Đó là khẳng định của phó trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại lễ kỷ niệm hưởng ứng Ngày quốc tế về người khuyết tật và lắng nghe tiếng nói của người khuyết tật diễn ra sáng 2-12 tại Hà Nội.
Theo ông Patrick Haverman, các dự án UNDP và Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đang xây dựng sẽ đem lại cuộc sống tốt hơn cho trẻ em nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Dẫn lời Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, ông Patrick Haverman cho hay “người khuyết tật là một trong những nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19 và chúng ta phải đảm bảo không làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng cũng như rủi ro mà người khuyết tật phải đối mặt trong đại dịch”.
Nhân dịp này, UNDP cam kết hợp tác với Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ người khuyết tật giải quyết thách thức đa chiều do ảnh hưởng của COVID-19, và công nhận người khuyết tật là “đối tác quan trọng” chứ không phải "đối tượng thụ hưởng chính sách".
UNDP khuyến nghị Chính phủ Việt Nam lồng ghép nhu cầu người khuyết tật vào chính sách phát triển chung để hướng tới mục tiêu “không có ai bị bỏ lại phía sau”.
Tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh hằng năm có hàng triệu người khuyết tật được trợ cấp từ ngân sách nhà nước; hàng trăm ngàn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, hỗ trợ phương tiện trợ giúp (xe lăn, xe đẩy...). Trẻ em khuyết tật được đi học, học nghề và có việc làm tăng nhanh.
Là nước có tỉ lệ người khuyết tật cao so với tổng dân số, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi khẳng định Việt Nam tiếp tục thực hiện các cam kết quốc tế. Trong đó có tổng kết 10 năm thi hành Luật người khuyết tật, sửa đổi bổ sung Luật bảo hiểm y tế, Luật bảo hiểm xã hội...
“Các chính sách, hoạt động trợ giúp người khuyết tật cũng có sự thay đổi căn bản, chuyển từ sự trợ giúp mang tính nhân đạo từ thiện sang trợ giúp theo quan điểm phát triển, tạo động lực để cho người khuyết tật vươn lên”, ông Hồi khẳng định.
Tại chương trình, các đại biểu kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ chuyển đổi số trong xác định mức độ khuyết tật; giảm chi phí xét nghiệm COVID-19 cho người khuyết tật; nghiên cứu cấp giấy phép lái xe cho người khuyết tật đủ điều kiện...
Bên cạnh đó, có kiến nghị rằng cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ người khuyết tật nhẹ. Thực tế, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng đang nhận mức hỗ trợ 360.000 đồng/tháng.
Thông tin với Tuổi Trẻ Online, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết ứng dụng "Đăng ký thông tin người khuyết tật" đã có mặt trên App Store, Google Play để hỗ trợ cán bộ, tình nguyện viên trợ giúp xã hội; nạn nhân bom mìn; người khiếm thính... kê khai thông tin không cần kết nối Internet, tích hợp AI chatbot hỗ trợ 24/24 giờ, nhận diện giọng nói...
Việt Nam có khoảng 6,4 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm gần 30%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo.