Tiết Ngữ văn online của cô Hoan diễn ra sôi nổi, học sinh liên tiếp xung phong phát biểu nhưng lớp hoàn toàn thiếu vắng âm thanh.
8h sáng, cô Nguyễn Thị Nhật Hoan, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (Hà Nội), bắt đầu buổi học trực tuyến cho học sinh khiếm thính. Hôm nay, cô dạy bài Thầy bói xem voi.
Trước giờ học, cô Hoan đã chuẩn bị đầy đủ ảnh "con voi", "con đỉa", "cái quạt", "chổi xể" - những sự vật được nhắc đến trong bài để học sinh tiện theo dõi. Sau khi "đọc" mẫu, cô giáo giải thích từ mới, sau đó chia đoạn rồi cho từng học sinh kể lại. Được học một truyện ngụ ngôn với nhiều chi tiết thú vị, học sinh tỏ ra hứng thú. Mỗi khi một bạn được gọi phát biểu, những em còn lại tranh thủ luyện tập, đợi đến lượt mình.
Để tổ chức lớp trực tuyến cho trẻ khiếm thính, cô Hoan cho biết, đường truyền phải thật ổn định. Ở lớp bình thường, nếu mạng chập chờn, hình ảnh gián đoạn, các em vẫn có thể nghe hiểu phần nào. Tuy nhiên, trẻ khiếm thính "nghe" bằng mắt, cần nhìn rõ cử chỉ của giáo viên.
Hiện, Trung tâm có gần 200 học sinh khiếm thính, từ lớp 1 đến 12. Các em được bố trí lịch học online tương tự thời khóa biểu trên lớp, mỗi ngày 4-5 tiết buổi sáng, đôi khi học phụ đạo. Những em học xong lớp 12 được tạo điều kiện liên thông lên Cao đẳng Sư phạm Trung ương, học hòa nhập với sinh viên bình thường.
Cô Hoan cho biết, học sinh của Trung tâm thường đi học muộn hơn so với lứa tuổi. Một số em phải học hai năm mới xong một lớp, "đa số là do phụ huynh chưa tạo điều kiện tốt để các em tiếp cận giáo dục". Cô giáo kể, nhiều bố mẹ nghĩ con khuyết tật thì không làm được gì nên không cho học mẫu giáo hoặc ngôn ngữ ký hiệu từ sớm, mãi 9-10 tuổi mới cho đến trường. "Một lớp học chỉ khoảng 2-3 học sinh đúng tuổi, còn lại đều học muộn", cô Hoan nói.
Gần như trái ngược, lớp học dành cho trẻ khiếm thị lại khá huyên náo. Cô Phạm Trà My, giáo viên dạy Toán tại trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), cho biết việc học online tương đối vất vả với học sinh lớp 6.
Các em mới lên cấp hai, lại phải làm quen với hình thức học mới nên chưa làm chủ được thao tác bật, tắt micro. Trên phần mềm Zoom có công cụ giơ tay phát biểu, nhưng nhiều khi giáo viên chưa cho phép, các em đã mở micro để nói. Tạp âm tại gia đình, cùng với tiếng phần mềm đọc bài dành cho người khiếm thị lọt vào, khiến lớp học luôn ồn ào.
Cô My cho biết, đa số học sinh lớp 6 học online phải có người thân ngồi cạnh, hỗ trở tắt, mở micro khi cần thiết. Tại các lớp lớn hơn, học sinh sử dụng phần mềm tương đối thành thạo, trừ một số em đa tật vẫn cần bố mẹ hỗ trợ.
Tại trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, học sinh khiếm thị được học hòa nhập cùng bạn bình thường vào buổi sáng và phụ đạo riêng trong buổi chiều. Để sử dụng được máy tính hay điện thoại, các em cần đến phần mềm hỗ trợ đọc thành tiếng toàn bộ các thao tác, văn bản. Sách giáo khoa, dụng cụ và các học liệu của các em đều bằng chữ nổi, được các giáo viên chuẩn bị riêng hoặc tự làm thủ công.
Cô My cho biết khối lượng công việc của các thầy cô tại Nguyễn Đình Chiểu gần như tăng gấp đôi khi chuyển đổi hình thức học. Với những lớp hòa nhập, giáo viên vẫn chuẩn bị slide, hình ảnh bắt mắt nhưng những tài liệu này không mang nhiều ý nghĩa với học sinh khiếm thị trong giờ phụ đạo. Do đó, để trẻ khuyết tật theo được bài, cô My phải giao và chữa nhiều bài tập hơn.
Riêng với Toán 8, cô giáo đánh giá đây là môn học khó với học sinh khiếm thị vì có nhiều hình vẽ. Mỗi khi làm đề kiểm tra, đề bài dành cho các em cũng được thiết kế riêng bằng cách tăng câu hỏi lý thuyết, trắc nghiệm, đồng thời giảm hoặc cắt bỏ những câu liên quan đến vẽ hình. Nhưng khi chấm bài, cô My ngạc nhiên với khả năng tư duy, tưởng tượng của học trò, một số em còn làm tốt hơn học sinh bình thường.
Bên cạnh những lớp học online như cho trẻ khiếm thính hoặc khiếm thị, các cô giáo hướng dẫn trẻ tự kỷ phải đến nhà dạy trực tiếp.
Cô Bùi Thuý Nga, 32 tuổi, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Tân Bình, thường đến nhà Nguyễn Hà Hải Nguyên để kèm học trò sau giờ trực tuyến buổi sáng. 9 tuổi, Nguyên vẫn đang trong tiến trình can thiệp để có thể học hòa nhập lớp 1.
Buổi học mở đầu bằng trò chơi tìm hình ghép trái cây. Nguyên phải tìm các mảnh ghép quả cam, táo, nho... theo đúng trình tự yêu cầu. "Đây là bài học Nguyên thích nhất nên phải dạy trước để tạo sự hứng thú. Tôi phải luôn đặt câu hỏi để con trả lời, động viên khuyến khích để con tự tin hơn", cô Nga chia sẻ.
Tiếp đó, ở trò chơi "Hoa nở trong nước", cô Nga chuẩn bị 5 bông hoa hướng dương giấy được gấp sẵn. Mỗi khi thả bông hoa vào thau nước, các cánh hoa nở bung ra, lộ hình ông mặt trời. Có hình cô giáo vẽ thiếu mũi, có hình thiếu miệng, tai. Nhiệm vụ của Nguyên là chỉ ra bộ phận nào còn thiếu rồi vẽ ông mặt trời hoàn chỉnh vào vở.
Phần tập đọc Tiếng Việt, Nguyên đang tập ghép vần đơn giản như "ba", "bà" , "mẹ", "cô", "bé"... Với môn Toán, cô yêu cầu Nguyên viết một trang số 3. Cô Nga cho biết, những bài tập này đơn giản, với học sinh bình thường có thể hoàn thành trong thời gian ngắn nhưng với trẻ tự kỷ, cần sự kiên trì.
"Các em thường tập trung kém, lại hay quên nên giáo viên phải thường xuyên lặp lại bài học, động viên, khen ngợi để tạo sự hứng thú", cô Nga chia sẻ. Hơn một năm qua, học trò thể hiện rõ sự tiến bộ. Từ một cậu bé hay làm nũng, cáu gắt khi học, cậu trở nên ngoan, thích thú học hơn.
Giống như Nguyên, hơn 2.600 học sinh khuyết tật tại TP HCM được học theo hai hình thức trực tuyến và trực tiếp. Ngoài việc dạy online, thầy cô còn quay video hướng dẫn học sinh tự học, gửi cho cha mẹ hoặc đến tận nhà kèm học sinh khuyết tật mức độ nặng, những em trong quá trình can thiệp để học hoà nhập.
Duy trì việc học trong đại dịch không phải là điều dễ dàng với Hải Nguyên và học sinh của cô Hoan, cô My. Tuy nhiên, các em vẫn được coi là những người may mắn khi nhà trường và giáo viên có thể tổ chức dạy trực tuyến. Theo báo cáo cuối năm học 2019-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có khoảng 600.000 trẻ khuyết tật học hoà nhập, 12.000 em học chuyên biệt.
Dạy học trực tuyến với học sinh bình thường vốn đã gặp nhiều khó khăn, duy trì hình thức này với học sinh khuyết tật là nỗ lực lớn của nhà trường và chính các em.
Theo vnexpress.net