"Khuyết" - dự án chụp ảnh nghệ thuật về người khuyết tật và đăng tải trên mạng xã hội đã được các sinh viên đến từ chuyên ngành giáo dục đặc biệt (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) khởi xướng từ tháng 10-2021, nơi tôn vinh vẻ đẹp của người khuyết tật.

Tôn vinh vẻ đẹp khiếm khuyết - Ảnh 1.

Chị Trần Ngọc Anh Thư, họa sĩ tự do, hướng dẫn workshop vẽ tranh dành cho cộng đồng do dự án “Khuyết” tổ chức - Ảnh: B.MINH

Từ ý tưởng đơn sơ ban đầu, giờ đây những người trẻ sáng lập nên "Khuyết" đang ngày ngày vun đắp cho hành trình lan tỏa yêu thương và nâng cao nhận thức về người khuyết tật thông qua nhiều hoạt động hơn trong cộng đồng.

Vẻ đẹp của nghị lực sống

Nguyễn Ngọc Thùy Anh, người sáng lập dự án "Khuyết", cho biết cơ duyên trở thành sinh viên chuyên ngành giáo dục đặc biệt, được đào tạo để dạy học cho trẻ em khuyết tật, khiếm thị, khiếm thính... đã giúp cô gặp được nhiều tấm gương khuyết tật vượt khó trong quá trình học tập tại trường.

"Dù có những khiếm khuyết gây cản trở trong cuộc sống, các anh chị vẫn đến trường đều đặn, được tuyên dương trong nhiều hoạt động. Nghị lực ấy khiến mình cảm phục, và là động lực để mình làm nên dự án nhằm lan tỏa vẻ đẹp của nghị lực này đến cộng đồng", cô nói.

Với mỗi bộ ảnh, mỗi nhân vật khuyết tật mà Thùy Anh và các thành viên của dự án tiếp xúc, họ đều được nghe những câu chuyện về ý chí, về niềm tin và về nỗ lực dù trải qua hoàn cảnh không may mắn.

Đó là Thanh Nhi, sinh viên năm 2 chuyên ngành giáo dục đặc biệt, vượt qua trở ngại khiếm thị để đến trường, tự lo cho cuộc sống của bản thân. Là Thu Thủy, cô gái bị khiếm khuyết đôi chân nhưng vẫn luôn nở nụ cười thật tươi trên môi. Là Miyuki Kobayashi, cô bạn người Nhật bị khiếm khuyết đôi tay nhưng trở thành thủ khoa đầu vào của Đại học Mỹ thuật TP.HCM...

Từ một dự án chỉ với hai thành viên sáng lập ban đầu là Thùy Anh và Phạm Mai Gia Hân, đến nay "Khuyết" thu hút thành viên đến từ các trường đại học khác như Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Đại học Đồng Nai, Cao đẳng FPT... và cả sự hỗ trợ từ các giáo viên thuộc khoa giáo dục đặc biệt tại Đại học Sư phạm TP.HCM.

"Khi khởi động dự án, tụi mình có tìm đến xin ý kiến từ các giảng viên trong khoa. Khi trình bày ý tưởng, nhóm may mắn được các thầy cô ủng hộ rất nhiều vì ý nghĩa của dự án. Chính các thầy cô là người góp phần không nhỏ trong quá trình truyền thông, chia sẻ dự án đến cộng đồng", Thùy Anh nói.

Tụi mình sẽ vẫn tiếp tục hành trình lan tỏa và nâng cao nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật. Hy vọng qua dự án "Khuyết", các bạn kém may mắn vì khiếm khuyết có thể tự tin hơn, suy nghĩ tích cực và hòa nhập với cộng đồng tốt hơn.

NGUYỄN NGỌC THÙY ANH

Ai cũng có những khiếm khuyết

"Bản thân mình cũng trải qua nhiều tổn thương trong cuộc sống. Có lẽ nhờ vậy, mình trở nên nhạy cảm hơn và có thể hiểu được nỗi đau của những người xung quanh. Với mình, dự án "Khuyết" không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của người khuyết tật, mà còn giúp chữa lành cho chính bản thân mình", Thùy Anh tâm sự.

Trong quá trình xây dựng và phát triển "Khuyết", cô bạn sinh năm 2002 càng nhận ra mỗi người đều có những khác biệt, những khuyết điểm, và điều xứng đáng được trân trọng chính là cách họ toát lên vẻ đẹp rất riêng, vẫn nỗ lực bước tiếp trên hành trình họ đã chọn.

"Ngay cả mỗi thành viên của "Khuyết" đều có những khoảng lặng riêng. Mình đã không tránh khỏi những nỗi sợ và hoang mang khi thực hiện dự án đầu tay, nhưng với cả nhóm, mỗi khó khăn chính là cơ hội để tụi mình nhìn lại bản thân và cải thiện chính mình", cô chia sẻ.

Với tôn chỉ "đẹp theo cách riêng", mỗi bộ ảnh mà dự án thực hiện, các thành viên đều chăm chút tỉ mỉ từ cách chọn trang phục, nắm bắt khoảnh khắc tự nhiên của nhân vật, cho đến hỗ trợ nhân vật tạo dáng. Tất cả đều được nhóm bạn trẻ làm bằng sự trân trọng, yêu thương và thấu cảm mà họ dành cho người khuyết tật.

"Tụi mình có nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là để sử dụng bộ ảnh một cách tự do. Chủ đề người khuyết tật vẫn có những yếu tố nhạy cảm riêng. Phần khác, còn có sự quản lý của mái ấm hoặc gia đình không đồng ý. Có những trường hợp tụi mình phải thuyết phục người nhà rất lâu mới được phép chụp ảnh nhân vật", Thùy Anh cho hay.

"Dù vậy, tụi mình vẫn sẽ tiếp tục hành trình lan tỏa và nâng cao nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật. Mình cũng mong rằng dự án sẽ giúp các bạn kém may mắn vì khiếm khuyết có thể tự tin hơn, suy nghĩ tích cực và hòa nhập với cộng đồng tốt hơn", cô nói.

Theo tuoitre.vn

Tin liên quan