Bằng nghị lực vươn lên trong cuộc sống và tâm huyết, cống hiến trong công việc, chị Phan Thị Tường Vi, công chức văn phòng thống kê của UBND xã Ngọc Định (H.Định Quán) khiến những người xung quanh và đồng nghiệp nể phục, yêu mến.
Chị Phan Thị Tường Vi trong giờ làm việc tại UBND xã Ngọc Định (H.Định Quán) |
Chị Vi chia sẻ, chị sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lại không may bị khuyết tật từ nhỏ do di chứng từ cơn sốt bại liệt. Nhà nghèo không có tiền chạy chữa, 5 tuổi, chị Vi đã phải xa gia đình lên sống và học tập tại một trung tâm hỗ trợ dạy văn hóa và tập vật lý trị liệu miễn phí ở TP.HCM. Đến khi học lớp 5, thời điểm khả năng vận động của đôi chân tốt hơn, chị Vi mới được trở về học tại trường nhà.
* Nỗ lực vượt khó
Chị nhớ lại, thời gian đầu khi đi học, chị thường xuyên bị bạn bè trêu chọc vì đôi chân phải ngày ngày chống nạng tới trường. Đến năm học lớp 12, đúng thời điểm chuẩn bị thi đại học, biến cố lớn xảy ra với gia đình. Cha chị đổ bệnh rất nặng, còn công việc nuôi heo của mẹ vốn là nguồn thu nhập chính của gia đình bị thua lỗ nặng vì dịch bệnh. “Cha lúc ấy phải tìm đến chùa xin ở nhờ để được chữa bệnh đông y miễn phí vì không có tiền đi bệnh viện. Mẹ phải chạy vạy khắp nơi kiếm gạo nuôi 4 chị em tôi”- chị Vi nhớ lại.
Cú sốc lớn khiến chị Vi bị ảnh hưởng tâm lý nên thi rớt đại học. Thế nhưng, ý thức được việc chỉ có học tập, có tri thức mới thay đổi được cuộc sống, chị đã tham gia xét tuyển và trúng tuyển vào ngành Quản trị văn phòng của Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai (nay là Trường đại học Đồng Nai).
Vào trường học, với đôi chân tật nguyền, ban ngày chăm chỉ học tập, buổi tối Vi tranh thủ đi làm gia sư kiếm tiền tự trang trải chi phí sinh hoạt, sách vở ở giảng đường. Có những lúc túng thiếu, phải ăn mì gói thay cơm cả tuần, nhưng cô gái đầy nghị lực ấy vẫn chưa bao giờ có suy nghĩ bỏ cuộc... “Mỗi người chỉ sống một lần trên đời, phải cố gắng sống xứng đáng với công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, sống có ích cho xã hội” - chị Vi bộc bạch.
* Trách nhiệm, nhiệt huyết với công việc
Sau khi ra trường, được sự giới thiệu của một trung tâm giới thiệu việc làm cho người khuyết tật tại TP.HCM, chị Vi tìm được một công việc phù hợp với năng lực của mình. Khi biết H.Định Quán thi tuyển công chức, chị đã làm đơn thi và trúng tuyển; sau đó được phân công về làm việc tại Văn phòng UBND huyện rồi Văn phòng UBND xã Ngọc Định cho đến nay.
Nhiều năm qua, chị phụ trách vị trí công tác của một công chức văn phòng, thống kê với rất nhiều đầu việc cụ thể như tham mưu, giúp UBND xã trong các lĩnh vực: văn phòng, thống kê, cải cách hành chính, thi đua, khen thưởng, kỷ luật theo quy định của pháp luật... Sức khỏe, khả năng đi lại dù hạn chế nhưng ở phần việc nào, chị Vi cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chị từng được khen thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.
Trong suốt quá trình làm việc, bằng nhiều hình thức khác nhau, chị Vi còn chủ động học tập nâng cao trình độ như học thêm đại học ngành Kế toán, ngành Luật... để mở mang kiến thức, nâng cao hiểu biết và phục vụ tốt hơn cho vị trí công tác của mình. Năm 2016, chị vinh dự được kết nạp Đảng. “Là người trẻ, được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, tôi lại có thêm động lực hơn nữa để tiếp tục vượt khó, vươn lên, tiên phong, gương mẫu đi đầu trong thực hiện mọi nhiệm vụ được giao” - chị Vi nói.
Năm nay, chuẩn bị công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, chị Vi được lãnh đạo phân công thêm nhiệm vụ thành viên Ủy ban Bầu cử xã. Xác định vai trò của mình, chị Vi đã chủ động tham mưu cho UBND xã, Ủy ban Bầu cử xã chỉ đạo thực hiện các nội dung, phần việc đảm bảo đúng yêu cầu, tiến độ đề ra. Đặc biệt, chị thường xuyên bám sát địa bàn ấp được phân công cũng như địa bàn toàn xã để kịp thời giải thích, hướng dẫn cho các ấp, các tổ bầu cử thực hiện đúng với quy định. Dù đi lại khó khăn, nhưng chị Vi vẫn không ngần ngại nhiều lần tham gia cùng các lực lượng có liên quan đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà, lên bè, vào rẫy để lập, rà soát danh sách cử tri, tuyên truyền bầu cử tới bà con...
Để có thể kịp thời giải đáp mọi thắc mắc của người dân, của cán bộ ấp, tổ bầu cử trong quá trình triển khai, một mặt chị không ngừng tự nghiên cứu, cập nhật, nắm chắc các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, các văn bản hướng dẫn từ Trung ương, tỉnh đến huyện; mặt khác, chị thường xuyên giữ mối liên hệ với cán bộ phụ trách công tác bầu cử ở huyện để được hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Từ đó, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Ủy ban Bầu cử xã và hỗ trợ, hướng dẫn cho cơ sở, tuyên truyền, giải thích cho người dân...
Theo baodongnai.com.vn