Gạt mọi khó khăn, những cặp vợ chồng “tí hon” vẫn sống hạnh phúc, cùng nhau vượt qua giông tố cuộc đời.
Tổ ấm hạnh phúc của cặp vợ chồng một mét mốt
Quàng Văn Thịnh (SN 1994) là người dân tộc Thái, được sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Tuy nhà có tới 4 anh, chị em và ai cũng cao to nhưng không hiểu sao anh ngay từ bé đã không thể cao lên được.
Cũng bởi nhà nghèo, lại mặc cảm về chiều cao khiêm tốn của bản thân nên sau khi học xong lớp 10, năm 2012, anh Thịnh quyết định bỏ học, lang thang về Hà Nội kiếm việc làm thuê.
“Em tin rằng về đó thì không chỉ kiếm được miếng ăn mà còn có thể tìm cách học được nghề phụ như: Sửa xe máy, thợ mộc, thợ nề. Vì thế nên dù người nhà can ngăn nhưng em vẫn quyết tâm tìm về Hà Nội xin việc” – Thịnh từng nói.
Bù lại “chiều cao khiêm tốn”, Thịnh luôn tươi cười ngay cả những khi gặp công việc nặng nhọc hoặc bị chủ quát mắng vô cớ. Vì thế, dù không có tay nghề gì rõ ràng nhưng ở Hà Nội Thịnh cũng chẳng phải đói ăn. Anh làm đủ nghề để sống: Quét rác, dọn vôi vữa, cửu vạn, rửa bát, lau nhà…
Vợ chồng Hậu Thịnh và con gái.
Sau những ngày lao động mệt nhọc, Thịnh lại lấy lời ca, tiếng hát là niềm vui cho mình và bạn bè. Nhờ thế anh được một tổ chức từ thiện ở Hà Nội nhận vào. Thế rồi, trong một đêm biểu diễn văn nghệ từ thiện cuối năm 2013, anh bất ngờ gặp một thiếu nữ trạc tuổi mình và “quan trọng hơn cả là khi em tìm cách đứng gần để làm quen thì thấy cô ấy cũng chẳng cao hơn em. Sau này mới biết cô ấy cũng chỉ cao 1,1m”, anh nhớ lại.
Người thiếu nữ mà anh Thịnh mới quen được là chị Trần Thị Hậu, quê ở Hưng Yên, hơn anh Thịnh 1 tuổi và cũng có những mặc cảm về thân phận “tầm thước” của mình. “Bởi thế chúng em nhanh chóng quen nhau. Sau một số cuộc trao đổi qua điện thoại, rồi gặp gỡ trực tiếp, tình yêu đã đến từ lúc nào cũng không biết nữa” – chị Hậu tâm sự.
Cảm thấy có thể "gửi đời" cho nhau, lại được 2 gia đình đồng ý, năm 2015, anh Thịnh và chị Hậu đã chính thức làm đám cưới. Sau đó không lâu, họ hạnh phúc đón chào đứa con gái đầu lòng – bé Phúc.
Từ khi có con, cuộc sống của đôi vợ chồng này ngày càng vất vả. Thịnh kể mới sinh con, sức khỏe của Hậu yếu nên anh phải nghỉ làm 3-4 tháng phụ giúp vợ chăm con. Còn Hậu hết thời gian ở cữ tranh thủ lấy rau về bán thêm đầu ngõ. Thịnh cũng tích cực lấy thêm hàng đi bán rong đến tối mịt mới trở về.
Con gái cứng cáp, hai vợ chồng xin cho con nhập học vào trường mầm non gần nhà. Hiểu được hoàn cảnh của hai vợ chồng nhà trường không thu tiền học phí mà mỗi tháng chỉ đóng gần 1 triệu tiền ăn cho con.
Hiện tại công việc của hai vợ chồng Thịnh hằng ngày bắt đầu từ sáng sớm sau khi cho con đi học sẽ rong ruổi hôm thì bán ở khu vực quận Hà Đông. Có hôm cả hai bắt xe buýt sang tận Long Biên để bán rồi đến chiều cả hai lại vội vàng về cho kịp giờ đón con gái.
Cặp đôi tí hon quyết “vượt rào” để được cưới, mặc sự phản đối của gia đình
Cách đây 13 năm, chị Nguyễn Thị Thơm (47 tuổi, Hà Nam) và người đàn ông cao 1m40 – anh Nguyễn Văn Cúng (56 tuổi, Sóc Trăng) tình cờ gặp nhau ở Sài Gòn khi cả hai đang đi bán vé số. Sau đó họ cảm mến nhau rồi quyết định nên duyên vợ chồng, dù phía trước còn nhiều khó khăn.
Hay tin chị Thơm, anh Cúng về chung một nhà, bạn bè ai cũng vui mừng. Nhưng gia đình cả hai lại phản đối. “Bố mẹ lo tôi khuyết tật, yêu và lấy người khuyết tật nữa thì khó khăn chồng khó khăn”, chị Thơm cho hay.
“Lỡ yêu, làm liều để “vượt rào” đến với nhau. Giờ muốn xa cũng không được”, anh Cúng hài hước nói.
Sau 13 năm, anh Cúng chị Thơm đã có một đám cưới khiến nhiều người xúc động.
Sau đám cưới cổ tích, cuộc sống của vợ chồng chị Thơm vẫn có những vất vả, khó khăn. Nhưng họ hài lòng, cố gắng nương tựa vào nhau đi tiếp về tương lai. Đặc biệt, niềm vui nhân đôi khi chị biết tin mình mang thai đứa con đầu lòng.
“Với người bình thường, chăm sóc một đứa trẻ đã rất vất vả. Bởi vậy với vợ chồng tôi, công việc sinh con, nuôi dưỡng chúng lại càng khó khăn bội lần. Ngay cả việc bế bồng, tắm gội cho con cũng không hề đơn giản”, anh Cúng kể.
Suốt một thời gian vợ sinh con đầu lòng, anh Cúng là trụ cột gánh vác mọi việc gia đình. Ban ngày anh đi bán vé số đến tận nửa đêm, về nhà lao vào giặt đồ cho vợ, giặc áo quần, pha sữa cho con.
“Những ngày không tiền mua tã lót cho con, phải xin tã vải về giặt, lót cho con đến 2-3 giờ sáng mới được ngủ. Sáng thì phải dậy sớm đi mua đồ ăn cho vợ, sau đó về đi bán vé số tiếp”, anh Cúng nói.
Sau bao gian truân, giờ đây hạnh phúc của cặp vợ chồng tí hon chỉ đơn giản là hai cậu con trai đang tuổi ăn tuổi học. Chị Thơm bảo chỉ cần nhìn các con chăm ngoan, khỏe mạnh thì cuộc sống khó khăn đến mấy anh chị cũng chịu được.
Mới đây, chị Thơm anh Cúng được tổ chức một đám cưới tập thể cùng với 41 cặp đôi khuyết tật khác. Những giọt nước mắt của họ trong ngày cưới khiến bất kỳ ai cũng phải rưng rưng xúc động.
Chuyện cổ tích của cặp vợ chồng “chú lùn” ở Nghệ An
Tháng 4/2016, mạng xã hội xôn xao câu chuyện tình yêu cổ tích của chàng trai người Nghĩa Đàn với cô gái Đô Lương (Nghệ An). Theo đó, chàng trai tên Lê Văn Công (SN 1993), có tư chất thông minh nhưng ngoại hình nhỏ con hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Còn cô gái là Nguyễn Thị Xuân (SN 1984) bị khuyết tật từ nhỏ và chỉ cao 1m10, nặng 37kg.
Đám cưới của cặp vợ chồng “chú lùn” ở Nghệ An.
Dù không may mắn, chị Xuân vẫn sống rất lạc quan. Chị tham gia sinh hoạt tại Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Tân Kỳ, thường xuyên đi biểu diễn tại các địa phương trong và ngoài huyện.
Trong một lần đoàn lên biểu diễn ở Nghĩa Đàn, Xuân đã gặp Công. Cảm mến trước nghị lực của cô gái "tí hon" hơn mình đến 9 tuổi, chàng trai trẻ đã xin vào làm việc cùng đoàn và không ngại ngần để làm quen, quan tâm. Theo ngày tháng, tình yêu của 2 người nảy nở.
Vượt qua sự ngăn cản ban đầu của gia đình và những dị nghị, Công và Xuân đã quyết định gắn bó với nhau bằng một đám cưới giản dị nhưng không kém phần long trọng vào giữa năm 2015.
Kết quả của tình yêu đơm hoa kết trái khi bé gái Hồng Hà chào đời. Niềm vui và hạnh phúc được nhân lên trong niềm hân hoan của hai họ, bạn bè và xóm làng.