Tôi tình cờ gặp anh Quân, chị Minh trong một lần ghé thăm cửa hàng của anh chị ở địa chỉ 381 đường Nguyễn Văn Cừ (TP Vinh). Cửa hàng 2 tầng, không rộng nhưng chất đầy chăn, đệm, gối, ga, được sắp xếp gọn gàng, dễ nhìn, dễ lấy. Anh quân cao ráo, đẹp trai nhưng bị câm và điếc, mỗi lần trao đổi công việc, chị Minh đều sử dụng “ngôn ngữ cử chỉ” và cả 2 người đều rất hiểu ý nhau…
“Hạnh phúc Tự Tâm”…
Dẫn tôi đến thăm cơ sở này, chị bạn gợi ý: “Vợ chồng anh Quân - chị Minh giỏi lắm. Chồng khuyết tật nhưng lấy được cô vợ rất xinh, đảm đang, tháo vát, khéo léo trong kinh doanh. Anh chị có 2 cháu, 1 trai, 1 gái rất kháu khỉnh”. Chị Minh đang đi kiểm tra cơ sở mới khai trương. Anh Quân đanh hoàn thiện sản phẩm gối và đệm để kịp giao cho nhà xe giường nằm Hùng Cúc. Anh Quân chào khách bằng nụ cười hiền lành, rồi lại chăm chú với công việc đang làm. Một lát sau, chị Minh có mặt tại cửa hàng với nụ cười… mát rượi.
Cơ sở 1 của anh Quân - chị Minh tại 381 đường Nguyễn Văn Cừ, TP Vinh, tỉnh Nghệ An |
Cửa hàng có 5 người khuyết tật cùng giúp việc cho anh Quân - chị Minh. Mỗi người được phân công một việc nhưng họ phối hợp với nhau rất ăn ý. Có khách đến, chỉ một động tác nhỏ là người nọ hiểu ý người kia, công việc được xử lý một cách rất thuần thục. Khách đến, từ lời chào, hỏi ý khách, lắng nghe khách trình bày, hướng dẫn khách chọn hàng, chọn mẫu, bê hàng ra xe… tất cả được thực hiện rất thuần thục, chuyên nghiệp y như những nhân viên lành lặn vậy.
Một góc nhỏ chính diện gian hành ở tầng 1, vợ chồng anh Quân - chị Minh dùng để đón khách, tư vấn cho khách về nhu cầu chọn và sử dụng sản phẩm. Có một bức tượng ông Di Lặc nhỏ nhưng được đặt trang trọng trên chiếc bàn nhỏ có trải tấm lụa vàng, đủ để khách cảm nhận được tấm lòng hướng thiện của chủ nhà.
Anh Quân và chị Minh đến với nhau năm 2003, cháu đầu năm nay đã tròn 15 tuổi với cái tên khai sinh là Mai Minh Tâm. Cháu thứ 2 sinh năm 2011 có tên là Mai Minh Tài. Khi cháu Minh Tâm tròn 5 tuổi, anh chị quyết định lập nghiệp bằng công việc kinh doanh này. Anh chị nhận làm đại lý phân phối độc quyền sản phẩm chăn, ga, gối, đệm cho hãng Edena.
Cơ sở thứ 2 của anh Quân - chị Minh tại 28 đừng Nguyễn Trãi, Tp Vinh |
Nhở “thuận vợ, thuận chồng”, công việc kinh doanh thuận lợi, anh Quân - chị Minh đã mở thêm được 1 đại lý ở địa điểm mới tại số nhà 28 đường Nguyễn Trái (TP Vinh) lấy tên là: “Đồng Tâm - Kiều Đàm”. Ở địa chỉ này, vợ chồng anh chị là đại lý cho sản phẩm: chăn, ga, gối, đệm thương hiệu Hàn Quốc và một số sản phẩm gỗ nội thất khác. Cơ sở này cũng có 5 người khuyết tật giúp việc cho anh chị và được trả lương như người lao động bình thường.
Hỏi về cuộc sống gia đình, chị Minh cười, nói vắn tắt: “Hạnh phúc Tự Tâm”- nghĩa là hạnh phúc ở ngay trong lòng mình, trong tâm của mỗi người, hãy bằng lòng với cuộc sống của mình đang có!
Nhân lên niềm tin cho những người khuyết tật
Chị Minh không muốn nói về bản thân mình. Chị bảo: “Em thấy chồng em là một người tuyệt vời, không hề khuyết tật. Anh ấy chăm chỉ, thương vợ con, tin em và chiều em hết lòng luôn”. Thỉnh thoảng, vợ chồng anh Quân - chị Minh lại tổ chức cho một nhóm những gia đình khuyết tật đến chùa để nghe các nhà sư giảng về đạo Phật. Chị bảo: “Cứ mỗi lần nghe thầy giảng, em thấy lòng mình như mở mang thêm, từ bi hơn và vợ chồng em cố gắng sống có ý nghĩa hơn cho gia đình và cho những người cùng cảnh ngộ”.
Một người thợ khuyết tật đang làm việc tại cơ sở anh Quân - chị Minh |
Từ suy nghĩ này, vợ chồng anh Quân - chị Minh đã vận động được 18 hộ gia đình đều là người khuyết tật, tham gia thành lập “Hội Doanh nhân Người Khuyết tật Khai Nghiệp - Tự lập”. Tiêu chí của Hội là nơi gặp gỡ của những người “đồng cảnh ngộ, tình yêu thương, nối vòng tay lớn, mở tâm từ bi đến tất cả người khiếm khuyết trong xã hội”.
Chị Minh chia sẻ: “Vợ chồng em muốn giúp đỡ những người cùng cảnh, giúp họ tự tin, xóa bỏ mặc cảm, tự lực vươn lên, nuôi day con nên người có ích cho gia đình và xã hội”. Chị bảo: “Thân người đã khó, làm người càng khó hơn”. Và vợ chồng anh Quân - chị Minh xác định: “Mình làm gương để cho các gia đình khiếm khuyết khác tự tin, làm theo”.
Hầu hết các buổi nghe giảng đạo Phật tại nhà chùa, anh Quân - chị Minh đều mời các gia đình cùng cảnh tham dự, cùng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, cùng ăn cỗ chay. Mọi chi phí do gia đình anh Quân - chị Minh tài trợ.
Một buổi giao lưu của “Hội Doanh nhân Người Khuyết tật Khai nghiệp - Tự lập” do anh Quân – chị Minh vận động thành lập |
Chị Minh chia sẻ: “Xã hội vẫn còn có khoảng cách với người khuyết tật. Nhiều công trình công cộng khi thiết kế hoặc thi công, không có chỗ cho người khuyết tật tham gia, sử dụng. Nghĩ mà thấy thương họ nhiều lắm!”
Chị Minh đưa cho tôi xem cuốn điều lệ thành lập “Hội Doanh nhân Người Khuyết tật Khai nghiệp - Tự lập” kèm theo danh sách 19 gia đình hội viên. Mỗi hộ gia đình khuyết tật đều đã có 1 nghề và họ mong muốn được nắm tay nhau, chia sẻ vui buồn với nhau như những người bình thường. Thật vui khi hộ gia đình nào cũng đã có những đứa con kháu khỉnh, lành lặn. Tôi thầm ước cho họ gặp thuận lợi trong công việc kinh doanh cũng như trong cuộc sống có quá nhiều bon chen, ích kỷ này.
Chị Minh bảo: “Lúc nào có điều kiện, em sẽ đưa anh đến từng gia đình để anh hiểu, anh cảm nhận được những nỗ lực mà họ đã vượt qua và cũng giúp vợ chồng em góp thêm tiếng nói để họ vững tin hơn trong cuộc sống”.
Tôi không dám hứa với chị Minh về thời gian, và có lẽ tôi sẽ tự tìm đến với họ vì đã có địa chỉ rõ ràng do anh chị cung cấp. Chia tay anh Quân - chị Minh, tôi cảm thấy ấm lòng hơn khi biết ở giữa lòng thành phố Vinh thân thương này đã có một mái nhà chung cho những gia đình khuyết tật. Hộ đã sống vì nhau, sống cho nhau bằng những mơ ước, khát khao rất bình dị nhưng cao quý này.