Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Bình là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình. Trung tâm có chức năng, nhiệm vụ nuôi dưỡng người có công với cách mạng, người già không nơi nương tựa; trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ, trẻ khuyết tật đặc biệt nặng, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi; phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Tiếp nhận, chăm sóc đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp; cung cấp các hoạt động dịch vụ công tác xã hội theo Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ; nuôi dưỡng đối tượng tự nguyện trên địa bàn tỉnh.
Vào trung tâm, các đối tượng được quan tâm chăm sóc chu đáo
Trong thời gian vừa qua, Trung tâm đã triển khai Mô hình chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng tự nguyện trên địa bàn tỉnh. Mô hình đáp ứng nhu cầu thiết thực và phù hợp về môi trường sống của người cao tuổi, người khuyết tật, đáp ứng nhu cầu của bản thân và gia đình của họ, phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay.
Trong năm 2020, Trung tâm đã tổ chức tiếp nhận, hợp đồng 10 đối tượng (trong đó: đối tượng còn khả năng tự phục vụ 08 người, đối tượng không còn khả năng tự phục vụ 02 người); Hằng ngày các đối tượng được thăm khám sức khỏe, được tập luyện bằng các phương pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng nhằm tăng cường, cải thiện sức khỏe và hồi phục các chức năng sau khi bị bệnh. Cán bộ, nhân viên chăm sóc tận tình chu đáo, như: tổ chức dọn dẹp vệ sinh, lau chùi nhà cửa, giặt áo quần, vệ sinh cá nhân, cấp dưỡng hằng ngày đến tận các đối tượng bị ốm đau…
Mô hình chăm sóc, nuôi dưỡng tự nguyện đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của xã hoọi
Để góp phần thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong lĩnh vực an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng và xu thế chung của xã hội hiện nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Bình tiếp tục triển khai Mô hình chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng tự nguyện trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, điều kiện tiếp nhận là người cao tuổi, người khuyết tật và các đối tượng khác có địa chỉ thường trú trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội (như: người cao tuổi có lương hưu, người cao tuổi và người khuyết có con hoặc có nguồn thu nhập ổn định, không thuộc hộ nghèo), có nhu cầu sống ở Trung tâm Bảo trợ xã hội, tự nguyện đóng góp kinh phí hoặc có người thân, người nhận bảo trợ đóng góp kinh phí (không tiếp nhận những đối tượng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đối tượng đang nợ án đối với cơ quan thi hành pháp luật, đối tượng tâm thần, đối tượng mắc các bệnh truyền nhiễm).
Mức thu kinh phí nuôi dưỡng chia thành 02 nhóm đối tượng, cụ thể: Nhóm 1: Đối tượng còn khả năng tự phục vụ: 2.930.000 đồng/người/tháng (bao gồm: chế độ ăn, uống, sinh hoạt phí, công chăm sóc, y tế, phục hồi chức năng…); Nhóm 2: Đối tượng không còn khả năng tự phục vụ: 3.662.000 đồng/người/tháng (bao gồm: chế độ ăn, sinh hoạt phí, công chăm sóc, y tế, phục hồi chức năng…); Tổng mức thu trên bao gồm các chi phí mua sắm các đồ dùng cá nhân, nếu đối tượng hoặc người bảo hộ tự túc (tự mua sắm dồ dùng sinh hoạt) thì không đưa vào hợp đồng và sẽ trừ theo từng loại danh mục. Mức thu sẽ được điều chỉnh khi tiền lương cơ sở do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ có sự thay đổi (bao gồm cả tiền ăn hằng tháng).
Thủ tục, hồ sơ tiếp nhận: Đối tượng tự nguyện hoặc người giám hộ ký hợp đồng cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội với người đứng đầu cơ sở (theo mẫu quy định). Nộp bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu (có chứng thực); sơ yếu lý lịch của bản thân có xác nhận của chính quyền địa phương./.