Ngày 9/12, tại Thái Bình, Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động Hội năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Tới dự hội nghị có ông Bùi Văn Huân - Phó Giám đốc Sở  Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, đại diện các Sở, ban ngành tỉnh Thái Bình cùng 180 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ các tỉnh thành Hội trong cả nước.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lương Phan Cừ - Chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam nhấn mạnh, năm 2020, trong điều kiện có nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, tình hình thiên tai bão lũ diễn biến phức tạp, song với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ hội viên, cả hệ thống Hội vẫn duy trì nguồn quỹ Hội và bảo trợ cho trên 4,2 triệu lượt NKT, TMC, người nghèo có hoàn cảnh khó khăn… Chủ tịch đánh giá cao nỗ lực của tập thể cán bộ, hội viên của Hội trong đó có nhiều Hội có được nhịp độ vận động tài trợ khá cao như Lâm Đồng, Vĩnh Long, An Giang, Bình Phước.. Điểm lại một số hoạt động tiêu biểu trong năm 2020, Chủ tịch Trung ương Hội biểu dương tinh thần chủ động, sáng tạo, đoàn kết, sẻ chia của các tỉnh thành Hội trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 cũng như đợt thiên tai bão lũ tại miền Trung. Trong bài phát biểu của mình, ông Lương Phan Cừ cũng thông tin đến các đại biểu việc 6 đại biểu của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tham gia chương trình Gương sáng thầm lặng vì cộng đồng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức đồng thời khẳng định, đây chỉ là những đại diện cho hàng trăm cán bộ Hội đang hoạt động thầm lặng vì cộng đồng, vì NKT, TMC, người yếu thế.

129470164_1065787170551070_1222339854206572743_n

Ông Lương Phan Cừ - Chủ tịch Trung ương Hội phát biểu khai mạc

584 tỷ đồng, 4,2 triệu lượt NKT, TMC được hỗ trợ

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Đàm - PCT Trung ương Hội đã điểm lại những kết quả hoạt động của hệ thống Hội trong năm 2020, một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Hội năm 2021. Theo báo cáo, năm 2020, Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội đã tập trung vào các hoạt động vận động, huy động nguồn lực trong nước và nước ngoài bằng nhiều phương thức, cách làm đa dạng, phong phú, sáng tạo và hiệu quả. Tổng nguồn lực cả nước do Hội chủ trì, vận động (bằng tiền và hiện vật quy tiền) đạt 584 tỷ đồng (năm 2019 là 624 tỷ đồng). Trong đó, vận động nguồn trong nước chiếm 90%, vận động nguồn nước ngoài chiếm 10%. Nhiều tỉnh, thành Hội vận động quỹ Hội đạt kết quả cao như: Vĩnh Long 79 tỷ; Lâm Đồng 87 tỷ; An Giang 59 tỷ; Bình Phước 27 tỷ, Tiền Giang 26 tỷ; Đồng Tháp 22 tỷ; Bình Thuận, Trà Vinh 19 tỷ; Tây Ninh 18 tỷ; Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu 17 tỷ; Thanh Hóa 16 tỷ; Hà Tĩnh 15 tỷ; Hậu Giang, Phú Yên, Quảng Nam 11 tỷ; Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh 10 tỷ; Quảng Trị, Quảng Bình....  tỷ. Một số tỉnh Hội thuộc địa bàn kinh tế còn nhiều khó khăn, xáo trộn về tổ chức, nhưng cũng đã rất cố gắng trong công tác vận động quỹ Hội. (Chi tiết tại bảng phụ lục kèm theo, số liệu báo cáo tính từ 20/11/2019 đến ngày 20/11/2020). Ngoài ra, Hội đã phối hợp với các đơn vị khác thực hiện các hoạt động trợ giúp đối tượng với tổng trị giá hơn 60 tỷ đồng (năm 2019 là 40 tỷ đồng).

Với nguồn quỹ vận động được, trong năm 2020, Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã tiếp tục triển khai thực hiện 6 chương trình bảo trợ trọng tâm của Hội và tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp khác cho hơn 4,2 triệu lượt NKT, TMC, bệnh nhân nghèo và các đối tượng khó khăn, yếu thế khác với giá trị chi ra là 512 tỷ đồng, trong đó: Phẫu thuật mắt thay thủy tinh thể cho 7.900 người khiếm thị với tổng số tiền chi là 25 tỷ đồng; Phẫu thuật chỉnh hình PHCN cho 118 NKT, với tổng số tiền chi là 1 tỷ đồng; Mổ tim cho 191 người, trong đó chủ yếu là trẻ em, với tổng số tiền là 13 tỷ đồng; Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 161.000 lượt người với số tiền là 31 tỷ đồng; Hỗ trợ mua thẻ BHYT cho 51.000 người NKT, TMC và một số đối tượng khác thuộc hộ cận nghèo với số tiền là 10 tỷ đồng. Chương trình xe lăn được duy trì thường xuyên, kịp thời trợ giúp đối tượng cải thiện “đôi chân” giúp họ có điều kiện sinh hoạt tốt hơn. Năm 2020, Hội đã tặng 8.000 lăn, xe lắc, xe bại não, dụng cụ khác cho NKT với trị giá 17 tỷ đồng. Chương trình xe đạp tiếp tục phát huy với số lượng 3.200 xe đạp được tặng cho TMC, trẻ em nghèo trị giá 5 tỷ đồng. Hoạt động trợ giúp cải thiện sinh hoạt được thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú, góp phần đáng kể trong việc cải thiện cuộc sống của 586.000 lượt người thụ hưởng với tổng giá trị 210 tỷ đồng. Hoạt động hỗ trợ sinh kế, giảm nghèo đã hỗ trợ cho 3.200 lượt người hưởng lợi với tổng số tiền 21,8 tỷ đồng.

130007569_816100405890921_5455084962779405251_n

Ông Nguyễn Trọng Đàm - PCT Trung ương Hội báo cáo tại hội nghị

Trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, với sự chủ động, sáng tạo, Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội đã hỗ trợ cho 52.000 lượt người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 bằng tiền, hiện vật với tổng giá trị là 15 tỷ đồng. Các hoạt động tặng quà, khẩu trang, nước sát khuẩn, gạo... được nhiều tỉnh, thành Hội tích cực triển khai. Hải Phòng cử cán bộ Hội tham gia các chốt phòng dịch. Tiền Giang tổ chức cây ATM gạo để phát gạo và quà miễn phí cho bà con nghèo TP. Mỹ Tho. Với tinh thần tương thân tương ái, đã thành truyền thống, các tỉnh, thành Hội luôn duy trì hoạt động trợ giúp lẫn nhau đối với đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ. Năm 2020 miền Trung gánh chịu hậu quả nặng nề, nhiều tỉnh, thành Hội như Lâm Đồng, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng... đã vận động các tổ chức, cá nhân và tổ chức các chuyến đi cứu trợ cho các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh.... Trung ương Hội đã vận động Thượng tọa Thích Định Tánh (Tây Ninh), nhạc sĩ Minh Khang, Qũy “Đứa bé và những người bạn”, cùng các nhà hảo tâm tổ chức nhiều đợt đi ủng hộ đồng bào miền Trung. Kết quả hoạt động này đã tặng khoảng 15.000 suất quà bằng tiền, hiện vật với giá trị hơn 14 tỷ đồng.

Ngoài các hoạt động trọng tâm, năm 2020, các tổ chức Hội đã thực hiện nhiều hoạt động khác như: tặng máy tính, dụng cụ sản xuất, cung cấp suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo, hỗ trợ phẫu thuật phụ khoa, mổ sứt môi hở hàm ếch, tổ chức bếp cơm tình thương, xây trường học, xây cầu, làm đường giao thông nông thôn, tặng góc học tập, đồ dùng sinh hoạt, nuôi dưỡng, trợ giúp NKT, TMC, người già, người nghèo, trợ cấp đột xuất, hỗ trợ mai táng... với tổng kinh phí khoảng 80 tỷ đồng.

Nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức được triển khai

Cùng với công tác bảo trợ NKT, TMC, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về NKT, quyền của NKT, trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội trong việc trợ giúp NKT, tạo cơ hội để NKT vươn lên hòa nhập cộng đồng. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên nhiều các hoạt động tập trung đông người không được tổ chức, các chương trình định kỳ hàng năm của nhiều tỉnh, thành Hội như Đà Nẵng với “Những trái tim hồng”, Hải Phòng “Những trái tim nhân hậu”, Quảng Ninh “Nối vòng tay nhân ái”… nhằm tuyên truyền vận động quỹ đều không thực hiện được.

130184596_1604400369747864_5619247276332220471_n_1

Để khắc phục tình trạng này, các địa phương duy trì một số hoạt động tập trung ít người, tuyên truyền qua mạng, báo, đài, treo băng rôn, khẩu hiệu, in tờ rơi... Quảng Nam mở chuyên mục hàng tuần trên Báo, Đài của tỉnh với tên gọi “Hội với công tác xã hội”. Một số tỉnh, thành Hội tổ chức Hội nghị biểu dương NKT, TMC và người bảo trợ tiêu biểu như: Bình Phước, Thanh Hóa, Gia Lai, Điện Biên, Thái Bình, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Kon Tum...  Nhân dịp trung thu và năm học mới, Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi quan tâm tới học sinh khuyết tật, mồ côi, nghèo. Trung ương Hội đã tổ chức chương trình “Trung thu yêu thương” tại Thái Nguyên. Phó Chủ tịch Quốc hội thường trực Tòng Thị Phóng đã gặp mặt, động viên 100 học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Thái Nguyên tại Hà Nội. Tỉnh Hội Bình Dương, Bình Phước, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu... phối hợp với Sở LĐTBXH, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức Hội thi văn nghệ, hội thao NKT, Điện Biên tổ chức đi bộ cho NKT, Vĩnh Long tổ chức hội thi nấu ăn cho phụ nữ khuyết tật.

          Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, các tổ chức thành viên đã phối hợp các ngành tuyên tuyền thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, phát tờ rơi, khẩu trang miễn phí tại cộng đồng. Vận động tặng quà, giảm tiền nhà trọ, thực hiện nghiêm quy định về giãn cách xã hội, đeo khẩu  trang, khai báo y tế. Đến nay, trong toàn hệ thống Hội không ghi nhận ca nhiễm nào. Trung ương Hội cũng như các tỉnh, thành Hội đã chú trọng đổi mới tạp chí, nâng cấp trang website asvho.vn nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính sách pháp luật, kết nối vận động quỹ, biểu dương các tấm gương điển hình, thông tin về các hình thức hoạt động, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình...

Các hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức xã hội, xóa bỏ rào cản giúp người khuyết tật tự tin, vươn lên hòa nhập cộng đồng; kết nối tập hợp ngày càng nhiều tấm lòng hảo tâm ủng hộ, đóng góp nguồn lực để trợ giúp NKT, TMC và người yếu thế khác thông qua các hoạt động của Hội. Tuy nhiên, do còn khó khăn về kinh phí hành chính nên cũng còn nhiều mặt hạn chế, một số tỉnh, thành chưa tận dụng được tiện ích của công nghệ thông tin trong tuyên truyền, chưa xây dựng được website.

Trong năm 2021, Trung ương Hội cùng các tổ chức thành viên tập trung : Quán triệt Chỉ thị 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT, thực hiện Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện  Chỉ thị 39-CT/TW, Quyết định số 1190/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 05/8/2020 phê duyệt Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2021 - 2030. Phát huy tinh thần tích cực, sáng tạo, đổi mới, tập trung huy động nguồn lực xã hội nhằm chủ động thực hiện có hiệu quả 6 chương trình bảo trợ trọng tâm và các hoạt động trợ giúp khác  đối với NKT, TMC và các đối tượng yếu thế khác. Tập trung vào các hoạt động gắn với thực hiện chính sách, chương trình, Đề án của nhà nước liên quan đến NKT, TMC. Tập trung thực hiện nhiệm vụ góp phần thực hiện các chỉ tiêu của năm đầu kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 và chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc. Thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam lần thức VI, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Bên cạnh vận động nguồn lực, chú trọng tới việc khai thác các nguồn lực thông qua phối hợp liên kết để góp phần tăng nguồn lực vật chất, con người và tinh thần để thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạt động Hội, thích ứng và tận dụng công nghệ 4.0.

Hoàng Dung

Tin liên quan