là chị Mai Thị Huy, đã thành lập một thư viện phục vụ miễn phí với khoảng 2.000 đầu sách.
Có một Nắng Mai miền sơn cước
Thư viện Nắng Mai được vợ chồng anh Nha và chị Huy thành lập vào tháng 4/2019 với diện tích khoảng 30m2 trong không gian nhà của anh Nha, được bài trí khá gọn gàng, ngăn nắp. Hiện thư viện có hơn 2.000 đầu sách các loại như: văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, danh nhân văn hóa, lịch sử, khoa học trí thức, thiếu nhi, truyện tranh, kỹ năng sống, trồng trọt, chăn nuôi…
Sau khi thành lập, thư viện Nắng Mai được nhiều tổ chức, cá nhân tặng sách, hỗ trợ tiền tu bổ cơ sở vật chất. Trong đó, thư viện tỉnh Phú Yên hỗ trợ 2 tủ đựng sách cùng 100 đầu sách; nhà sách Gia Lai CTC chi nhánh Phú Yên tặng gần 100 đầu sách; chị Đào Linh (ngụ huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) tặng 700 tập truyện thiếu nhi, chị Lê Minh Thu (ngụ Hà Nội) hỗ trợ 5 triệu đồng để lợp ngói phòng đọc của thư viện cho thoáng mát… Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương cũng đã đến thăm thư viện và tặng một bộ máy tính.
Hằng ngày, thư viện Nắng Mai mở cửa từ 6 giờ 30 sáng đến 10 giờ đêm, mỗi bạn đọc có thể mượn về nhà từ 1 - 5 quyển sách với thời gian một ngày đến một tuần. “Tôi nghĩ thư viện nhỏ này sẽ phần nào giúp các em học sinh mở mang kiến thức, giúp nông dân tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Chúng ta có thể nghèo về vật chất nhưng không thể nghèo về tri thức. Thư viện sẽ là nơi mọi người, bất kể lứa tuổi hay nghề nghiệp, có thể đến đọc sách tiếp thêm kiến thức”, anh Nha tâm sự.
Các em thiếu nhi đang đọc sách tại thư viện Nắng Mai |
Đam mê học tập sáng tạo
Anh Nha sinh ra tại tỉnh Gia Lai. Lớn lên, ngoài thời gian học, anh còn đi chăn bò, làm cỏ mì để phụ giúp gia đình. Do hoàn cảnh khó khăn, anh chỉ được học hết lớp 9, sau đó đi làm thuê ở các tỉnh Tây Nguyên. Năm 2005, anh tới làm công nhân xây cầu ở thôn Nguyên Hà (nơi ở hiện nay của anh) và quen biết chị Huy là người địa phương. Năm 2007 hai người nên duyên vợ chồng. Sau khi kết hôn, anh Nha quyết định ở lại Nguyên Hà lập nghiệp. Chăm chỉ làm ăn, vợ chồng anh cũng xây được căn nhà cấp 4. Không chỉ canh tác trên đất của mình, anh còn đi phụ hồ, rồi trở thành thợ xây thạo nghề.
Khi đã có 2 con, anh Nha vẫn ước mơ có được tấm bằng ĐH. Vậy nên, năm 2013, anh bắt đầu theo học bổ túc ở Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Sơn Hòa. Sau khi tốt nghiệp, tháng 9/2016, anh trúng tuyển vào ngành Việt Nam học của Trường ĐH Thái Bình Dương (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) và hiện đang học đến năm thứ tư. Vừa học, “anh” sinh viên tuổi 32 vừa làm thuê đủ thứ nghề để có tiền lo cuộc sống cho gia đình và nhất là không quên để dành tiền mua sách.
Trong thời gian học học ĐH, anh Nha đem niềm mơ ước thành lập thư viện chia sẻ với thầy cô, bè bạn ở trường được nhiều người ủng hộ và tặng sách. Đặc biệt, ông Phạm Thanh Đảng (nguyên Trưởng khoa Lý luận chính trị, Học viện Hải quân Việt Nam ở TP Nha Trang) đã tặng anh nguyên tủ sách với số lượng 600 cuốn.
Trước khi đến với giảng đường ĐH, anh Nha từng làm Bí thư chi đoàn thôn Nguyên Hà. Năm 2014, anh vinh dự được bầu chọn là 1 trong 3 thanh niên của tỉnh Phú Yên tham dự Đại hội thanh niên tiên tiến toàn quốc năm 2014. Là người đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật, anh đã thiết kế mô hình “Bếp tiện ích” cấu tạo bằng thép, sử dụng quạt kích hoạt điện 12V, sử dụng nguyên liệu rác thải thực vật, giấy vụn làm chất đốt, không khói.
Với sản phẩm này, anh đã đạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 5 năm 2013 và giải Khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 5 năm 2013. Năm 2016, anh lại nhận giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 7 với mô hình sáng tạo “Máy làm mát môi trường không khí tự nhiên”.
Trong khi nhiều thư viện lớn đang thiếu vắng bạn đọc, văn hóa đọc có chiều hướng đi xuống thì việc mở thư viện phục vụ miễn phí của vợ chồng anh Nha thật đáng trân quý. Đây thật sự là việc làm đậm tính nhân văn, góp phần tạo thói quen đọc sách cho đông đảo người dân và cho thế hệ trẻ.