Ngày 07/7/2020, Nhóm công tác xây dựng Tuyên bố ASEAN về Thúc đẩy công tác xã hội đã tổ chức họp theo hình thức trực tuyến. Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020 với sự hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN đã đề xuất xây dựng Tuyên bố ASEAN về Thúc đẩy công tác xã hội. Dự kiến Tuyên bố trên sẽ được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào tháng 11/2020.
Ts. Hà Thị Minh Đức – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TBXH) chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp trực tuyến Nhóm công tác xây dựng Tuyên bố ASEAN về Thúc đẩy công tác xã hội
Trong những thập kỷ gần đây, công tác xã hội đã nổi lên như một nghề hàng đầu để cung cấp các dịch vụ xã hội trực tiếp và đã được phát triển ở hơn 100 quốc gia trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn chưa nhận thấy được tầm quan trọng của Công tác xã hội trong đời sống của người dân và quản lý nhà nước của mình nhằm đảm bảo cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ cho các nhóm yếu thế.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Ts. Hà Thị Minh Đức – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TBXH) nhấn mạnh, trong bối cảnh các nước ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức chung, bao gồm việc sao nhãng và bóc lột trẻ em, nghèo đói, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, dân số già, di cư, thất nghiệp ở thanh niên và thảm họa tự nhiên và nhân tạo. Những thách thức này đang trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi những nỗ lực trong việc chuyên nghiệp hóa các nhân viên xã hội để đáp ứng các nhu cầu của dân số dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, theo bà Hà Thị Minh Đức, tầm quan trọng của công tác xã hội chưa được công nhận, mặc dù số lượng lớn người cần sự hỗ trợ của nhân viên xã hội để đối phó với những khó khăn trong cuộc sống và hỗ trợ việc tiếp cận các dịch vụ. Hơn nữa, tại khu vực ASEAN đã chứng kiến nhiều thách thức phổ biến bao gồm tỷ lệ lao động xã hội và dân số thấp, năng lực hạn chế của lực lượng lao động, cơ sở đào tạo không đủ và phân bổ ngân sách hạn chế cho công tác xã hội.
Toàn cảnh phiên họp
Nhận ra khoảng trống này, Hiệp hội Công tác xã hội ASEAN (ASWC), một cơ chế do Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về Phúc lợi xã hội và Phát triển hướng dẫn với mục đích củng cố tình đoàn kết giữa các nhà thực hành công tác xã hội, các nhà giáo dục và trường học về công tác xã hội tại khu vực ASEAN và các đối tác. Một trong những mục đích của Hiệp hội là thúc đẩy sự hỗ trợ lớn hơn của các nhà hoạch định chính sách cho vai trò của công tác xã hội trong phát triển xã hội
Tổng hợp nhiều nỗ lực đã được thực hiện trong khu vực ASEAN, Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020 với sự hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN đã đề xuất xây dựng Tuyên bố ASEAN về thúc đẩy công tác xã hội. Như vậy, một nhóm công tác kỹ thuật đã được thành lập để dẫn dắt việc xây dựng Dự thảo Tuyên bố.
Theo đó, Tuyên bố ASEAN về Thúc đẩy Công tác xã hội nhằm trở thành một khuôn khổ chung thúc đẩy và tăng cường công tác xã hội ở cấp khu vực; Đưa ra nhóm các ưu tiên chung để tăng cường công tác xã hội và lĩnh vực công tác xã hội trong ASEAN; Xây dựng và tạo điều kiện hợp tác chiến lược giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong lĩnh vực công tác xã hội; Đạt được một tiếng nói, một cam kết và hiểu biết chung về vai trò và giá trị của nhân viên công tác xã hội.
Các nước thành viên ASEAN và các Cơ quan Liên hợp quốc tham dự phiên họp trực tuyến
Các cam kết hành động chính cho Tuyên bố sẽ tập trung vào pháp luật và chính sách; Thủ tục và tiêu chuẩn; Phát triển nguồn nhân lực; Phát triển hệ thống dịch vụ công tác xã hội và quan hệ đối tác. Các hoạt động trong quá trình xây dựng Tuyên bố nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ UNICEF. Quá trình trên sẽ được dẫn dắt bởi đầu mối Hiệp hội Công tác xã hội ASEAN và Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về Phúc lợi xã hội và Phát triển.
Tại cuộc họp, nhóm công tác xây dựng Tuyên bố đã tập trung thảo luận về Dự thảo Tuyên bố ASEAN về Thúc đẩy Công tác xã hội; Các ưu tiên/hoạt động của các Cơ quan Liên hợp quốc trong giai đoạn tới để thực hiện Tuyên bố ASEAN về Thúc đẩy Công tác xã hội; Đề xuất các hoạt động và lộ trình tiếp theo.
Theo http://molisa.gov.vn/