Với vai trò là Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái, trong những năm qua, ông Phạm Công Quyết đã tích cực nghiên cứu, tham mưu và có nhiều đóng góp trong lĩnh vực hoạt động công tác xã hội tại địa phương.
Trong điều kiện nghề công tác xã hội (CTXH) còn khá mới mẻ, nhận thức của xã hội về vai trò của nghề này còn hạn chế; nguồn lực về tài chính, nhân lực phục vụ cho hoạt động cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu… song với sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan chức năng, sự nỗ lực của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, sự tâm huyết của đội ngũ những người làm CTXH, đứng đầu là Giám đốc Trung tâm CTXH và Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái, các hoạt động về phát triển nghề CTXH trên địa bàn tỉnh đã thu được nhiều kết quả quan trọng, nhiều mô hình cung cấp dịch vụ CTXH đã hoàn thiện, từng bước phát huy hiệu quả, được cộng đồng đánh giá cao.
Từ khi có Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2013, ông Phạm Công Quyết đã tham mưu với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái về việc thành lập Trung tâm CTXH và Bảo trợ xã hội, trên cơ sở bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ cho Trung tâm Bảo trợ xã hội. Theo đó, ngày 11/4/2014, UBND tỉnh Yên Bái đã ra Quyết định về việc kiện toàn tổ chức bộ máy và đổi tên Trung tâm Bảo trợ xã hội thành Trung tâm CTXH và Bảo trợ xã hội, trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái.
Giám đốc Phạm Công Quyết thăm hỏi, động viên người cao tuổi đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm
Sau khi có quyết định đổi tên, ông Phạm Công Quyết đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự, thành lập mới Phòng CTXH từ tháng 6/2014 và bố trí đội ngũ cán bộ viên chức có trình độ chuyên môn CTXH thực hiện nhiệm vụ tại Phòng.
Giám đốc Trung tâm CTXH và Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái Phạm Công Quyết chia sẻ: “Ngay từ khi mới thành lập Trung tâm, bản thân tôi đã xác định công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về nghề CTXH là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng, do vậy năm 2014, tôi đã chỉ đạo Phòng CTXH tổ chức hội nghị truyền thông và in 2.000 tờ rơi tuyên truyền giới thiệu về Trung tâm và nghề CTXH. Ngoài ra, đã thực hiện thiết kế, nâng cấp và tăng cường đăng tải thông tin về Trung tâm trên website cũng như đẩy mạnh công tác truyền thông qua các hình thức trực tiếp và gián tiếp như: Tổ chức hội nghị tập huấn, truyền thông cho cán bộ lao động – thương binh và xã hội, cộng tác viên CTXH tại 9/9 huyện thị của tỉnh; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh truyền thông về nghề CTXH”.
Thông qua các hoạt động truyền thông đã góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đội ngũ cộng tác viên và người dân trên địa bàn tỉnh về nghề CTXH, về vai trò, vị trí của Trung tâm trong việc cung cấp dịch vụ CTXH. Số lượng người dân đã biết và trực tiếp tìm đến trung tâm để được tư vấn, trợ giúp đã ngày càng tăng lên.
Ngoài hoạt động truyền thông, để thực hiện tốt nhiệm vụ CTXH, Giám đốc Phạm Công Quyết cũng đặc biệt quan tâm và chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH tại Trung tâm và đội ngũ cộng tác viên tại các xã, phường. Hiện đơn vị có 5 đồng chí đã hoàn thành chương trình học và có chứng chỉ đào tạo cán bộ quản lý CTXH cấp cao, một đồng chí đã có bằng thạc sỹ chuyên ngành CTXH; trên 80% cán bộ, viên chức Trung tâm có giấy chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ CTXH...
Giám đốc Trung tâm tặng quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khỏ khăn
Đóng góp một phần nhỏ trong công tác an sinh xã hội, Trung tâm bắt đầu triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ CTXH từ ngày 01/6/2014. Trong bối cảnh CTXH là một nghề mới được công nhận, còn khá mới mẻ đối với các cấp chính quyền và người dân trên địa bàn tỉnh, với vai trò là người đúng đầu, ông Phạm Công Quyết đã lựa chọn hướng đi hoạt động phù hợp với nguồn lực của Trung tâm, bước đầu thu được những kết quả đáng ghi nhận.
Sau gần 6 năm triển khai, Trung tâm đã dần khẳng định vai trò của mình trong hoạt động trợ giúp người yếu thế trên địa bàn tỉnh. Dịch vụ CTXH của Trung tâm cung cấp cho hai nhóm đối tượng: Nhóm đối tượng được tiếp nhận, nuôi dưỡng dài hạn và Nhóm đối tượng tại cộng đồng (bao gồm cả dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp). Đối với cung cấp dịch vụ khẩn cấp, Trung tâm đã tiếp nhận thông tin, thực hiện hoạt động can thiệp, hỗ trợ cho hơn 100 trường hợp, bao gồm trẻ em bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị buôn bán, trẻ em lang thang, trẻ bị bỏ rơi, người bị bạo lực gia đình.
Các trường hợp đều được nhân viên CTXH tư vấn, hỗ trợ ổn định tâm lý, đưa đi khám chữa bệnh, cung cấp đồ dùng sinh hoạt và nơi ở an toàn trước khi bàn giao về gia đình. Nhiều trường hợp được kết nối tới các đơn vị cung cấp dịch vụ khác để được chuyển tuyến, trị liệu tâm lý, hỗ trợ sinh kế, chữa bệnh, học nghề.
Trung tâm đã kết nối tốt với các cơ quan, ban ngành liên quan cùng vào cuộc, đặc biệt trong việc can thiệp khẩn cấp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục. Cùng với đó, đến nay đã có hơn 600 đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đưa vào quản lý trường hợp tại cộng đồng, thụ hưởng dịch vụ, trong đó rất nhiều trường hợp ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Thông qua các hoạt động trợ giúp, nhiều đối tượng đã được hỗ trợ thụ hưởng chính sách, hỗ trợ làm thủ tục tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, chuyển gửi đến các trung tâm, dịch vụ xã hội khác phù hợp.
Để triển khai hoạt động này, nhân viên CTXH đã đến từng hộ gia đình thu thập thông tin, đánh giá vấn đề gặp phải, cùng gia đình xây dựng mục tiêu giải quyết vấn đề của họ và phối hợp với chính quyền địa phương, kết nối các nguồn lực của gia đình và bên ngoài cộng đồng để giúp đỡ đối tượng.
Hình ảnh đẹp tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội Yên Bái
Thống kê cho thấy, trong số những người được quản lý trường hợp, đã có hơn 200 đối tượng được trợ giúp thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội (trợ cấp cho người đơn thân, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt); 20 trường hợp người khuyết tật được kết nối giới thiệu học nghề, phục hồi chức năng, học văn hóa miễn phí; 45 trường hợp được hỗ trợ tiếp nhận nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm; hơn 30 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được kết nối tiếp nhận nuôi dưỡng tại Làng trẻ em SOS Thái Bình; 54 trẻ em được hỗ trợ khám sàng lọc khuyết tật miễn phí; 11 trẻ em được nhận bảo trợ hàng tháng tại cộng đồng từ các tổ chức cá nhân từ thiện với tổng số tiền 8 triệu đồng/tháng; 03 hộ gia đình được kết nối, hỗ trợ làm nhà mới. Nhiều trường hợp khác được kết nối hỗ trợ sinh kế; hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ y tế; cải thiện điều kiện sống, trợ giúp pháp lý...
Đặc biệt, năm 2017, Trung tâm đã hỗ trợ, kết nối cho 17 trẻ em được tiếp nhận phục hồi chức năng miễn phí tại Trung tâm Phục hồi chức năng Thụy An - Ba Vì - Hà Nội. Năm 2019, Trung tâm kết nối chuyển gửi 28 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải về nuôi dưỡng tại Làng trẻ SOS Thái Bình.
Nhiều trường hợp khác được kết nối tặng quà, nhu yếu phẩm thiết yếu. Đặc biệt, nhiều trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được kết nối bảo trợ hàng tháng với số tiền trung bình 500 ngàn đồng/trẻ, giúp các em có thêm chi phí học tập. Bên cạnh đó, 100% đối tượng được nhân viên CTXH tư vấn trực tiếp về chính sách cũng như hỗ trợ tâm lý, chia sẻ, động viên họ vững tin vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Để đối tượng tiếp cận dịch vụ CTXH của Trung tâm một cách thuận lợi; đặc biệt hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp, Trung tâm đã thiếp lập đường dây tư vấn miễn phí đầu số 18001776. Mỗi năm có hàng trăm cuộc tư vấn được thực hiện qua việc cung cấp thông tin về chế độ chính sách, tư vấn hỗ trợ tâm lý và các cuộc gọi báo tin về các trường hợp khẩn cấp cần sự giúp đỡ tại cộng đồng.
Những "bông hoa đẹp" trong đội ngũ những người làm công tác xã hội ở Yên Bái
Trung tâm hiện đang quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng gần 106 đối tượng yếu thế của tỉnh, bao gồm người cao tuổi cô đơn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người khuyết tật, người tâm thần lang thang.... Bằng việc mang đến những dịch vụ công tác xã hội tốt nhất để trợ giúp người yếu thế, Ban giám đốc cũng như đội ngũ viên chức, người lao động Trung tâm nhiệt thành và tâm huyết trong công việc. Trung tâm thực sự là “ngôi nhà chung” thanh bình, đầy ắp tình thương yêu cho những mảnh đời yếu thế trong xã hội.
Ông Ngô Thanh Giang – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái nhận định, các hoạt động của Trung tâm đã thực sự vào chiều sâu, hình thức đa dạng, phương thức tiếp cận với các đối tượng linh hoạt. Điều quan trọng là Trung tâm đã xác định rõ nhu cầu của các đối tượng yếu thế và hướng đến đáp ứng các nhu cầu đó; dần hình thành đội ngũ nhân viên CTXH có kỹ năng và tâm huyết, qua đó khẳng định ý nghĩa xã hội, ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong việc khơi dậy và phát huy khả năng, giúp người yếu thế vươn lên trong cuộc sống.
Để đạt được những kết quả đó, vai trò của nhân viên CTXH hết sức quan trọng, đòi hỏi có kỹ năng nghề nghiệp để từ đó tiếp cận đối tượng, có biện pháp tham vấn, can thiệp hiệu quả. Nhờ đa dạng hóa các phương thức, hình thức quản lý, hỗ trợ, Trung tâm không chỉ trực tiếp giúp đỡ các đối tượng yếu thế mà còn huy động được sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể trong nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội tại cộng đồng, qua đó khẳng định nghề CTXH đã dần phát huy hiệu quả tại Yên Bái. Trong đó phải kể đến vị “thuyền trưởng” Phạm Công Quyết./.
Theo laodongxahoi.net