11 quyển sách hay về khuyết tật kể về những con người phi thường, không may khuyết tật nhưng vẫn đương đầu với số phận, luôn giữ vững tinh thần lạc quan, tình yêu cuộc sống và nghị lực sống mãnh liệt.
Câu Hỏi To – Câu Hỏi Bé: Tại Sao Em Quan Tâm Người Khuyết Tật
- Thế nào là người khuyết tật?
- Liệu có nhận ra được tất cả những người khuyết tật?
- Ai liên quan đến người khuyết tật?
- Em có thể đến trường cùng với người khuyết tật?
- Người khuyết tật có siêu quyền năng không?
Một tập sách không thể thiếu để thay đổi cách nhìn của bạn về người khác và sống chung với họ trong cùng một xã hội.
Tụng Ca Về Sự Khiếm Khuyết
Truyện kể lại 1 hành trinh nội tại, 1 cuộc chuyển hướng sang triết học. Tác giả là người khuyết tật từ khi vừa sinh ra.
Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác
Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác là một cuốn hồi ký thuật lại hành trình trưởng thành của Lư Tô Vỹ, một hành trình kỳ diệu nhất mà cũng chân thực nhất.
Cuộc đời của Lư Tô Vỹ được thuật lại qua những dòng hồi ức của chính ông, với những câu chuyện hoàn toàn có thực, hoàn toàn gần gũi và đời thường như cuộc đời bao người khác, không lãng mạn hóa, không hoàn hảo hóa.
Từ một cậu bé không may mắc phải căn bệnh viêm não Nhật Bản dẫn đến bị bại não và chỉ số IQ chỉ còn 70 vươn lên trở thành một thiên tài sở hữu 500 phát minh, tác giả của hơn 50 đầu sách nổi tiếng về giáo dục, một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực khai thác và phát triển năng lực tiềm ẩn, cuộc đời của Lư Tô Vỹ quả thực là một cuộc đời kỳ diệu!
Trong suốt những năm ấu thơ bị mọi người cho là thiểu năng, là kẻ ngốc, Lư Tô Vỹ vẫn luôn tin rằng mình là một người thông minh. Niềm tin đó chính là “báu vật” được truyền lại từ cha ông, người cha mà dù cho ông chỉ đạt 0 điểm cũng lạc quan cho rằng có điểm là tốt rồi và khi ông được 1 điểm thì ngay lập tức reo mừng xúc động. “Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác”, câu nói này của cha đã giúp Lư Tô Vỹ luôn tin vào bản thân và không ngừng nỗ lực.
Nhà May Mắn – Một Tương Lai Cho Những Người Thiếu May Mắn
Câu chuyện bắt đầu khi cô vừa bước sang tuổi 20. Trong một chuyến du lịch vòng quanh thế giới, cô đã gặp một bé trai mồ côi đang cận kề cái chết tại một hẻm nhỏ. Cô quyết định phải cứu sống em. Cuộc gặp gỡ với em là khởi đầu cho một hành trình dài. Tim mua một ngôi nhà nhỏ để cưu mang trẻ em đường phố và người khuyết tật.
Để giúp đỡ những người kém may mắn này, cô đã xây dựng một trường học và một trung tâm học nghề. Sau đó là Làng May Mắn, nơi ở phù hợp cho người khuyết tật đầu tiên tại Việt Nam. Sự tương hỗ giữa những người khuyết tật và người khỏe mạnh đã giúp duy trì mọi hoạt động nơi đây.
Cuộc Sống Không Giới Hạn – Câu Chuyện Diệu Kỳ Của Chàng Trai Đặc Biệt Nhất Hành Tinh
Nick sinh ra mắc hội chứng Tetra-amelia bẩm sinh, một rối loạn gene hiếm gặp gây ra sự thiếu hụt chân, tay. Điều đó đồng nghĩa với việc anh có rất ít hy vọng để sống một cuộc đời bình thường. Người mẹ và người cha thân yêu của anh lần đầu nhìn thấy con trai đã sốc kinh khủng. Sự ra đời của Nick đã làm chao đảo cả cuộc sống của một gia đình trẻ. Họ khó có thể chấp nhận được sự thật đau lòng về đứa con bé bỏng; không chỉ vô cùng đau khổ, họ còn hết sức lo lắng cho tương lai của con trai.
Lớn lên, bắt đầu ý thức về thân phận của mình cũng là lúc Nick chỉ muốn biến mất khỏi cuộc sống. Như anh từng tâm sự: “Hoàn cảnh nghiệt ngã tưởng đã có lúc nhấn chìm tôi. Hơn ai hết, tôi từng muốn tự tử, và đã từng rất nhiều lần định bỏ cuộc. Nhưng cuối cùng, tôi đã can đảm đứng dậy sau hàng ngàn lần ngã…”
Điều gì đã khiến Nick đứng dậy và đi qua tất cả? Đó thật sự là một điều kỳ diệu lớn lao – Khát vọng sống mãnh liệt và ý chí quật cường chiến thắng số phận.
Tôi Đi Học
Nguyễn Ngọc Ký sinh ra và lớn lên ở Hải Hậu, Nam Định – vùng đất giàu truyền thống văn hiến và hiếu học. Lên 4 tuổi, không may bị bệnh, liệt cả hai tay, Nguyễn Ngọc Ký không còn điều kiện để được ăn, học, vui chơi, phát triển như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng không đầu hàng số phận, Nguyễn Ngọc Ký đã kiên trì khổ luyện, tập viết bằng chân, tập làm việc, sinh hoạt bằng chân, thay đôi tay đã bị tàn phế; được đến trường đi học, phấn đấu trở thành học sinh giỏi, hai lần được Bác Hồ tặng Huy hiệu cao quý của Người; rồi anh thi đỗ đại học, mở cánh cửa vào đời bằng… đôi chân kỳ diệu.
Tôi Đi Học – tự truyện đầu tiên của Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký – đã trở thành cuốn sách nâng đỡ tinh thần cho nhiều thế hệ bạn đọc những lúc gặp khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc sống. Không đơn thuần là một cuốn tự truyện, Tôi đi học đã trở thành tác phẩm văn học và là cuốn sách mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, tác động mạnh mẽ tới nhận thức, suy nghĩ của hàng triệu bạn đọc cả nước.
Cảm Ơn Tất Cả
Cuốn tiểu thuyết xoay quanh cuộc sống gia đình và tình bạn của một cô bé Hàn Quốc tên là Yoon Yu Jung ở vùng nông thôn Ganghwa. Sinh ra với khuyết tật sứt môi – hở hàm ếch, cô bé khởi đầu cuộc sống bằng một chuỗi bất hạnh chất chồng.
Điều Kỳ Diệu
Nhân vật chính của truyện là cậu bé August. August có một khuôn mặt dị dạng bẩm sinh do mắc phải một chứng bệnh hiếm gặp. Cuộc sống êm đềm của August bên gia đình một ngày nọ bị đảo lộn khi bố mẹ quyết định đưa August đến trường học. Kể từ đây August phải sống trong nỗi mặc cảm, đau khổ vì bị bạn bè trêu chọc. Nhưng nhờ sự động viên, khích lệ tình thương yêu của bạn bè và người thân, August đã can đảm đương đầu với những khó khăn, thử thách ở ngôi trường mới.
Truyện ca ngợi tinh thần dũng cảm, chấp nhận đương đầu với số phận của cậu bé dị tật 11 tuổi. Mặc dù phải chịu nhiều thiệt thòi và bất hạnh, nhưng August luôn giữ vững tinh thần lạc quan, tình yêu cuộc sống và nghị lực sống mãnh liệt.
Ba Ơi Mình Đi Đâu
“Ba ơi mình đi đâu?” đã mở ra một thế giới nơi bóng tối ngự trị: thế giới của tật nguyền, của nỗi đau, của day dứt, của thất vọng… Nhưng lối dẫn dắt của Jean-Louis Fournier, một bậc thầy trào phúng đen, lại khiến ta phải cười, phải khóc, phải suy ngẫm và khi gấp sách cũng chính là lúc ta thôi bi lụy. Bởi chính ông, người cha có tới “hai ngày tận thế”, bằng cuốn sách mỏng nhưng lay động tâm can này, đã thắp lên niềm vui sống căn bản, dù mong manh nhưng không bao giờ lụi tắt.
“Một cuốn sách nhỏ để đến với điều cốt tủy.” Tác giả của nó đã muốn như thế khi lần đầu tiên đối diện nỗi đau tật nguyền của các con trai bằng văn chương. Sự dung dị, cảm động và độc đáo tràn đầy ở đó đã khiến “Ba ơi, mình đi đâu?” trở thành một kiệt tác nhỏ, đoạt giải Fémina, là tâm điểm của mùa sách văn học Pháp 2008.
Tự Truyện Nguyễn Bích Lan – Không Gục Ngã
Có lẽ ít người biết Nguyễn Bích Lan là ai nếu không có loạt bài “Không gục ngã” mà nhà báo Quốc Việt viết trên báo Tuổi Trẻ. Những bài viết ấy không chỉ cảm động về số phận không may mắn của một cô gái mà còn làm rung động rất nhiều con tim khi đọc nó, và chắc hẳn không ít người đã thay đổi cách nghĩ với cuộc sống này từ tấm gương mang tên Nguyễn Bích Lan.
Bích Lan có lẽ sẽ không khác gì nhiều so với các bạn đồng trang lứa nếu không có một ngày định mệnh vào năm 13 tuổi, cô bị té vì hai đầu gối bất ngờ bị tê điếng, mãi sau đó cô mới đứng dậy được. Và cũng từ buổi sáng ấy, cô bị té nhiều hơn và bắt đầu sụt ký chỉ còn xương và da, đến chén cơm cũng khó nâng nổi. Việc học phải dừng lại dang dở vì bệnh tật, những lần khám bệnh mệt mỏi ở nhiều nơi đã tưởng chừng như lấy đi mất sức sống và niềm hy vọng từ cô.
Thế nhưng, Bích Lan không cho mình tuyệt vọng. Sau những lần chạy chữa không thành công, Lan ở nhà và việc đầu tiên cô làm là mượn những quyển sách tiếng Anh của cậu em đang học để tự mình học. Cũng chính từ những kiên trì của chính Bích Lan và những trang sách đã khiến cho cô phần nào quên đi bệnh tật. Và cũng từ đây mà có “lớp học Cây Táo” ra đời. Cũng chính lớp học này là niềm động viên, khích lệ cô giáo Bích Lan, và biết bao học trò nghèo từ làng quê Thái Bình biết đến tiếng Anh…