Trong khuôn khổ hợp tác giữa UNDP tại Việt Nam và ACDC, dưới sự tài trợ của Đại sứ quán Na Uy, Hội thảo tham vấn về “Giám sát việc thực thi Điều 27 của Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật (CRPD) trong lĩnh vực việc làm tại Việt Nam” đã được tổ chức vào ngày 05/04/2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình có sự tham dự của bà Grete Lochen - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam; bà Diana Torest Trợ lý Trưởng đại diện kiêm Trưởng phòng Quản trị và tham gia UNDP Việt Nam; ông Trần Ngọc Thổ - Phó Chủ tịch TW Hội Nạn nhân da cam, Chủ tịch Hội Nạn nhân nhiễm chất độc da cam Dioxin TP Hồ Chí Minh; bà Đặng Huỳnh Mai - Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; ông Đặng Văn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; bà Võ Hoàng Yến - Phó Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Người sáng lập và Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD); bà Nguyễn Ngọc Hương - Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TP Hồ Chí Minh;... cùng đại diện của các tổ chức của và vì người khuyết tật, các doanh nghiệp và cơ quan thông tấn báo chí.
Mở đầu hội thảo, bà Grete Lochen - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam đã có bài phát biểu chào mừng trực tuyến. Tiếp đó bà Đặng Huỳnh Mai – Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cũng có chia sẻ về tầm quan trọng của vấn đề việc làm và đào tạo nghề đối với người khuyết tật, sự vào cuộc của các bên liên quan.
Trên toàn cầu, Covid-19 đã gây ra nguy cơ mất việc làm và khó khăn trong việc tái gia nhập thị trường lao động cho hàng triệu người khuyết tật. Tại Việt Nam, hiện có hơn 6,2 triệu người khuyết tật và họ là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. Đánh giá nhanh của UNDP về tác động kinh tế - xã hội của đại dịch Covid-19 đối với người khuyết tật cho thấy 30% người khuyết tật bị mất việc làm trong đại dịch Covid-19, gần 50% bị giảm giờ làm và gần 60% bị cắt lương. Bởi vậy, phục hồi và chung sống cùng Covid-19 mang lại cho Việt Nam cơ hội xây dựng tương lai tốt đẹp hơn, bằng cách tăng cường bảo vệ người khuyết tật và tạo cơ hội cho người khuyết tật tăng cường đóng góp vào nỗ lực phục hồi của đất nước.
Đây cũng là những thông điệp được đưa ra trong bài trình bày về báo cáo đánh giá việc làm của UNDP năm 2020 cũng như các chia sẻ của doanh nghiệp đang tuyển dụng người khuyết tật. Đặc biệt là phần toạ đàm được dẫn dắt bởi bà Nguyễn Thị Lan Anh thực hiện với sự tham gia của 02 doanh nghiệp là Enable Code - doanh nghiệp về việc làm 4.0 và Saitex - doanh nghiệp dệt may đã có điều chỉnh hợp lý để đảm bảo người khuyết tật có thể làm việc tại các bộ phận.
Ngoài ra, trong phần chia sẻ của mình, bà Diana Torres, Trợ lý Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam đã nhấn mạnh: “Bằng cách hợp tác cùng nhau để bảo vệ quyền việc làm của người khuyết tật, chúng ta đang thực hiện những hành động thực tiễn nhằm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), đặc biệt là Mục tiêu Phát triển Bền vững số 8 (SDG8) về Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm và bền vững, tạo việc làm đầy đủ, năng suất và công việc thỏa đáng cho tất cả mọi người.
Người khuyết tật chắc chắn là người cầm lái trên chặng đường này. Không ai khác có thể thay thế vai trò quan trọng của họ. Họ chính là những nhân tố tạo ra sự thay đổi tích cực bằng cách nâng cao nhận thức về một môi trường làm việc hòa nhập cho người khuyết tật.”
Đặc biệt, trong nửa cuối hội thảo, dưới sự hướng dẫn trực tuyến của Bà Risna Utami, Thành viên Ủy ban Liên hợp quốc về người khuyết tật và sự điều hành của bà Võ Thị Hoàng Yến - Người sáng lập và Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), các đơn vị của và vì người đã được thảo luận kỹ hơn về chỉ số vấn đề việc làm với người khuyết tật theo chỉ số mẫu của Liên hợp quốc với 3 mức độ là chỉ số cam kết trong bối cảnh Việt Nam phê chuẩn công ước năm 2015; chỉ số thực thi/thực hiện về vấn đề việc làm với người khuyết tật hiện nay thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia; các chính sách hiện tại về vấn đề việc làm và chỉ số giám sát và kết quả.
Dựa vào các chỉ số được đặt ra, UNDP và các đối tác địa phương sẽ cùng xây dựng kế hoạch hoạt động để đảm bảo việc chỉ số việc làm theo như cam kết của Việt Nam với Liên hiệp quốc khi ký phê chuẩn công ước năm 2015.
Theo acdc.vn