Làm sao để thoát nghèo, phát triển kinh tế? Câu hỏi đó luôn đau đáu trong đầu anh Đỗ Duy Hưng (xã Hà Tân, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Dù mang thương tật, dù sức khỏe không được bằng người khác, nhưng với sự nhạy bén, sáng tạo, yêu lao động, sự đồng thuận của người vợ hiền, anh đã từng bước vượt lên số phận bất hạnh, xây dựng kinh tế gia đình bằng chính đôi bàn tay, khối óc và nghị lực bản thân, hỗ trợ, giúp đỡ cho nhiều người đồng cảnh khác.
Tình yêu cho tôi thêm sức mạnh
Năm 1998, tốt nghiệp THPT, anh Hưng nhập ngũ và được đơn vị cho đi học ở Trường Sĩ quan Pháo binh (Sơn Tây, Hà Nội). Sau nhiều phấn đấu học tập, anh về công tác ở Tiểu đoàn trinh sát pháo binh 703 đóng ở xã Quang Trung (Bỉm Sơn). Trong một chuyến công tác, anh bị tai nạn giao thông khiến chân trái dập nát hoàn toàn, phải cắt bỏ, chân phải dập mắt cá nhưng may mắn vẫn còn khả năng phục hồi. Anh ra quân và trở về quê nhà, mang theo thương tật mất 71% sức khỏe.
Suốt hai năm liền anh đóng cửa, nhốt mình trong phòng tối và chỉ biết khóc thầm. Nghĩ cuộc đời mình vậy là chấm hết. Được sự động viên của gia đình, người thân, đồng đội, đặc biệt là lời dạy của Bác Hồ “Tàn nhưng không phế”, không chấp nhận là phế nhân trong mắt mọi người, gánh nặng cho gia đình, anh tập đi bằng nạng, rồi lắp chân giả, học nghề cắt tóc.
Gia đình hạnh phúc của vợ chồng anh Hưng -chị Hương
Năm 2002, anh bén duyên với chị Hương – một cán bộ đoàn năng nổ. Chị đồng cảm, sẻ chia, lặng lẽ động viên, truyền thêm sức mạnh để anh vượt lên số phận. Nhờ chị, anh đã dần lấy lại được tinh thần và trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng tình yêu của hai người vấp phải sự phản đối của gia đình chị Hương, cho rằng không tương xứng về hoàn cảnh, sức khỏe. Làng xóm dè bỉu, nói ra nói vào, rằng “Chị Hương xinh đẹp, giỏi giang, lấy đâu chẳng được chồng, lấy anh Hưng cụt rồi mà khổ cả một đời”. Đến tận khi anh anh chị tổ chức đám cưới, vẫn có người cầm dao ngăn cản rước dâu. Nhưng, tình yêu chân thành của chị, quyết tâm của anh đã gắn kết hai người lại với nhau, cùng nhau san sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống..
Từ sau đám cưới, chị Hương trở thành đôi chân, khối óc của anh Hưng. Anh chị khởi nghiệp với đồng vốn ít ỏi và vài con bò. Anh cắt tóc và học nghề nuôi ong, chị làm ruộng với hơn 1 mẫu đất cấy lúa. Đến năm 2008, do giá bò xuống thấp, đôi chân không lành lặn sau thời gian dài leo đồi cũng bắt đầu có dấu hiệu đau đớn. Biết không thể gắn bó với công việc cũ, vợ chồng anh quyết định bán đi toàn bộ đàn bò, dùng số tiền có được mua miếng đất gần nhà.
Đồng thuận phát triển kinh tế
Nhận thấy lợi thế vườn đồi của địa phương và lợi ích kinh tế từ việc nuôi ong mật, anh Hưng tự tìm người nuôi ong trong xã, trong huyện để học theo phương thức cầm tay chỉ việc. Anh vào mạng internet tìm hiểu, mua sách đọc, học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước về nghề nuôi ong. Rồi từ kiến thức đã học, anh truyền đạt lại cho chị Hương. Vợ chồng anh chị cứ như vậy kiên trì, cần mẫn, dần nhân rộng đàn ong. Khởi đầu chỉ với 3 đàn, sau 2 năm đã nhân lên thành 40 đàn, đỉnh điểm năm 2020 gia đình anh có gần 100 đàn ong. Không chỉ nuôi ong lấy mật, anh Hưng còn cung cấp nguồn giống cho người dân có nhu cầu. Hàng năm, anh bán và hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong miễn phí cho người nuôi ong làm kinh tế bình quân từ 20 – 30 đàn/năm.
Anh Hưng giới thiệu mô hình nuôi ong với Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hoá
Từ thành công của bản thân, anh Đỗ Duy Hưng còn mạnh dạn đề nghị với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Hà Trung đăng ký tham gia chuyển giao kỹ thuật nuôi ong cho người khuyết tật, thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam. Đến nay, đã có gần 40 hộ dân thành công nhờ học hỏi kinh nghiệm nuôi ong từ anh. Vừa qua, có một doanh nhân đang nghiên cứu đem ong mật rừng Sén Tam Quy (Hà Tân, Hà Trung, Thanh Hóa vào thị trường Mỹ. Điều này càng thôi thúc anh Hưng cùng mọi người làm giàu từ ong mật ngay chính trên quê hương mình.
Năm 2018, hưởng ứng chương trình “Học bổng cùng em đến trường” do Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Hà Trung phát động, gia đình anh Hưng nhận đỡ đầu cho em Nguyễn Tuấn Anh, xã Hà Tân (bố là người khuyết tật đã mất vì ung thư, mẹ bỏ đi khi em mới 10 tháng tuổi), mức hỗ trợ 200.000 đồng/tháng. Anh chị coi Tuấn Anh như con cháu trong nhà, mong sao em lớn lên trở thành người có ích.
Cùng nhau làm kinh tế, vợ chồng anh Hưng, chị Hương còn cùng nhau chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn, cùng động viên nhau nuôi dạy các con ăn học. Con gái lớn của anh chị hiện đang chuẩn bị đi du học Hàn Quốc. “Tôi luôn biết ơn vợ mình vì đã không chê tôi khiếm khuyết, đến với tôi và đi cùng tôi gần 2 thập kỷ qua, cho tôi nghị lực sống giữa lúc tôi bi quan nhất. Giờ đây, vợ tôi còn hăng hái tham gia hội Phụ nữ và đội văn nghệ không chuyên của xã nhà”.
Anh Hưng tham gia chuyển giao kỹ thuật nuôi ong cho người khuyết tật, thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam
Hiện anh Hưng đang đảm nhiệm vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ người khuyết tật huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, Phó Chủ nhiệm CLB người khuyết tật tỉnh Thanh Hóa. Anh Hưng chia sẻ: “Bản thân đã trải qua những bất hạnh cuộc sống nên tôi hiểu được ý nghĩa của sự sẻ chia, giúp đỡ. Mỗi người “cho” đi một chút, cũng là cách chúng ta đang “gieo” những mầm thiện trong cuộc đời này”.
Phong Châu