Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam vừa công bố gói hỗ trợ tài chính trị giá khoảng 9 triệu USD cho các dự án hợp tác phát triển với Việt Nam, bao gồm các dự án rà phá bom mìn, hỗ trợ người khuyết tật và viện trợ nhân đạo. Tỉnh Quảng Trị là một trong các địa phương thụ hưởng dự án.

Ngày 1/9/2021, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam và Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET - thuộc Bộ Quốc phòng) đã tổ chức lễ công bố các dự án hỗ trợ người khuyết tật (NKT) tỉnh Quảng Trị, thông qua Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số (CCIHP) và Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC).

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên buỗi lễ được thực hiện theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của các bên tại các đầu cầu khác nhau.

Quang cảnh buổi ễ công bố tài trợ của USAID cho các dự án hỗ trợ người khuyết tật tại tỉnh Quảng Trị, ngày 1/9/2021
Quang cảnh buổi lễ công bố tài trợ của USAID cho các dự án hỗ trợ người khuyết tật tại tỉnh Quảng Trị được thực hiện theo hình thức trực tuyến ngày 1/9/2021. Ảnh: CCIHP

Theo đó, hai dự án được USAID tài trợ thực hiện tại Quảng Trị lần này gồm: dự án Hòa nhập - I và dự án (RVCO-II).

Cụ thể, dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất độc da cam” (gọi tắt là Dự án Hòa nhập - I) sẽ do CCIHP thực hiện với sự tham gia quản lý của cơ quan chủ quản phía Việt Nam là NACCET.

Dự án này sẽ được thực hiện tại 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam với mục tiêu mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng, cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của NKT; mở rộng dịch vụ xã hội, tăng cường hỗ trợ hòa nhập xã hội và triển khai hỗ trợ trực tiếp giúp tăng cường chất lượng sống của NKT; cải thiện chính sách, cải thiện thái độ công chúng, giảm thiểu các rào cản, đảm bảo hòa nhập xã hội của NKT. Dự án được thực hiện từ năm 2021-2026, trong đó giai đoạn 1 từ năm 2021 đến tháng 12/2022 với tổng ngân sách cho giai đoạn này là 6,9 triệu USD.

Với dự án RVCO-II thì thời gian thực hiện sẽ từ sẽ từ năm 2021 đến 2024 và được triển khai tại 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam với tổng kinh phí khoảng 2 triệu USD. Dự án có mục tiêu nhằm chuẩn hóa và cải thiện các chính sách cho NKT, cải thiện năng lực thực thi chính sách liên quan đến NKT của địa phương. Các kết quả đạt được sẽ góp phần sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật hiện hành nhằm hỗ trợ tốt hơn cho NKT sống độc lập và hòa nhập xã hội. Dự án này sẽ do ACDC thực hiện và cơ quan chủ quản phía Việt Nam là Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam.

Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam
Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam. Ảnh: VOV World

Phát biểu tại buổi lễ, bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID đánh giá cao sự lãnh đạo và hợp tác hiệu quả của chính quyền và các ban ngành tại tỉnh Quảng Trị trong các dự án hợp tác giữa hai nước từ trước đến nay. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác giữa USAID và NACCET trong Chương trình hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải chất da cam, trong đó có dự án Hòa nhập-I.

“Với dự án RVCO-II, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác, tạo ra những thay đổi tích cực về nhận thức và thái độ về NKT, tăng cường năng lực cho các tổ chức và cải thiện chính sách để xóa bỏ rào cản đối với sự hòa nhập của NKT”, bà Ann Marie Yastishock kỳ vọng.

Tiến sỹ Trần Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc NACCET cho biết, dự án Hòa nhập - I đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 1276/QĐ-TTg ngày 20/7/2021. Tổng số vốn tài trợ cho dự án này lên đến 65 triệu USD, trong đó, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 75 tỷ đồng.

Lễ công bố trực tuyến dự án dành cho NKT tại đầu cầu Quảng Trị. Ảnh: Minh Trang/VGP
Lễ công bố trực tuyến dự án dành cho NKT tại đầu cầu Quảng Trị. Ảnh: Minh Trang/VGP

Ông Trần Hùng Minh, Giám đốc CCIHP, một trong những tổ chức được lựa chọn tham gia triển khai dự án, tin tưởng rằng, với chuyên môn và kinh nghiệm lâu dài trong việc hỗ trợ các nhóm yếu thế trong cộng đồng, CCIHP sẽ đóng góp đáng kể vào việc nâng cao chất lượng sống của người khuyết tật, góp phần tạo ra một môi trường thân thiện, hòa nhập cho người khuyết tật tại tỉnh Quảng Trị nói riêng và tại ba tỉnh dự án nói chung.

Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam đề nghị các tổ chức đối tác triển khai dự án tại Quảng Trị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của tỉnh để đảm bảo đạt được mục tiêu dự án đề ra, đáp ứng nhu cầu của địa phương và yêu cầu của nhà tài trợ. Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cũng cam kết sẽ cùng đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án triển khai có hiệu quả tại địa phương

“Việc tổ chức Lễ công bố trực tuyến các dự án hỗ trợ cho người khuyết tật do USAID tài trợ có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris vừa kết thúc tốt đẹp, tiếp tục làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới”, ông Hoàng Nam phát biểu.

USAID hỗ trợ cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Ảnh: VOV World
USAID hỗ trợ cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Ảnh: VOV World
Theo USAID, từ năm 1989 đến nay, chính phủ Hoa Kỳ đã đóng góp hơn 125 triệu đô la cho các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam. Kể từ năm 1989, với việc thành lập Quỹ Nạn nhân Chiến tranh Patrick Leahy của USAID, tổ chức này đã nỗ lực mở rộng phạm vi bao phủ và khả năng tiếp cận tới nhiều chương trình hỗ trợ khác nhau đem lại lợi ích cho NKT ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột.
USAID hỗ trợ dịch vụ phục hồi chức năng tại Bình Phước. Nguyễn Thạc Phương/USAID
USAID hỗ trợ dịch vụ phục hồi chức năng tại tỉnh Bình Phước. Ảnh: Nguyễn Thạc Phương/USAID

Tại Việt Nam, sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đã giúp nâng cao chất lượng sống cho NKT bằng cách giải quyết các nhu cầu về y tế và xã hội, cải thiện chính sách về NKT và giảm thiểu các rào cản xã hội và môi trường.

USAID Việt Nam hiện đang tập trung hỗ trợ cung cấp các dịch vụ cho NKT nặng ở những khu vực bị phun rải nặng chất da cam. Các dự án được triển khai được xem như là một phần trong những nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ nhằm khắc phục hậu quả từ cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Theo thoidai.com.vn

Tin liên quan