Công tác xã hội (CTXH) là nghề hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh yếu thế trong xã hội. Hơn bất cứ công việc nào, nghề CTXH được xem là nghề của lòng nhân ái, sự cảm thông để đồng hành cùng những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống, giúp họ vượt qua khó khăn.
Mái ấm của trẻ mồ côi
Chúng tôi ghé thăm Mái ấm An Lạc (hay còn gọi chùa Pháp Tánh) ở thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An vào một ngày tháng 3 nắng gắt. Thấy chúng tôi đến, sư cô Tắc Bảo (Trụ trì chùa Pháp Tánh) nở nụ cười đôn hậu và đưa chúng tôi xuống khu nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vừa thấy bóng sư cô Tắc Bảo, gần chục đứa trẻ trạc tuổi nhau ríu rít gọi mẹ, có bé đòi sư ẵm rồi hôn lên má sư cô. Thấy vậy, sư cô bảo các con trật tự để mẹ tiếp khách. Vừa dứt lời, sư cô Tắc Bảo quay sang chúng tôi giải thích: “Tất cả trẻ ở đây đều gọi sư bằng mẹ. Có bé sư phải dỗ dành mới chịu ngủ. Giờ đây, sư là mẹ của 52 trẻ”.
Sư cô Tắc Bảo luôn quan tâm, chăm sóc các trẻ em trong Mái ấm An Lạc bằng tất cả tấm lòng và tình yêu thương
Ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, sư cô Tắc Bảo vừa hướng mắt về những đứa trẻ hồn nhiên đang vui đùa, vừa kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên làm mẹ của những đứa trẻ nơi đây. Đứa trẻ đầu tiên được sư cô nhận nuôi vào năm 2012, khi đó, chính quyền địa phương thông báo với nhà chùa có một bé gái sơ sinh bị bỏ rơi ở cầu thang bệnh viện và mong chùa nhận nuôi. Trụ trì chùa khi ấy cho rằng đó là việc thiện nên làm và đồng ý. An Lạc - tên của bé cũng là tên của mái ấm sau này.
Những ngày đầu khi mới tập tành làm mẹ, đêm nào sư cô cũng chập chờn không ngon giấc vì phải ru con ngủ và cho con uống sữa. Hôm nào các con ốm, quấy khóc, gần như sư thức trắng cả đêm để vỗ về. Đến nay, chùa nhận nuôi 52 trẻ, trong đó có 2 trẻ bị bệnh Down và 2 trẻ bị bệnh kém phát triển. 52 trẻ là 52 số phận, hoàn cảnh khác nhau, có bé bị bỏ rơi khi còn đỏ hỏn, có bé được người dân phát hiện đem về chùa gửi, có trẻ sinh ra được 1, 2 tháng bị bỏ rơi, có bé được nhà chùa phát hiện khi còn dây rốn,... Tất cả các bé nơi đây đều được sư cô Tắc Bảo, các nhà hảo tâm yêu thương, chăm sóc, chẳng khác nào “máu mủ ruột rà”.
Điều lo lắng của sư cô Tắc Bảo hiện nay là kinh phí duy trì hoạt động của mái ấm gặp khó khăn. Bình quân mỗi tháng, mái ấm phải chi hơn 100 triệu đồng tiền sữa, tã, ăn uống,... và cho trẻ đi học. Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của chùa, nhiều phật tử tình nguyện đóng góp công sức lẫn vật chất để cưu mang những đứa trẻ bất hạnh. Sư cô Tắc Bảo cho biết thêm: “Những đứa trẻ này rất tội nghiệp, sống thiếu thốn tình cảm của cha mẹ. Do đó, chúng tôi luôn chăm sóc tận tình, chu đáo với mong muốn bù đắp một phần thiếu thốn cho các bé, đồng thời cho trẻ một tuổi thơ đúng nghĩa. Và dù có khó khăn, vất vả đến đâu, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì hoạt động của mái ấm, hy vọng có nhiều nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ để các trẻ được chăm sóc tốt hơn”.
Tấm lòng của sư cô Tắc Bảo đã mang đến cho những đứa trẻ nơi đây những chuỗi ngày sống trong yêu thương, đong đầy tình cảm.
Không ngại vất vả
Rời Mái ấm An Lạc, chúng tôi tiếp tục đến thăm Khu Nuôi dưỡng người cao tuổi, tọa lạc thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc (thuộc Trung tâm CTXH tỉnh). Ấn tượng đầu tiên là hình ảnh chị Võ Thị Nam Nhi (nhân viên Khu Nuôi dưỡng người cao tuổi) đang vui vẻ, ân cần đúc từng muỗng cơm cho các cụ già bị bệnh nặng không thể tự chăm sóc bản thân.
Hình ảnh chị Nhi chăm sóc các cụ già thật chu đáo càng cho thấy tinh thần làm việc bằng trái tim yêu thương, sẻ chia của chị cùng các nhân viên nơi đây. Chị Nhi chia sẻ: “Hiện nay, Khu Nuôi dưỡng đang cưu mang, chăm sóc 11 cụ già neo đơn, không nơi nương tựa, trong đó có 5 cụ bị bệnh nặng không thể đi lại được, tất cả sinh hoạt cá nhân đều cần người khác giúp đỡ. 11 cụ già trong Khu Nuôi dưỡng là 11 cảnh đời khác nhau, đều neo đơn, phải tự bươn chải ở tuổi xế chiều. Vì vậy, khi vào đây, chúng tôi chăm sóc thật chu đáo để các cụ cảm nhận Khu Nuôi dưỡng chính là ngôi nhà thứ 2, nhân viên chăm sóc là con cháu trong gia đình”.
Khó khăn, vất vả nhưng tất cả nhân viên tại Khu Nuôi dưỡng đều làm việc, cống hiến hết mình bằng cái tâm và tấm lòng thương yêu, bởi “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”.
Ngược về huyện Tân Trụ, chúng tôi được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện giới thiệu gặp chị Võ Thị Luyến (công chức Lao động - Thương binh và Xã hội xã Tân Phước Tây) - một trong những công chức năng động, nhiệt tình, luôn quan tâm đến các hoàn cảnh yếu thế trong xã hội.
Chị Võ Thị Luyến thường đến tận nhà các đối tượng nắm tình hình để kịp thời giúp đỡ các hoàn cảnh yếu thế trong xã hội
Năm gắn bó với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, chị Luyến không ngại ngày hay đêm, nắng hay mưa, chỉ cần nhận được thông tin có người cần giúp đỡ là lập tức đến tận nơi tìm hiểu hoàn cảnh. Riêng dịp Tết Nguyên đán, chị Luyến tạm gác việc nhà, làm việc cả ngày thứ bảy và chủ nhật để cấp tiền tết đúng thời gian cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội.
Chị Luyến bộc bạch: “Tôi đến với công việc này là vì tình thương với những người có hoàn cảnh đặc biệt, đa số là người già neo đơn, trẻ em không nơi nương tựa có cuộc sống rất khó khăn. Hàng ngày, tôi đều chạy xe máy đến nhà thăm hỏi tình hình sức khỏe... Nếu có gì bất thường, khó khăn, tôi báo cáo lên xã, huyện để có hướng hỗ trợ kịp thời. Đã chọn nghề CTXH, nếu không làm bằng cái tâm thì sẽ rất khó hoàn thành được nhiệm vụ”.
Khó có thể đong đếm được sự vất vả, hy sinh của những người làm nghề CTXH như sư cô Tắc Bảo, chị Nhi và chị Luyến. Chỉ biết rằng, việc làm của sư cô và các chị đều đáng được tôn vinh khi đã góp phần mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho những hoàn cảnh khó khăn./.
Theo laodongxahoi.net