Với những chiếc xe lăn 'made in sinh viên', người sử dụng sẽ được sở hữu với giá thành rẻ hơn nhiều lần so với các dòng xe lăn điện hiện có trên thị trường.

Nhóm sinh viên ngành Tự động hóa Trường đại học Lạc Hồng giới thiệu sản phẩm xe lăn điện tại cuộc thi EPICS. Ảnh: NVCC
Nhóm sinh viên ngành Tự động hóa Trường đại học Lạc Hồng giới thiệu sản phẩm xe lăn điện tại cuộc thi EPICS. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, khi sử dụng những chiếc xe lăn điện hàng nội địa này, người dùng cũng sẽ dễ dàng thay thế, sửa chữa với chi phí thấp…

* Xe lăn điện giá rẻ cho người khuyết tật

Hiện nay, các dòng sản phẩm xe lăn điện không còn xa lạ trên thị trường. Với những người khuyết tật, người già cần sử dụng xe lăn thì đây là sản phẩm vô cùng quan trọng, tiện lợi. Khi sở hữu một chiếc xe lăn điện, người dùng có thể tự mình di chuyển mà không cần đến sự trợ giúp của người thân. Việc di chuyển bằng xe lăn điện cũng giúp người dùng tránh được các bệnh lý về tay, vai… so với dùng xe lăn bằng tay.

Cuộc thi EPICS do Dự án USAID BUILD-IT và Chương trình STEM của Công ty DOW Việt Nam tổ chức. EPICS là một hoạt động đào tạo phương pháp thiết kế dự án kỹ thuật, trong đó kết quả của nó được đánh giá bằng một cuộc thi. Năm nay, cuộc thi thu hút sự tham gia của 180 sinh viên đến từ 6 trường đại học. Vòng chung kết của cuộc thi được tổ chức tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM với 35 dự án.

Tuy vậy, không phải ai cũng có cơ hội mua được xe lăn điện bởi dòng sản phẩm này có giá thành khá cao. Những người khuyết tật thuộc diện khó khăn lại càng không thể tiếp cận “đôi chân thứ 2” này. Làm thế nào để sản xuất được những chiếc xe lăn điện có giá thành thấp và tận dụng được nguồn xe lăn truyền thống bị dư thừa nhằm hỗ trợ cho cộng đồng? Đó là câu hỏi mà nhóm sinh viên ngành Tự động hóa Trường đại học Lạc Hồng đặt ra. Sau nhiều tháng nghiên cứu, cuối cùng nhóm hoàn thành được sản phẩm xe lăn điện và xuất sắc giành giải nhất cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (Engineering Projects in Community Service - EPICS).

Sinh viên Bùi Thị Diễm, thành viên nhóm dự án cho biết: “Hiện tại, chi phí mua 1 chiếc xe lăn điện trên thị trường khá cao. Những người có túi tiền eo hẹp sẽ khó tiếp cận được sản phẩm này. Trong trường hợp họ mua được xe lăn điện thì chiếc xe lăn bằng tay sẽ bị “gác xó”, như vậy rất lãng phí. Vì vậy, nhóm muốn biến những xe lăn dư thừa này thành các xe lăn điện giá rẻ, có chức năng tương đương với các dòng xe lăn điện trên thị trường để những người khó khăn cũng có thể mua được xe lăn điện”.

Theo đó, với chiếc xe lăn có sẵn, nhóm thiết kế thêm 2 động cơ và các cơ cấu lấy tín hiệu từ phía trên tay cầm điều khiển xuống bộ xử lý để điều khiển động cơ theo ý muốn của người sử dụng. Bộ điều khiển có 2 chế độ: sử dụng cần điều khiển (Joystick), điều khiển bằng cử chỉ nghiêng của đầu.

Năng lượng của xe được lấy từ 1 bình ắc-quy đặt ở dưới chỗ ngồi. Ngoài ra, nhóm còn gắn thêm 1 tấm pin năng lượng mặt trời vừa dùng để tích năng lượng giúp xe di chuyển được xa hơn, đồng thời làm mái che cho người dùng.

Theo tính toán của nhóm, giá thành khởi điểm của chiếc xe lăn điện này ở mức từ 3,5-5 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với các dòng xe lăn hiện có trên thị trường.  Ngoài đáp ứng yêu cầu sử dụng cho người già, người khuyết tật, dòng xe lăn điện này cũng phù hợp sử dụng trong các bệnh viện nhằm trợ sức cho các điều dưỡng, hộ lý khi phải đẩy bệnh nhân hằng ngày.

* Cải tiến sản phẩm để khởi nghiệp

Trở về từ cuộc thi EPICS, nhóm đã nhận được sự hỗ trợ của các giảng viên ngành Quản trị kinh doanh nhằm thương mại hóa sản phẩm.

 “Chúng em là những người thuần kỹ thuật, chỉ biết làm sao để có sản phẩm tốt chứ không có kiến thức kinh doanh, không biết cách để tiếp cận thị trường. Vì vậy, các thầy cô của ngành Quản trị kinh doanh sẽ hỗ trợ để chúng em biết cách nhận diện thị trường, thử sản phẩm… Nhóm đã quyết định sẽ khởi nghiệp với sản phẩm xe lăn điện này. Trước tiên, chúng em sẽ tham gia cuộc thi MEP  (Maker to Entrepreneur Program) - từ nhà sáng tạo đến khởi nghiệp. Với việc tham gia cuộc thi này, nhóm sẽ học được cách làm thế nào để đưa sản phẩm sáng tạo ra thị trường” - Đinh Tuấn Anh, trưởng nhóm sáng chế xe lăn điện cho biết.

Hiện tại, nhóm đang tiếp tục nghiên cứu, cải tiến sản phẩm để tham gia cuộc thi MEP, đồng thời chuẩn bị cho việc khởi nghiệp. Các sinh viên này sẽ cải tiến xe lăn theo dạng module nhằm giúp người mua dễ dàng sử dụng, tháo lắp.

“Nếu ở nhà bạn đã có một xe lăn tay thì bạn chỉ cần mua module động cơ về và lắp ráp theo hướng dẫn. Chỉ sau 20-30 phút vặn ốc vít là bạn có thể biến chiếc xe lăn tay thành xe lăn điện, thay vì phải bỏ tiền để mua một chiếc xe lăn điện mới và vứt xó chiếc xe lăn cũ” - Vương Thị Mỹ Hân, thành viên nhóm cho hay.

Trần Trọng Bằng, thành viên nhóm chia sẻ: “Cuộc thi EPICS cho em cũng như cả nhóm rất nhiều trải nghiệm quý giá. Về mặt thực tiễn, cuộc thi giúp chúng em nhìn thấy nhiều vấn đề cần giải quyết, tìm ra các hướng phát triển sản phẩm để phù hợp với nhu cầu của người dùng”.

Với hướng đi đó, dòng sản phẩm chủ lực của nhóm sẽ là các module để “hô biến” xe lăn tay thành xe lăn điện. Như vậy, khách hàng sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí hơn so với mua một chiếc xe lăn điện hoàn toàn mới.

Đầu tư phòng làm việc riêng

Để thuận tiện cho việc nghiên cứu, gia công các sản phẩm kỹ thuật, nhóm sinh viên trên đã tìm thuê căn phòng rộng khoảng 60m2 với giá 2,5 triệu đồng/tháng. Chi phí thuê phòng chủ yếu được các thành viên của nhóm tự nguyện đóng góp một phần thu nhập từ việc làm thêm. Một phần tiền thưởng từ cuộc thi EPICS được nhóm trích để chi trả tiền phòng.

Theo baodongnai.com.vn

Tin liên quan