Ngày 13/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1616/QĐ-TTg về việc Việt Nam đăng cai tổ chức SeaGames 31 va Para Games 11 vào năm 2021, trong đó Para Games 11 dự kiến tổ chức vào tháng 12/2021 và có 14 môn thi (số môn cụ thể do Bộ VHTTDL đề xuất). Đây là tin vui đối với người khuyết tật nói chung và người khuyết tật yêu thể thao nói riêng.
Nhìn lại quá trình lâu dài, Đảng và nhà nước ta luôn quan tâm đến chính sách đối với người khuyết tật và chính sách để người khuyết tật tham gia hoạt động thể thao, kể cả thể thao đỉnh cao.
Luật Người khuyết tật được Quốc hội thông qua ngày 14/10/2012. Khoản 4 Điều 50 quy định “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về công tác văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch đối với người khuyết tật; chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người khuyết tật”.
Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục thể thao. Khoản 7, Điều 11 quy định về việc miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ luyện tập thể dục, thể thao tại các cơ sở thể thao theo quy định của Chính phủ đối với người khuyết tật.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 về việc phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật. Theo đó, Khoản 8, Điều 1 quy định “Hỗ trợ người khuyết tật trong các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; hoàn thiện và phát triển 15 môn thể thao dành cho người khuyết tật tập luyện, thi đấu; tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia thi đấy thể thao trong nước và nước ngoài”.Thông tư số 18/2011/TT-BVHTTDL ngày 02/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định mẫu về tổ chức và hoạt động của câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở, trong đó các câu lạc bộ dành cho người khuyết tật. Thông tư số 08/2012/TT-BVHTTDL ngày 10/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về đánh giá phát triển thể dục, thể thao. Trong đó có những quy định, yêu cầu về thể dục, thể thao dành cho người khuyết tật. Moi day, Chính phủ ban hành Nghị định số 152/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ về Quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn thi đấu, thi đấu. Trong đó có các chế độ cho người khuyết tật. Ở các địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện hỗ trợ về mọi mặt, chỉ đạo phát triển phong trào thể dục thể thao cơ sở, tạo điều kiện về cơ sở vật chất tập luyện, tập huấn, tham dự các giải thể thao người khuyết tật trong nước và quốc tế. Tính đến thời điểm này trên toàn quốc đã có nhiều đơn vị, tỉnh, thành và ngành có các câu lạc bộ thể dục thể thao của người khuyết tật (CLB TDTT NKT) và hầu hết các tỉnh, thành phố có phong trào Thể thao cho người khuyết tật. Các môn hoạt động thể thao người khuyết tật chính: Điền kinh, Bơi lội, Cử tạ, Bóng bàn, Cầu lông, Cờ vua. Tổ chức các hoạt động thể thao cho người khuyết tật toàn quốc hàng năm và Hội thi thể thao văn nghệ người khuyết tật 4 năm/lần.Tổ chức tuyển chọn, tập huấn các vận động viên có thành tích xuất sắc các môn, cử các đội tuyển tham dự các giải thể thao cho người khuyết tật quốc tế và tham gia các Đại hội thể thao cho người khuyết tật cấp khu vực, châu lục và thế giới.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phân công Tổng cục Thể dục thể thao đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức các hoạt động sau: Công tác tuyên truyền về các hoạt động thể thao cho người khuyết tật đã được các báo, đài truyền hình quan tâm thông qua các chương trình “Lễ xuất quân của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam”, “Chương trình thắp sáng niềm tin cho người khuyết tật” “ Chương trình vượt qua số phận” tham dự các giải trong nước và Đại hội quốc tế. Các vận động viên, huấn luyện viên người khuyết tật tiêu biểu đã được các báo, cơ quan truyền thông bình chọn hàng năm. Chỉ đạo và hướng dẫn địa phương quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để những người khuyết tật được tiếp cận các công trình Thể dục thể thao, tham gia tập luyện các môn thể thao phù hợp với lứa tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe.
Tính đến nay, trên toàn quốc có nhiều tỉnh/ thành có các câu lạc bộ thể dục, thể thao của người khuyết tật và 35 tỉnh/thành có phong trào thể thao cho người khuyết tật với nhiều hoạt động, nhiều môn thể thao phù hợp như: điền kinh, Bơi, Cầu lông, Bóng bàn, Boocia, Bóng đá, Bóng rổ, Quần vợt, Cờ vua, Judo, Aikido, Taekwondo … Các hoạt động thể dục thể thao đã giúp cho những người khuyết tật được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tự tin hòa nhập cộng đồng, nâng cao sức khỏe, hoàn thiện bản thân, nâng cao kỹ năng sống, có thêm thu nhập, nâng cao đời sống. Nhiều tỉnh, thành phố quan tâm tạo điều kiện về công tác tập huấn, tham dự các giải thể thao người khuyết tật trong nước và quốc tế. Tổ chức các hoạt động thể thao cho người khuyết tật toàn quốc hàng năm và Hội thi thể thao văn nghệ người khuyết tật 4 năm/lần. Tổ chức tuyển chọn, tập huấn các vận động viên có thành tích xuất sắc các môn, cử các đội tuyển tham dự các giải thể thao cho người khuyết tật quốc tế.
Tại các Đại hội và các giải Thể thao người khuyết tật khu vực, châu lục, thế giới các vận động viên khuyết tật Việt Nam đã thi đấu xuất sắc giành nhiều huy chương cao quý đặc biệt tại Đại hội thể thao người khuyết tật Thế giới (Paralympic Rio-Brazin năm 2016) đã giành thành tích 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ phá 1 kỷ lục thế giới môn cử tạ hạng 49 Kg của Lê Văn Công, tại Đại hội thể thao người khuyết tật Châu Á (ASIAN ParaGames năm 2014 tại Inchon - Hàn Quốc) đã giành thành tích 9 HCV, 7 HCB và 13 HCĐ, phá 1 kỷ lục Thế giới, 1 kỷ lục Châu Á và 2 kỷ lục Đại hội. tại Đại hội thể thao người khuyết tật Châu Á (ASIAN ParaGames năm 2018 tại Indonesia) đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đã giành thành tích 8 HCV, 8 HCB và 24 HCĐ phá 5 kỷ lục Đại hội đứng thứ 12/43 quốc gia tham dự. Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Á (ASEAN Paragames) tổ chức 2 năm/1lần đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam thường tham dự với khoảng 150 VĐV khuyết tật, thành tích ASEAN Paragames năm 2017 đạt 40 HCV, 61 HCB, 60 HCĐ, phá 10 kỷ lục Đại hội, đứng thứ 4/11 nước khu vực Đông Nam Á. Với những thành tích đạt được, nhiều vận động viên khuyết tật đã nhận được những phần thưởng cao quý của nhà nước như Huân chương Lao động hạng nhì, ba và nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Như vậy có thể nói, cả ở mức độ thể thao quần chúng hay thể thao đỉnh cao, người khuyết tật Việt Nam luôn được quan tâm tạo điều kiện tập luyện, thi đấu. Ngành thể thao cũng xem xét tăng cường đầu tư hơn nữa cho thể thao người khuyết tật, đặc biệt là ở một số môn thể thao mũi nhọn Việt Nam có thế mạnh để không chỉ đạt thành tích của châu lục mà còn vươn tới những thành tích thế giới.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế như sau: Nhận thức của xã hội, gia đình còn hạn chế, chưa nhận thấy quyền và khả năng, vai trò của người khuyết tật đối với gia đình và cộng đồng.Các trang thiết bị chuyên dùng cho người khuyết tật còn thiếu, không đồng bộ và chưa phù hợp cho người khuyết tật tập luyện (một phần trong nước chưa sản xuất được, giá thị trường nước ngoài lại quá cao).Đời sống kinh tế của đại đa số gia đình người khuyết tật còn nghèo nên chưa lo đủ cho thành viên trong gia đình có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội dành cho người khuyết tật. Cán bộ huấn luyện thể thao ở các môn cho người khuyết tật còn ít. Kiến thức về phân loại thương tật cho vận động viên cũng hạn chế. Người khuyết tật khó tiếp cận với các chương trình thể thao do hạ tầng cơ sở hầu hết đều chưa có để phục vụ cho người khuyết tật đến tham gia tập luyện. Việc đầu tư hệ thống cơ sở vật chất trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trợ giúp và tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia đã được cải thiện song chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu, chủ yếu tập trung ở số ít các công trình lớn khu vực đô thị. Chính sách xã hội hóa, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư đã có nhưng chậm đi vào cuộc sống, trình tự thủ tục thực hiện còn rườm rà, không thuận lợi. Việc tổ chức các hoạt động văn hóa, giải trí, thể dục thể thao ở cơ sở cho người cao tuổi, người khuyết tật tham gia còn hạn chế, mới chủ yếu tập trung vào các sự kiện, hoạt động quy mô lớn phục vụ một bộ phận người khuyết tật có khả năng cao về văn hóa, văn nghệ, thể thao mà chưa phục vụ đông đảo người khuyết tật. Việc đầu tư thiết kế, chế tạo, sản xuất các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao cho người khuyết tật còn chưa được quan tâm đúng mức, phần lớn là được nhập khẩu sản phẩm, công nghệ từ nước ngoài. Luật Người khuyết tật có quy định tương đối nhiều chính sách đối với người khuyết tật như chính sách học nghề, hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tham gia các hoạt động văn hóa thể thao... Tuy nhiên việc thể chế hóa cách chính sách này ở các văn bản dưới Luật còn hạn chế, cần có kế hoạch tổng thể nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành địa phương, đồng thời gắn trách nhiệm của toàn xã hội, nhất là khối doanh nghiệp, khối ngoài công lập tham gia thực thi chính sách pháp luật đối với người khuyết tật.
Thấy được những thành tựu, nhưng cũng thấy được những khó khăn vướng mắc, chúng ta tin tưởng rằng để đẩy mạnh hơn nữa phong trào thể thao người khuyết tật, tạo vị thế để người khuyết tật Việt Nam tham gia thắng lợi Para Games 11, Việt Nam sẽ chủ động có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả cho thể thao người khuyết tật.