Trong công tác phối hợp, Sở LĐ-TB&XH và Hội khuyến học tỉnh Bạc Liêu cần tăng cường vận động các nguồn lực để thực hiện gắn khuyến học với khuyến nghề, hỗ trợ trẻ em đặc biệt khó khăn.
Tại hội nghị tổng kết sự phối hợp giữa các ngành và Hội Khuyến học Bạc Liêu diễn ra ngày 22/12, ông Nguyễn Hùng Thái, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu đánh giá, trong hoạt động khuyến học, khuyến tài và đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua bên cạnh nhiều mặt làm được thì việc tham mưu lĩnh vực này của ngành LĐ-TB&XH để tranh thủ sự chỉ đạo sâu sát hơn của cấp ủy vẫn còn hạn chế.
Bên cạnh đó, việc phối hợp, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện thế nào giữa các ngành, địa phương vẫn còn chưa sâu sát, mà Sở LĐ-TB&XH cần rút kinh nghiệm trong thời gian tới.
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu, qua ký kết phối hợp với Hội Khuyến học, Sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho trên 61.000 lượt người; trực tiếp tư vấn học nghề, định hướng nghề nghiệp, việc làm cho hơn 60.000 lượt lao động.
Hằng năm, ngành đều có phối hợp các địa phương điều tra, rà soát, dự báo số lượng lao động đăng ký học nghề, trên cơ sở đó mở các lớp đào tạo nghề, góp phần nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng tay nghề cho các lao động, tạo sinh kế cho người dân.
Trong đó, ngành chú trọng xây dựng các mô hình đào tạo gắn với việc làm cho người lao động. Nhiều học viên được đào tạo và áp dụng vào sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ có hiệu quả, như: Kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gia cầm, heo, dê; kỹ thuật nuôi tôm, cua, cá. Mô hình gắn với giải quyết việc làm tại chỗ theo hình thức gia công sản phẩm, như: Đan đát lục bình, đan dây nhựa, may dân dụng,…
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu Nguyễn Hùng Thái cho rằng, với những mặt đã làm được như trên thì thời gian tới cần khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra.
Ông Thái nêu giải pháp, Sở sẽ hướng dẫn cán bộ làm công tác LĐ-TB&XH cấp xã tham mưu cấp ủy đề ra những chủ trương chính sách cụ thể, thiết thực hơn đối với công tác khuyến học, khuyến tài; nghiên cứu các mô hình để phối hợp triển khai thực hiện và có đánh giá rút kinh nghiệm nội dung nào tốt thì phát huy, còn hạn chế thì khắc phục.
Đặc biệt, tăng cường vận động các nguồn lực để hỗ trợ cho công tác gắn khuyến học với khuyến nghề, hỗ trợ cho trẻ em. "Tỉnh còn khoảng 5.400 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần phải hỗ trợ. Đây là đối tượng mà công tác khuyến học cần phải quan tâm đến cả vật chất, lẫn tinh thần", ông Thái nói.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu cũng cho rằng, cần phối hợp để làm sao tuyên truyền vận động tạo sự chuyển biến về nhận thức trong nhân dân, các bậc phụ huynh, các cấp, các ngành về công tác khuyến học là chúng ta không chỉ dừng lại ở chỗ hỗ trợ các em về vật chất, tinh thần mà đề cao giáo dục hình thành nhân cách cho các em.
"Phối hợp thực hiện tốt hơn nữa giải quyết vấn đề bạo lực học đường, phòng chống các tệ nạn xã hội đang có dấu hiệu len lõi dần vào giới trẻ, đặc biệt là ở trường học. Ngành LĐ-TB&XH, Hội Khuyến học các cấp, cùng các ngành tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phát huy hơn nữa việc này thời gian tới", ông Thái đề nghị.
Theo dantri.com.vn