“Trẻ em như búp trên cành”, luôn cần được chăm sóc, nâng niu, bảo vệ. Nhưng đối với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sự thiếu thốn về tình cảm luôn kéo theo những bất lợi về điều kiện chăm sóc sức khỏe, cơ hội học tập. Tiếp sức để các em không rơi vào nguy cơ bỏ học, giúp các em ổn định cuộc sống, Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng đổi mới hoạt động, xây dựng các chương trình trợ giúp có hiệu quả, một trong số đó là chương trình Tiếp sức đến trường với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Đổi mới để hoạt động hiệu quả hơn
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên, nhiều chính sách, chương trình hành động cụ thể nhằm tạo sự bình đẳng về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí cho trẻ em, bảo vệ chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng thường xuyên được tổ chức. Tuy nhiên, do điều kiện về kinh tế xã hội, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chủ yếu sinh sống trong các gia đình nghèo tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Chung tay cùng Nhà nước, phát huy vai trò của một tổ chức xã hội có chức năng bảo trợ, chăm sóc người khuyết tật, bảo vệ quyền trẻ em, nhằm tiếp sức để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được học tập, cải thiện cuộc sống, thời gian qua, Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện nhiều chương trình có hiệu quả như: Thăm hỏi, động viên, tặng quà, trao tặng xe đạp, học bổng… Đặc biệt, nhằm huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trong việc chăm sóc, trợ giúp trẻ em ổn định cuộc sống, có cơ hội thực hiện các quyền của mình và hòa nhập cộng đồng, tỉnh Hội đã phối hợp cùng Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình Tiếp sức đến trường với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo hình thức hỗ trợ học bổng dài hạn.
Trên cơ sở số liệu khảo sát sơ bộ của huyện Định Hóa, thành phố Thái Nguyên và thị xã Phổ Yên có 88 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang sống ở cộng đồng cần có sự trợ giúp, tỉnh Hội lập hồ sơ từng đối tượng để vận động tài trợ. Mục tiêu là hỗ trợ kinh phí để các em trang trải cuộc sống, học tập đến năm 16 tuổi với mức hỗ trợ trung bình 500.000 đồng/em x 10 tháng/năm. Mỗi năm sẽ trao làm 2 đợt từ tháng 9 đến tháng 12 và từ tháng 1 đến tháng 6.
Chương trình khởi động từ năm học 2020-2021. Trong điều kiện tình hình dịch bệnh kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, điều kiện xã hội. Tỉnh Hội Thái Nguyên đã rất nỗ lực vận động được 53 triệu đồng, kịp thời hỗ trợ đợt 1 cho 11 em có hoàn cảnh khó khăn.
Phấn đấu vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em
Có thể nói, với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang sống tại cộng đồng, do thiếu thốn về tình cảm, kinh tế lại khó khăn nên các em rất dễ rơi vào nguy cơ phải nghỉ học. Việc đưa các em vào sinh sống tập trung trong các Trung tâm Bảo trợ xã hội có thể giúp các em ổn định hơn, tuy nhiên đây không phải giải pháp tối ưu. Cách làm của Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thái Nguyên và Trung tâm Công tác xã hội tỉnh được coi là hình thức tốt nhất, đảm bảo nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Sống tại cộng đồng với gia đình thay thế, với ông bà, họ hàng… các em có cơ hội phát triển đầy đủ hơn cả về thể chất và tinh thần, được hỗ trợ chi phí học tập thường xuyên, lâu dài, giúp các em ổn định tâm lý, sức khỏe, học tập và góp phần giảm thiểu nguy cơ đe dọa đến cuộc sống của các em.
Ngoài việc được hỗ trợ kinh phí, các em học sinh mồ côi sống trong các gia đình còn được các nhân viên của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên tư vấn trực tiếp, mời tham gia các buổi sinh hoạt chuyên đề để nâng cao kiến thức và trang bị các kỹ năng sống cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ… Nhờ vậy, cuộc sống của các em dần ổn định và vơi bớt khó khăn.
Trần Quang Quyền (sinh năm 2006) xóm Tân Thịnh, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ là một trong số những em đầu tiên nhận được sự hỗ trợ của tỉnh Hội. Quyền mồ côi cha mẹ, em sống với bà tuổi đã cao lại thuộc diện hộ nghèo. Điều kiện kinh tế khó khăn khiến Quyền có nguy cơ phải nghỉ học bất cứ lúc nào nếu không được giúp đỡ. Trước hoàn cảnh của em, từ năm học này Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thái Nguyên đã vận động hỗ trợ em 500.000 đồng/tháng để em trang trải học tập. Cùng với Quyền, Đỗ Quốc Huy (sinh năm 2009) ở xóm Vân Khánh, xã Văn Lăng, Đồng Hỷ cũng rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khi không có bố, mẹ bị câm điếc bẩm sinh. Hai mẹ con sống nương nhờ bà ngoại vốn thuộc diện hộ nghèo. Sự hỗ trợ của tỉnh Hội Thái Nguyên với suất học bổng dài hạn như chiếc “phao cứu sinh” giúp em ổn định tâm lý, yên tâm học tập.
Đến nay, mô hình này đã huy động được sự tham gia của toàn xã hội trong việc chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trẻ em bình thường tại nơi cư trú, giúp các em ổn định cuộc sống và có cơ hội thực hiện các quyền của mình. Từ đó, các em sẽ hòa nhập cộng đồng trở thành người có ích để xây dựng quê hương, đất nước.