Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành cho Người khuyết tật (NKT) sự quan tâm, chăm lo sâu sắc. Năm 2014, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, tháng 3/2019 phê chuẩn Công ước 159 của ILO về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho NKT, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động việc làm; Ngày 01/11/2019, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT. Ngày 05/8/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1019/QĐ-TTg phê duyệt đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020.
Xác định mối quan tâm của Đảng và nhà nước đối với NKT, ngay từ đầu năm 2020, Hội Bảo Trợ NKT&BVQTE tỉnh Tây Ninh đã xây dựng kế hoạch hoạt động Bảo trợ, trợ giúp người khuyết tật. Trong đó, “Chương trình sinh kế cho người khuyết tật” là một trong những chương trình thuộc “đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020” nhằm hổ trợ giúp cho hộ người khuyết tật có điều kiện chăn nuôi, sản xuất hoặc buôn bán nhỏ lẻ tạo thêm thu nhập nâng cao cuộc sống.
Đối với các câu lạc bộ người khuyết tật, từ ngày 03.07.2020 đến ngày 29.09.2020, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ Quyền Trẻ em (NKT&BVQTE) tỉnh Tây Ninh đã đến 07 Phường, xã phối hợp cùng chính quyền địa phương trao 66 suất vốn “hổ trợ sinh kế” cho người khuyết tật tại 07 câu lạc bộ người khuyết tật với tổng số vốn đã giao là 660 triệu đồng (mổi xuất 10 triệu đồng). Trong đó: xã Đồng Khởi (huyện Châu Thành) có 05 xuất; phường Long Thành Bắc (Thị xã Hòa Thành) có 13 xuất; phường Ninh Sơn (Thành phố Tây Ninh) có 14 xuất; xã Thạnh Bắc (huyện Tân Biên) có 04 xuất, xã Tân Phú (huyện Tân Châu) có 06 xuất, xã Tân Phong (huyện Tân Biên) có 16 xuất và xã Hiệp Thạnh (huyện Gò Dầu) có 08 xuất.
Ông Nguyễn Văn Quá, Chủ tịch Hội Bảo Trợ NKT&BVQTE tỉnh Tây Ninh cho biết, đây là chương trình giao vốn không tính lãi trong năm 2020 cho các NKT trong các Câu lạc bộ NKT trong tỉnh. Đây là nguồn vốn thuộc Quỹ Bảo trợ xã hội do Hội Bảo Trợ NKT&BVQTE Tây Ninh vận động, thuộc dự án “hổ trợ sinh kế cho người khuyết tật theo hình thức hổ trợ vốn có hoàn lại”, nhằm giúp cho NKT ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Ngoài các xuất vốn “hổ trợ sinh kế” nầy, 30 hộ NKT thuộc 3 Câu lạc bộ Phường Ninh Sơn, xã Đồng Khởi và xã Long Thành Bắc được cho mượn vốn không tính lãi (trong thời gian từ 1 đến 2 năm) với số tiền: 330 triệu đồng (từ 5- 10 triệu đồng/hộ).
Đồng thời, nhằm tạo phương tiện cho NKT thuận tiện trong việc làm kinh tế, ngoài việc Hội Bảo Trợ NKT&BVQTE tỉnh trao tặng 30 xe lăn và 30 xe lắc tay (trị giá gần 200 triệu đồng) để sinh hoạt; chi hội Bảo trợ chùa Tứ Phước đã trao tặng 06 xe máy (trị giá trên 50 triệu đồng) cho NKT làm phương tiện đi lại buôn bán.
Ngoài ra, 32 hộ gia đình NKT đã được các chi hội bảo trợ trao tặng 32 con bò sinh sản để chăn nuôi làm kinh tế, với tổng trị giá trên 600 triệu đồng ( Trong đó, Quỹ của Tỉnh Hội chuyển trực tiếp: 01 con; Chùa Cẩm Phong tặng: 16 con, Chùa Tứ Phước tặng: 02 con, Câu lạc bộ Nữ từ thiện: 12 con, Tổ Bếp ăn từ thiện Trung tâm Y tế Tân Châu: 01 con). Hiện nay, các con bò trên đều được các hộ gia đình nầy chăn nuôi chăm sóc phát triển tốt. Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Sinh kế cho người khuyết tật” của tỉnh. Cách làm mới này nhằm giúp người tàn tật có vật nuôi để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Với phương châm “Trao cho người khuyết tật cần câu, chứ không cho con cá”, với “Chương trình sinh kế cho người khuyết tật” của Hội Bảo Trợ NKT$BVQTE tỉnh Tây Ninh, đã vận động mọi tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội để cùng chia sẻ, đồng cảm, chung tay góp sức chăm lo nhiều hơn nữa cho những người khuyết tật. Đây là hướng trợ giúp thoát nghèo cải thiện chất lượng cuộc sống hiệu quả cho người khuyết tật. Và hơn thế nữa, dự án còn góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức của những người xung quanh trong việc giúp đỡ, động viên người khuyết tật, từ đó tình yêu thương trong xã hội cũng được cải thiện hơn. Đây là Chương trình trợ giúp NKT có ý nghĩa quan trọng đến đời sống kinh tế, văn hóa và vị thế của NKT. Chương trình cũng đã thay đổi nhận thức, quan điểm, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể và xã hội đối với vấn đề khuyết tật và NKT. Người khuyết tật đón nhận chương trình với tình cảm phấn khởi, tin tưởng; nhiều người khuyết tật được hỗ trợ bằng nhiều hình thức, nhiều người được học nghề, có việc làm, có thu nhập, đời sống được cải thiện.
Công tác chăm lo cho người khuyết tật là đạo lý, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của mọi người và của cả cộng đồng, để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người khuyết tật. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả cao cần có sự tham gia chung tay của toàn xã hội. Trong đó, các đơn vị, các cơ quan, doanh nghiệp… là đơn vị đầu mối, trọng tâm và khi chăm lo cho người khuyết tật cần đảm bảo quyền lợi và lợi ích của người khuyết tật, không phân biệt đối xử với họ để họ mất tự tin, cảm thấy mình là gánh nặng cho mọi người.
Phước Hải