Gõ từ khóa “thực trạng xâm hại trẻ em” trên Google, trong 0,43 giây có 9.940.000 kết quả - một con số biết nói! Gần 10 nghìn kết quả là biết bao câu chuyện về những đứa trẻ bị bỏ đói, bị hãm hiếp, bị kỳ thị... Bênh vực, bảo vệ các em cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội, trong đó có các bạn sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội.  

Xâm hại, bạo hành trẻ em vẫn còn nhức nhối

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn “Công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em” (ngày 20 tháng 2 năm 1990). Bên cạnh Công ước, chính phủ Việt Nam còn ban hành Luật trẻ em (Luật số: 102/2016/QH13) thay thế cho Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 (Số: 25/2004/QH11) và Việt Nam cũng có Ủy ban quốc gia về trẻ em.

Không thể phủ nhận việc bảo vệ chăm sóc trẻ em những năm qua đã có nhiều tiến bộ, như việc ra đời Tổng đài điện thoại bảo vệ trẻ em 111 đã chính thức được kết nối trên cả nước để tiếp nhận tất cả các thông tin tố giác hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em. Tổng đài có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh thông tin tố giác và kịp thời có biện pháp can thiệp bảo vệ trẻ em. Nhờ đó, nhiều vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em đã được xử lý kịp thời. Những vụ án Thủy Vũng Tàu, chuyện Viện phó viện kiểm sát- Linh “nựng” đã được pháp luật trừng trị thích đáng.

Nhưng có phải việc trẻ em bị xâm hại đã hết? Ngay trong tháng 12 này tại khu đô thị Cifutra (Hà Nội) một cháu bé đã bị đánh đến chấn động não chỉ vì nghi ăn trộm chiếc vợt cầu lông! Một đứa trẻ ở đô thị, ở giữa Thủ Đô còn bị bạo lực.. thì trách sao đứa trẻ khuyết tật bị đánh đập, bị dọa chém như ở Trung tâm chăm sóc trẻ tự kỷ Tâm Việt, trách sao những đứa trẻ khuyết tật lang thang cơ nhỡ nơi lề đường tưởng được vào Trung tâm chăm sóc là được nương nhờ thân phận mà đâu biết đã sa vào bàn tay của quỷ râu xanh… Thử hỏi, nếu không có sức mạnh truyền thông những vụ việc như trên liệu có được phanh phui và ai sẽ là người bảo vệ các em?

Chính Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cũng từng cho biết “Vừa rồi, tôi có đi kiểm tra cùng một số đoàn, 2/3 số phụ nữ, trẻ em bị xâm hại là không được trợ giúp, khi được hỏi vì sao không được trợ giúp thì chính quyền xã nói là không nắm được”. Vì sao không nắm được? Khi những đứa trẻ bị bắt nạt, bị xâm hại… nếu chúng có nói thì vẫn bị cho là “Ông ấy, chú ấy đùa yêu(!) thậm chí còn lớn tiếng “Trẻ con đừng làm mất lòng người lớn” hoặc giả gia đình có biết cũng chưa dám lên tiếng.

Chung tay cùng bảo vệ trẻ em

Trăn trở với vấn đề bảo vệ trẻ em, với mong muốn chung tay cùng các cơ quan chức năng, cùng cộng đồng ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, một số sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội đã kiến nghị nhà trường cho phép thành lập nên Câu lạc bộ Công lý vì trẻ em. Câu lạc bộ có sự tham gia cố vấn của các thành viên trong BGH trường Đại học Luật Hà Nội và đặc biệt của Tiến sỹ Đào Lệ Thu - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu so sánh Luật công (Viện Luật so sánh- Trường Đại học Luật Hà Nội) người đã tham gia rất nhiều các dự án về trẻ em như “Tư pháp đối với người chưa thành niên – Chuẩn mực pháp lý quốc tế, kinh nghiệm của nước ngoài và những đề xuất đối với hệ thống tư pháp người chưa thành niên của Việt Nam” (Dự án do UNICEF phối hợp với Bộ Tư pháp Việt Nam).

CLB “Công lý vì trẻ em” đã ra đời tháng 6 năm 2019 hoạt động hoàn toàn tự nguyện và phi lợi nhuận vì sự tiến bộ chung của xã hội. Câu lạc bộ tập hợp các thành viên ưu tú nhất trong các khóa sinh viên hệ chính quy đang học tập tại nhà trường, nhằm duy trì, phát triển các các hoạt động về nhân quyền, bảo vệ trẻ em. CLB công lý vì trẻ em mong muốn sẽ góp phần phát huy vai trò của cộng đồng xã hội, đặc biệt là giới trẻ trong việc bảo vệ trẻ em, thôi thúc tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực giải quyết các vấn đề xã hội về trẻ em của các bạn sinh viên.

Em Nguyễn Thế Nghiệp chủ nhiệm CLB cho rằng “Thái độ của cộng đồng và xã hội về trẻ em khuyết tật còn sai lệch, kì thị khiến cho trẻ em không được sống trong một môi trường có sự kết nối và hỗ trợ về mặt cảm xúc. Các thành viên trong CLB chúng em hy vọng rằng, nhà nước sẽ có thêm nhiều chính sách phúc lợi xã hội để đảm bảo các nhu cầu sông hằng ngày của các em. Bên cạnh đó, pháp luật đặt ra chế tài xử lí nghiêm khắc đối với hành vi xâm hại quyền của  người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng.”

Với sự hoạt động rất tích cực cho đến nay CLB “Công lý vì trẻ em” đã có 90 thành viên không chỉ là sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội mà cả các anh chị sinh viên đã tốt nghiệp và các chuyên gia về từng lĩnh vực quyền của người khuyết tật.

Theo tiến sỹ Đào Lệ Thu “Người khuyết tật là người phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Trẻ em khuyết tật có lẽ còn phải chịu nhiều khó khăn hơn cả khi sinh ra đã không có đủ điều kiện để được sống, học tập như người không có khuyết tật. Vì thế mà các em rất dễ bị tổn thương, đặc biệt là về mặt tinh thần.” Việc thực thi công lý cho trẻ em khuyết tật là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nhận thức và chung tay của toàn cộng đồng xã hội. Tinh thần tự nguyện và sự chủ động, tích cực của CLB Công lý vì trẻ em hy vọng sẽ tiếp thêm động lực và đóng góp hiệu quả vào quá trình đó, cùng hành động vì sự bình đẳng, hoà nhập của trẻ em khuyết tật.

Nam Trần

 

Tin liên quan