Tỉnh Hội Quảng Bình: Đại hội Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện Quảng Trạch
Ngày 8/9, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện Quảng Trạch tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022-2027.
Nhiệm kỳ qua, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các tổ chức chính trị-xã hội và các tầng lớp nhân dân, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện Quảng Trạch đã thực hiện tốt vai trò là “cầu nối” trong hoạt động từ thiện, nhân đạo, hỗ trợ giúp đỡ người khuyết tật và trẻ mồ côi trên địa bàn.
Trong 5 năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Tỉnh hội, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện Quảng Trạch tích cực phối hợp, kêu gọi các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm xây dựng nguồn quỹ hội với tổng số tiền hơn 5,6 tỷ đồng.
Từ nguồn quỹ này, hội phối hợp với các tổ chức, cá nhân trao tặng hơn 4.500 suất quà cho các đối tượng với trị giá hơn 3,5 tỷ đồng; trao tặng 256 chiếc xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật với tổng trị giá gần 738 triệu đồng; trao tặng 165 chiếc xe đạp cho các cháu khuyết tật, trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Tại đại hội, các đại biểu tập trung thảo luận, xây dựng phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện Quảng Trạch nhiệm kỳ 2022-2027 gồm 13 thàng viên; ông Lê Ngọc Sơn được tín nhiệm bầu giữ chức danh Chủ tịch hội.
Nhân dịp này, huyện Quảng Trạch tặng giấy khen cho 3 tập thể, 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện công tác Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, giai đoạn 2017-2022.
Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam (ASVHO) là tổ chức
xã hội hoạt động vì quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật và trẻ mồ côi.,
được thành lập ngày 25/4/1992 theo quyết định số 136/CT của Chủ tịch Hội đồng
Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Hội đã 4 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân
chương cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất; 2 lần Huân chương Lao động
hạng Nhì và Huân chương Lao động hạng Ba.
Hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản; vận động nguồn lực từ
các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật với
mục đích tổ chức các hoạt động trợ giúp và nâng cao chất lượng cuộc sống của
người khuyết tật, trẻ mồ côi, hỗ trợ họ sống tự tin, tự lực và hòa nhập cộng đồng.