Đó là kết luận được đưa ra sau chương trình khảo sát về thực trạng việc làm của những NKT đang làm việc tại 15 tỉnh, thành phố, đại diện cho các khu vực trong cả nước. 

Ông Nguyễn Trọng Đàm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội trình bày báo cáo kết quả cuộc khảo sát

Năm 2021, nhằm góp phần vào thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu “đến năm 2030, cả nước hỗ trợ 300 ngàn NKT còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm” của Đề án “Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030”, Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam đã tiến hành một cuộc khảo sát về thực trạng việc làm của những NKT đang làm việc tại 15 tỉnh, thành phố, đại diện cho các khu vực trong cả nước. Báo cáo kết quả cuộc khảo sát, ông Nguyễn Trọng Đàm – Phó Chủ tịch Trung ương Hội cho biết: Cuộc khảo sát tập trung vào tình trạng việc làm, thu nhập, các chế độ đãi ngộ tại nơi làm việc, BHXH, điều kiện làm việc, kênh giới thiệu việc làm của NKT tại cộng đồng và việc tiếp cận, thụ hưởng và đánh giá các chính sách về dạy nghề, tạo việc làm cho NKT.

Qua đánh giá phiếu khảo sát từ 1.500 NKT cho thấy, trình độ học vấn của NKT nhìn chung thấp, hơn 70% số người được khảo sát có học vấn từ bậc THCS trở xuống, số NKT vận động đang làm việc chiếm tỷ lệ cao nhất, những người đang làm việc chủ yếu là khuyết tật nặng và khuyết tật nhẹ, tuy nhiên cũng có tới 13,5% người đang làm việc được khảo sát có khuyết tật đặc biệt nặng. Đại bộ phận NKT đang làm việc đều trong độ tuổi lao động, song vẫn có tới 14,2% NKT trên 60 tuổi vẫn đang làm việc. Phần lớn công việc của NKT không ổn định do nhiều lý do khác nhau (67%). NKT tìm được việc làm chủ yếu do người thân, gia đình, bạn bè tìm hộ (60,6%), qua Trung tâm dịch vụ việc làm rất ít, chỉ có 6% .

Thu nhập bình quân của NKT đạt 3,5 triệu đồng, tuy chỉ bằng khoảng 50% thu nhập bình quân của người lao động bình thường nhưng đó cũng là nguồn thu nhập quan trọng để NKT đảm bảo cuộc sống. Về chế độ BHXH, chỉ có 11,2% NKT được khảo sát đang tham gia BHXH bắt buộc, 5,13% tham gia BHXH tự nguyện, một tỷ lệ quá thấp, nhất là BHXH tự nguyện, loại BH phù hợp với tính chất công việc đang làm của NKT. Nhu cầu được vay vốn để tạo thêm việc làm và để có việc làm ổn định của NKT khá lớn, có tới 68,2% số người đang làm việc được khảo sát có nhu cầu được vay vốn NHCSXH từ nguồn cho vay việc làm hoặc cho vay hộ nghèo. Có đến 96,8% số người được hỏi kiến nghị Nhà nước nên tăng ngân sách cho chương trình cho vay ưu đãi giải quyết việc làm qua NHCSXH để NKT có cơ hội được vay vốn tự tạo việc làm.

Từ kết quả thu được tại cuộc khảo sát, để thúc đẩy chương trình tạo việc làm cho NKT, Hội Bảo trợ NKT và TMC đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện Luật pháp, chính sách đối với NKT, quán triệt đầy đủ và nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 5/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó trước hết ưu tiên cho mục tiêu hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho NKT. Chính phủ cần tăng thêm ngân sách Chương trình cho vay ưu đãi tạo việc làm, tiếp tục chỉ đạo để các địa phương quan tâm hàng năm dành một khoản ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay Chương trình việc làm. Đối với Ngân hàng CSXH cần nghiên cứu để có cơ chế cho vay, quy định về hồ sơ thủ tục xét duyệt cho vay phù hợp với NKT. Nên giao cho các tổ chức được ủy thác tại cấp xã xét duyệt cho NKT vay như đối với hộ nghèo vì thực tế nhiều người khuyết tật rất khó khăn nếu phải trực tiếp đi lên Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để nộp hồ sơ và giao dịch để vay vốn. Trung ương Hội đề nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp tiến hành rà soát, tổng kết, đánh giá lại một số chính sách, cơ chế hỗ trợ dạy nghề cho NKT hiện hành nhất là cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở SXKD tạo việc làm cho NKT có dạy nghề, kèm nghề cho NKT trước khi làm việc. Đây là mô hình tạo việc làm chủ yếu và hiệu quả nhất cho NKT hiện nay nhưng nhiều cơ sở chưa nhận được sự hỗ trợ của nhà nước do thiếu các điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định…

Dung Nhi

Tin liên quan