Sáng 14/12, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bắc Ninh lần thứ III, nhiệm kỳ 2022 – 2027 và thông qua việc đổi tên thành Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Bắc Ninh.
Đoàn chủ tịch điều hành đại hội
Trong nhiệm kỳ qua, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bắc Ninh đã đóng góp hiệu quả vào thực hiện chính sách an sinh xã hội, vận động nguồn lực bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật (NKT) và trẻ mồ côi (TMC) trên địa bàn. Từ sự trợ giúp của Hội, NKT, TMC tiếp cận các chính sách, nguồn lực và các dịch vụ; tạo cơ hội để họ cải thiện sức khỏe, được học chữ, học nghề, tạo sinh kế, có việc làm, thu nhập ổn định cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cao đời sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng, tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội.
Nhiệm kỳ II (2017-2022) đánh dấu sự chuyển hướng rõ nét trong công tác của Hội với việc tham gia tích cực đóng góp ý kiến về những chính sách liên quan đến NKT, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Dù gặp khó khăn do dịch COVID-19, Hội triển khai kịp thời, đầy đủ cho các hội viên, phổ biến rộng rãi các chủ trương chính sách, chương trình, Đề án lớn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về giảm nghèo, an sinh xã hội, trợ giúp NKT, TMC. Hội tập trung vận động các nguồn lực đề ra những giải pháp phù hợp, hỗ trợ mang tính bền vững, giải quyết kịp thời khó khăn trước mắt cho các đối tượng.
Toàn cảnh đại hội
Trong nhiệm kỳ II, bằng nhiều hình thức, tỉnh Hội Bắc Ninh đã huy động được nguồn quỹ hơn 4,8 tỉ đồng để thực hiện các chương trình trọng tâm của Hội gắn với nhiệm vụ được giao. Thông qua nguồn quỹ huy động từ các mạnh thường quan và cộng đồng, Tỉnh Hội đã thực hiện khám sàng lọc khuyết tật vận động cho 148 người, phẫu thuật cho 16 NKT vận động. Khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho 172 trẻ em, chỉ định phẫu thuật cho 40 trẻ và phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch cho 12 trẻ khác. Tỉnh Hội cũng đã tặng 326 xe lăn, xe bại não cho NKT vận động. Trao tặng 60 xe đạp cho học sinh khuyết tật nhẹ, học sinh mồ côi nghèo. Hội cũng chủ động tìm nguồn kinh phí, khai thác những ngành nghề phù hợp với khả năng của từng nhóm NKT, liên kết, phối hợp mở lớp đào tạo nghề cho 293 người khuyết tật, tập trung chủ yếu ở một số ngành nghề như: dệt may, thêu tay thủ công, đan bó chổi chít, mây tre đan, làm các sản phẩm lưu niệm khác… Sau khi học nghề, NKT được giới thiệu làm việc tại một số doanh nghiệp, cơ sở làng nghề, có thu nhập ổn định. Đồng thời, qua các hoạt động của Hội, hàng chục nghìn lượt người NKT, trẻ mồ côi hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ với nhiều hoạt động thiết thực như: thăm, tặng quà nhân các dịp lễ Tết;, đồ dùng sinh hoạt (tivi, chăn ấm, máy tính), trợ cấp khó khăn đột xuất, hỗ trợ học bổng, xe đạp; khám sàng lọc tim bẩm sinh, hở hàm ếch, khuyết tật cho trẻ em… Các hoạt động góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách đối với NKT, trẻ mồ côi; khơi dậy và phát huy truyền thống “tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc. Đời sống vật chất, tinh thần của NKT được cải thiện đáng kể; có thêm những cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát huy khả năng và tự lực trong cuộc sống. Nhiều NKT, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, trở thành tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vượt khó, lan tỏa tinh thần tích cực trong cộng đồng.
Chủ tịch Hội, Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại đại hội
Tham dự và phát biểu tại đại hội, Chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Đàm ghi nhận những cố gắng và kết quả haotj động của Tỉnh Hội Bắc Ninh thời gian qua trong công tác chăm sóc, bảo trợ các đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh. Đồng thời Chủ tịch Trung ương Hội cũng đề nghị Ban chấp hành khóa III của Tỉnh Hội Bắc Ninh tăng cường công tác kết nối những tấm lòng hảo tâm để huy động nguồn lực lớn hơn xứng tầm với một tỉnh có nền kinh tế phát triển như Bắc Ninh. Qua đó hỗ trợ tốt hơn nữa NKT, TMC người yếu thế khác trên địa bàn. Hội cần chủ động phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Sở LĐ-TB&XH hoạch định chính sách vừa bảo vệ quyền lợi cho NKT, trẻ mô côi và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vừa ngăn ngừa các yếu tố làm tăng dạng khuyết tật; đẩy nhanh việc chuyển đổi từ công tác hỗ trợ từ thiện thuần túy sang hoạt động trợ giúp bền vững; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nhân rộng các tấm gương vượt khó, vươn lên của NKT, trẻ mồi côi. Chủ tịch Hội, Nguyễn Trọng Đàm cũng mong Tỉnh Hội Bắc Ninh mở rộng, phát triển tổ chức hội xuống cơ sở, trợ giúp toàn diện cho đối tượng cần được bảo trợ, phát triển tổ chức hội để giúp NKT, TMC tiếp cận sâu hơn, đầy đủ hơn với các chính sách của nhà nước. Chủ tịch Nguyễn Trọng Đàm cũng đề xuất tỉnh Hội Bắc Ninh đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ trong vận động nguồn lực, kết nối mạnh thường quân với những hoàn cảnh yếu thế qua đó mở rộng tầm ảnh hưởng và lan tỏa những giá trị cốt lõi của hoạt động hội cũng những giá trị nhân văn, nhân ái của cộng đồng.
Ban chấp hành khóa III chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Trung ương hội, lãnh đạo tỉnh và ban chấp hành khóa II
Tại đại Hội nhiệm kỳ III (2022 -2027), Đại hội Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bắc Ninh đã bầu ra ban chấp hành hội khóa III gồm 15 thành viên và đồng ý thông qua biểu quyết đổi tên hội từ Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bắc Ninh thành Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Bắc Ninh. Đại hội cũng bầu ông Ngô Bá Tiến - nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh làm chủ tịch Hội khóa III, nhiệm kỳ 2022 – 2027.
Chủ tịch Hội, Nguyễn Trọng Đàm trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác chăm sóc NKT, TMC
Trong nhiệm kỳ III (2022-2027), với tinh thần hướng về cộng đồng, Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Bắc Ninh đề ra mục tiêu vận động xây dựng quỹ bình quân mỗi năm đạt từ 1 - 1,5 tỷ đồng (gồm cả hiện vật quy tiền); phối hợp với các cơ quan chức năng đào tạo nghề, tạo việc làm cho 1.500 người khuyết tật; cấp 250 suất học bổng cho học sinh là trẻ mồ côi con người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng 300 xe lăn cho người khuyết tật vận động, 100 xe đạp cho trẻ mồ côi; trợ cấp khó khăn cho 100 - 200 NKT; thực hiện đa dạng các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, góp phần bảo đảm quyền của NKT, các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhằm khuyến khích, động viên người khuyết tật và trẻ mồ côi phấn khởi, tự tin trong cuộc sống, giúp mọi người và cộng đồng xã hội thấy rõ trách nhiệm đối với NKT và trẻ mồ côi.
Vũ Kiên