Theo báo cáo của UNICEF năm 2016, Việt Nam có 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7% dân số. Nguyên nhân ngoài những lý do thông thường còn vì hậu quả của chiến tranh. 

Người khuyết tật cũng nằm trong nhóm những người nghèo nhất của xã hội. Đây cũng là nhóm dễ bị tổn thương  bởi thiên tai địch họa và những nguyên nhân xã hội như những định kiến, sự kỳ thị. Với sự chung tay, góp sức của đồng bào trong nước cũng như cộng đồng quốc tế, người khuyết tật Việt Nam trong những năm qua đã được chăm sóc và bảo đảm quyền lợi. Từ Trung ương đến địa phương đều có các hình thức, mô hình tạo quỹ trợ giúp người khuyết tật. Người khuyết tật được hưởng những phúc lợi xã hội như bảo hiểm y tế, giúp vốn khởi nghiệp cùng rất nhiều chăm lo ưu đãi của Nhà nước, xã hội và cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiều người khuyết tật đã nỗ lực vươn lên, không chỉ tự phát triển kinh tế bản thân, gia đình mà còn  giúp đỡ  những người cùng cảnh ngộ.

Còn nhớ năm 2003, ASEAN Para Games lần thứ hai được tổ chức tại Việt Nam sau kỳ SEA Games 22. Khi đó, nhiều nhà thi đấu của chúng ta phải vội vàng “chữa cháy” với rất nhiều hạng mục, từ đường đi cho xe lăn cho tới nhà vệ sinh chuyên dụng cho người khuyết tật… Đây là lần đầu tiên, câu chuyện bảo đảm quyền lợi của người khuyết tật được đặt ra một cách cụ thể, thiết thực. Rõ ràng, những cơ sở vật chất mang tính cộng đồng, công cộng trước đó đã bỏ quên một bộ phận đồng bào rất lớn. Rồi những năm gần đây, câu chuyện từ cái xe lăn hỗ trợ người khuyết tật lên máy bay, lên các phương tiện giao thông công cộng cũng thường xuyên được xáo xới. Có những cải thiện, song vẫn còn thiếu... 

Không phủ nhận, phong trào chung tay giúp đỡ người nghèo đã trở thành một hoạt động mang tính tự giác trong toàn xã hội. Nhiều người thì cho rằng, phong trào ấy phần lớn mang tính thiện nguyện, góp phần an sinh xã hội. Cách hiểu này là chưa đủ. Vì thực tế cho thấy phần lớn người khuyết tật đều nằm trong nhóm người nghèo. Nên chăng có sự phân loại người khuyết tật trong những người nghèo. Việc giúp đỡ người khuyết tật cần được nhận thức lại, đây  không phải là việc từ thiện mà chính là trách nhiệm xã hội. 

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác người khuyết tật. Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 1-11-2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật đã đem lại nhiều nhận thức mới. Trong đó nêu rõ công tác người khuyết tật được coi là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan liên quan từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành cũng phải có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về người khuyết tật đến cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Hiện nay, công tác người khuyết tật đã được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật, trọng tâm là Luật Người khuyết tật và Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Người khuyết tật được tạo điều kiện tiếp cận các chính sách chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề, việc làm; tham gia các  hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, đi lại. 

Ở chiều hướng ngược lại, người khuyết tật hoàn toàn có thể đòi hỏi quyền lợi của mình đối với những cơ quan, đơn vị, tổ chức, công ty không thực hiện đúng quy định pháp luật. Thí dụ, trước đây đã từng có một vụ việc hãng vận  tải từ chối chuyên chở một người khuyết tật khi người này yêu cầu có xe lăn hỗ trợ. Câu chuyện này đã gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Qua chuyện này có thể thấy, một bộ phận người dân chưa hiểu đúng và đủ về quyền lợi của người khuyết tật. Nhìn rộng ra còn nhiều chỗ, nhiều nơi “bỏ quên” quyền lợi người khuyết tật, nhất là tụ điểm vui chơi giải trí công cộng như vườn hoa, công viên, sân vận động chưa chú ý đến các công trình hỗ trợ. Và ngay cả người khuyết tật cũng không dám đòi hỏi quyền lợi của chính mình, với tâm lý tự ti, yếm thế. Trong tương lai, nếu muốn bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người khuyết tật, các cấp, các ngành cần tích cực thay đổi nhận thức, tăng cường tuyên truyền rộng rãi về trách nhiệm của toàn xã hội đối với người khuyết tật. Bởi bảo đảm quyền lợi của người khuyết tật chính là bảo đảm nền tảng của sự nhân văn, nhân đạo trong xã hội. 

Theo nhandan.com.vn

Tin liên quan