Thời khó khăn nhất, Hà (30 tuổi, Nghệ An) muốn tẩm bổ cho vợ bầu miếng thịt cũng bất lực, giờ sau 3 năm, vợ anh muốn ăn gì cũng có.
Trong căn nhà trọ 30m2 tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, Trần Văn Hà (30 tuổi) đang mải mê làm bên máy tính. Cô con gái nhỏ 2 tuổi chơi quanh quẩn trong nhà, quay sang bố nũng nịu "Bế Nhím ba ơi!". Hà nhìn con âu yếm, quay chiếc xe lăn về hướng con gái rồi giơ cánh tay lành lặn còn lại kéo con về phía mình. Bé Nhím tự động ngồi lên đùi rồi sờ nắn đôi bàn chân teo tóp của bố. Hà vòng tay ôm con, thơm lên chiếc má phúng phính rồi nựng: "Mẹ đang ốm, chiều nay ba Hà tắm cho Nhím này. Ba con mình lại chơi trò phun nước nhé", cô bé con gật gật đầu.
Bé Nhím được bố Hà đặt tên là Thiên Ân, với ý nghĩa nhờ ân đức của trời đất đã cho anh được làm bố. Hơn 3 năm trước, Hà chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có một gia đình như thế này. Thỉnh thoảng anh lại gọi vợ - Lô Thị Giang (20 tuổi) là "cô tiên" bởi đã mang đến một phép màu cho cuộc đời tưởng chừng mãi tăm tối của mình.
Từ lúc sinh ra, Hà đã mắc bệnh xương thủy tinh, cơ thể không phát triển. Đến nay anh chỉ nặng 21kg, cơ thể teo tóp và hai chân bị liệt, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ người khác giúp.
Vợ chồng Hà bên con gái khi bé được 5 tháng tuổi. |
Chưa từng đến trường, Hà tự học đọc, học viết qua sách vở bỏ đi của người em họ, năm 10 tuổi thì đọc thông viết thạo. Lớn hơn một chút, thấy mẹ vất vả, một mình nuôi 3 anh em sau khi bố mẹ ly hôn, Hà tập sử dụng xe lăn rồi đi khắp nơi bán tăm, bông tai, móc khóa... đỡ đần mẹ. Sau 10 năm làm việc tại một hội khuyết tật ở Hà Nội, Hà trở về quê, tự mày mò học công nghệ, mong có nghề nghiệp ổn định phù hợp với sức khỏe của mình.
Cuối năm 2016, Facebook của cô gái Lô Thị Giang (ở huyện Đồng Hợp, cách đó 20 km) bị tấn công. Được bạn bè giới thiệu, cô gái 17 tuổi khi đó nhờ Hà sửa giúp, và rất khâm phục khi chàng trai khuyết tật nhanh chóng lấy lại được tài khoản cho mình. Qua vài lần nói chuyện, cả hai thành bạn, hay tâm sự.
Giang con nhà nghèo, em trai lại mắc bệnh lạ nên cô phải nghỉ học từ năm lớp 10 để lo việc nhà, chăm cho các em. Thỉnh thoảng cô nhận thêm một số việc thủ công để kiếm thu nhập. "Giang trẻ nhưng suy nghĩ rất chín chắn, lại yêu thương gia đình. Em kể chuyện chăm cho em trai bị bệnh từng ly từng tý, nghe mà thấy thương. Vất vả nhưng chưa khi nào thấy Giang kêu khổ", Hà chia sẻ.
Lần đầu gặp gỡ, Hà rất bất ngờ vì Giang còn trẻ trung và xinh đẹp hơn trên ảnh. Còn với Giang, nghị lực của chàng trai khuyết tật khiến cô cảm mến. Để đến nhà Giang chơi, Hà thường xuyên dùng xe lăn điện vượt hơn 20km, bất kể mưa nắng.
"Nhiều khi trời nắng rát vẫn thấy anh ấy tới, mồ hôi ướt đầm áo. Có hôm mưa dầm dề, đến được nhà tôi thì quần áo chẳng chỗ nào khô, nhưng mặt vẫn hớn hở, trông rất mắc cười. Anh Hà trải nghiệm nhiều nên câu chuyện của anh rất thu hút, từ việc anh tự học ra sao, đi làm kiếm tiền giúp mẹ như thế nào... khiến tôi rất khâm phục", Giang nói.
Những ngày qua nhà Giang chơi, Hà không nề hà dùng đôi cánh tay vẹo vọ của mình giúp cô gái rửa bát, giặt giũ và lau dọn nhà cửa. Biết Hà từng cùng mẹ vượt hơn 300 km ra Hà Nội để đăng ký hiến xác cho y học, cô gái càng trân trọng rồi dần yêu, bố mẹ cô cũng từ ác cảm ban đầu chuyển thành mến.
Anh Hà hiện hỗ trợ nuôi một thanh niên khuyết tật ở cùng gia đình mình, và được bạn trẻ này giúp vệ sinh cá nhân. |
Đám cưới ấm cúng diễn ra vào tháng 5/2017, khi cả hai đều chưa có việc làm ổn định. Hà thuê nhà ở riêng, để đỡ phiền đến mẹ. "Nó bảo mẹ đã khổ cả đời rồi, giờ phải được nghỉ ngơi", bà Nguyễn Thị Lâm (51 tuổi, mẹ của Hà) kể lại.
Sau đám cưới, Giang mang bầu ngay. Lúc này ngoài việc mở cửa hàng bán gas tại nhà, Hà còn nhận làm các dịch vụ về công nghệ, quảng cáo, Facebook, tuy nhiên thời điểm đó thu nhập rất bấp bênh.
"Thời khó khăn nhất, tôi muốn tẩm bổ cho vợ bầu miếng thịt nhưng bất lực, có ngày phải ra chợ xin tóp mỡ về để cô ấy ăn có chất. Nhìn vợ ăn khó nhọc những miếng mỡ khô, lòng tôi quặn thắt. Lúc đó tôi tự nhủ là phải cố gắng hết sức để kiếm tiền", Hà chia sẻ. Anh cũng biết ơn vì dù phải ăn đồ đi xin, nhưng vợ chưa bao giờ than vãn.
Sợ con mắc bệnh giống cha, nên có bao nhiêu tiền ky cóp, vợ chồng Hà đều mang đi để sàng lọc trước sinh. Như thấu hiểu được lòng cha mẹ, bé Nhím ra đời khỏe mạnh, xinh xắn. Ngày đầu bế con gái trên tay, Hà hét to lên, cảm giác được anh diễn tả là "rất phê".
Nhưng miệng lưỡi thiên hạ không để cặp vợ chồng được yên. Có người mỉa mai rằng anh không thể là bố của bé Nhím, "Thằng Hà chỉ 'đổ vỏ' thôi. Người què quặt như nó làm sao có con được", khiến người vợ uất ức, giục chồng làm cho ra lẽ. Tin vợ hết lòng, nhưng xót xa cho cô và cũng để bé Nhím lớn lên không phải chịu điều tiếng, Hà quyết tâm đưa vợ con lên Hà Nội xét nghiệm ADN.
"Ngày nhận được kết quả đúng con tôi, Giang chỉ ngồi ôm con nấc", Hà nhớ lại. Họ thậm chí đã phải đưa kết quả xét nghiệm lên facebook mới xóa được ồn ào dư luận.
Thiên Ân (tên ở nhà là Nhím) nay đã được gần 2 tuổi, bé rất hiếu động và nhanh nhẹn. |
Sóng gió qua đi, Hà lao đầu vào công việc. Hàng ngày anh bắt đầu làm việc từ 7h sáng và kết thúc vào đêm muộn. Đến nay anh đã xây dựng một đội ngũ gần 10 người làm cùng và trả tiền theo từng dự án. Một năm trở lại đây, lượng khách tìm đến các dịch vụ của anh ngày một đông, thu nhập nhờ thế cũng ổn định hơn.
"Thời vợ bầu có lúc thèm một cốc chè mà chẳng có tiền để mua. Giờ đây tôi có thể làm được điều đó, với bất kỳ món ăn nào mà vợ thích", Hà tự hào.
Anh hiện lo kinh tế chính cho gia đình, còn vợ ở nhà phụ bán thêm gas và chăm sóc em bé. Khi nào vợ mệt, Hà lại sẵn sàng giúp vợ nấu nướng, giặt giũ và chơi với con để Giang có thời gian nghỉ ngơi.
Gần đây, người vợ phát hiện mắc bệnh và phải lên Hà Nội chữa, vậy là cuộc đời tiếp tục cho Hà thêm một thử thách. "Chắc tôi sinh ra là để 'leo núi' và chướng ngại vật thì có ở mọi nơi. Thế nhưng tôi tin trời chẳng phụ người biết cố gắng", Hà nói.