Ngoài 70 trẻ em mồ côi được nuôi dưỡng tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh Lào Cai, hàng nghìn trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn đã được các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng.
Trẻ em vùng cao. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN) |
Khi được hỏi về ước mơ trong Đêm hội Trăng rằm, những đứa trẻ bình thường sẽ nói là muốn trở thành kỹ sư, bác sỹ, phi hành gia… Còn ước mơ của những em bé mồ côi đang được chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Lào Cai cũng vậy, nhưng có thêm “Được một lần gặp cha mẹ,” “Được mẹ ôm vào lòng”...
Mái ấm của những đứa trẻ không nơi nương tựa
Năm 2018, Trung tâm công tác xã hội tỉnh Lào Cai tiếp nhận 3 anh em ruột người dân tộc Mông, là trẻ mồ côi ở xã Lầu Thí Ngài, huyện Bắc Hà. Bố mất, mẹ bỏ đi, trước khi đến trung tâm, các em không có nơi nương tựa phải ngủ ở chuồng trâu, chuồng lợn.
Ở trung tâm, Hạng Seo Thắng, Hạng Thị Say, Hạng Seo Phòng sống trong mái nhà chung, có thêm nhiều bố mẹ, anh chị em, được đi học, được chăm lo từ bữa ăn giấc ngủ.
Người anh cả Hạng Seo Thắng chia sẻ em không hình dung được hình ảnh về bố mẹ mình. Từ bé, em đã sống cùng bà ngoại.
Khi ngoại mất, ba anh em được Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lào Cai nhận về nuôi và được đi học. Dù rất nhớ nhà nhưng Thắng không muốn về thăm quê, vì người thân chẳng có ai.
Tuy vậy, Thắng vẫn luôn khát khao tình cảm của người thân. Thắng nói, em thích bóng đá, ước mơ sẽ trở thành cầu thủ thật giỏi.
Sau này, nếu em trở thành cầu thủ nổi tiếng, em sẽ dễ tìm lại mẹ hơn, dù rằng mẹ đã bỏ ba anh em từ lâu rồi.
"Những đứa trẻ vào đây hầu hết đều mồ côi cha, mẹ, không có người nuôi dưỡng, không có một gia đình đúng nghĩa. Vì vậy, trách nhiệm của 33 cán bộ ở Trung tâm là từng ngày, từng giờ góp một phần sức lực cùng sự hỗ trợ của cộng đồng và chính quyền biến nơi đây thành mái nhà chung, một gia đình lớn, giúp các em xóa đi mặc cảm, tự tin trở thành những công dân có ích cho xã hội" - ông Vũ Văn Vinh, Giám đốc Trung tâm công tác xã hội tỉnh Lào Cai không giấu được sự xúc động khi nói về những đứa con của mình ở đây.
Năm tháng đi qua, có biết bao thế hệ trẻ ở Trung tâm được chăm sóc, nuôi dưỡng, trưởng thành.
Bố mẹ mất do tai nạn giao thông, 3 anh em Tráng A Lử, Tráng Thị Chủ và Tráng Thị Cú (Sín Chéng, Si Ma Cai) được Trung tâm nhận nuôi dưỡng từ năm 2006 khi các em mới đang học mẫu giáo.
Tại đây, các em đã nỗ lực học tập trở thành những người truyền cảm hứng không chỉ trong học tập mà còn ở ý chí tự lập, xây dựng và theo đuổi ước mơ cho các em khác tại trung tâm.
Bằng quyết tâm của mình, Tráng A Lử, Tráng Thị Chủ đỗ vào các trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Tráng Thị Cú với năng khiếu ngoại ngữ đặc biệt đã nhận được sự hỗ trợ từ Hiệp hội bảo vệ trẻ em (VAI) của Pháp về giáo dục đào tạo và cung cấp các khóa học trang bị kỹ năng sống. Sắp tới, Cú được Hiệp hội đưa sang Pháp để tiếp tục tham gia các hoạt động thiện nguyện của tổ chức.
11 năm công tác ở Trung tâm, chị Lò Thị Liên, cán bộ trung tâm, cho biết niềm vui của các anh chị em nơi đây là được chứng kiến từng bước trưởng thành của các con.
Từ những đứa bé mặc cảm nhút nhát, hay lì lợm gai góc vì thiếu vắng tình thương và sự chăm sóc của gia đình khi mới chân ướt chân ráo vào trung tâm, dần dần các con đều biết yêu thương đoàn kết, bao bọc lẫn nhau, tự lập và chín chắn hơn bạn bè đồng trang lứa.
Năm học 2018-2019, Trung tâm có 9/9 học sinh đỗ tốt nghiệp Trung học Phổ thông Quốc gia và trúng tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp. 65 cháu đang theo học phổ thông tại 3 cấp học, trong đó có 7 cháu đạt Học sinh giỏi, 16 cháu đạt học sinh tiên tiến.
Đặc biệt, 7 cháu đạt các giải Nhì, Ba, Khuyến khích các môn Toán, Lịch Sử, Văn học cấp tỉnh.
Đêm hội Trăng rằm - Tiếp sức em đến trường
Không chỉ là Tết Thiếu nhi. Trung thu còn là mùa đoàn viên, là mùa gia đình sum họp.
Đối với những đứa trẻ không gia đình ở Trung tâm này, dù gia đình không được tròn đầy viên mãn song các em vẫn nhận được sự quan tâm kịp thời, chu đáo từ các bố, các mẹ tại Trung tâm, các cơ quan đoàn thể của tỉnh, các tổ chức xã hội.
Trung thu năm nay mang niềm vui đến sớm hơn với trẻ mồ côi của Trung tâm khi các cháu có nhiều thành tích trong học tập và tu dưỡng nhận sự quan tâm, khích lệ của nhiều tổ chức xã hội và các cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai.
Chương trình "Đêm hội Trăng rằm - Tiếp sức em đến trường" do Đoàn Khối Cơ quan-Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai phối hợp với Trung tâm công tác xã hội tỉnh Lào Cai tổ chức đêm 10/9 đã mang đến nhiều niềm vui cho các em thiếu nhi đang sinh sống tại đây.
Tại chương trình, các em được nhiều phần quà từ các cơ quan và nhà hảo tâm với tổng trị giá hơn 50 triệu đồng, được tham gia các hoạt động văn nghệ đặc sắc như múa lân, trò chuyện với chú Cuội, chị Hằng, chơi trò chơi, phá cỗ trông trăng.
Em Giàng Thị Xúa (xã Hầu Thào, huyện Sa Pa) phấn khởi nói: "Trước đây, em chưa từng biết đến Tết Trung Thu hay Tết Thiếu nhi. Bố em mất sớm, mẹ bỏ em đi nơi đâu không biết. Năm nay, được đón Tết Trung Thu ở Trung tâm, em thấy vui hơn nhiều. Em mong ước Trung Thu nào cũng được phá cỗ và vui như năm nay. Mong cho các bạn ở khắp nơi đều được đón Tết của thiếu nhi như chúng em."
Ông Vũ Văn Vinh chia sẻ năm nào, Trung tâm cũng cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để cho các cháu được vui chơi và đón Tết Trung thu thật ý nghĩa, phấn khởi.
Điều khiến những cán bộ ở Trung tâm vui nhất là trong những năm qua, số trẻ phải vào Trung tâm càng ngày càng giảm. Điều đó chứng tỏ rằng, hệ thống an sinh xã hội tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang được thực hiện tốt, có chuyển biến tích cực.
Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em luôn được tỉnh Lào Cai quan tâm thực hiện. Ngoài 70 trẻ em mồ côi được nuôi dưỡng tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh Lào Cai, hàng nghìn trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn đã được các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng đến khi học hết Trung học Phổ thông từ cuộc vận động “ Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai phát động.
Để công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em trên địa bàn đi vào chiều sâu, tỉnh Lào Cai đã ban hành, triển khai nhiều kế hoạch, chương trình hành động liên quan đến trẻ em.
Bên cạnh đó, Lào Cai khuyến khích chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị trực tiếp làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời, tích cực huy động các nguồn lực và phát huy vai trò của cộng đồng xã hội trong việc chung tay thực hiện công tác này. Nhờ đó, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã có sức lan tỏa và hiệu quả hơn.
Với sự chung tay góp sức của toàn xã hội, Lào Cai đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu trong chương trình hành động vì trẻ em.
Đa số trẻ em có khuyết tật được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi và có cơ hội phát triển, nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được can thiệp, giúp đỡ kịp thời. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm xuống còn 4,5%./.