Dự lễ kỷ niệm trực tiếp tại Trung tâm Đào tạo Cán bộ PHCN cho người mù có đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Nguyễn Cửu Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ; đồng chí Phan Thị Thuỳ Trâm, Phó Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ, đồng chí Trần Ngọc Hùng, Vụ trưởng Vụ Lao động, Văn hoá, Xã hội, đồng chí Lê Thị Tường Thu, Chủ tịch Công đoàn cùng đại diện các Cục, vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng chí Phạm Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ; đại diện các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Ban Dân vận Trung ương; Ban Đối ngoại Trung ương, Văn Phòng Chủ tịch nước, các Bộ Nội Vụ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Ngân hàng Chính sách xã hội, Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức của và vì người khuyết tật, các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành TW Hội, lãnh đạo 12 Tỉnh, Thành hội khu vực phía Bắc và cán bộ, giáo viên, học viên khoá 93 đang học tập, làm việc tại Trung tâm. Tham dự tại 150 điểm cầu trực tuyến là đông đảo cán bộ, hội viên từ 58 Tỉnh, Thành hội và các Huyện, Thị, Thành hội trên toàn quốc.
Đặc biệt, lễ kỷ niệm vinh dự nhận lẵng hoa tươi thắm, quà chúc mừng của quyền Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và công đoàn Bộ, Ban Dân vận Trung ương, các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể, Ngân hàng Chính sách xã hội và các Tỉnh, Thành hội.
Phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm, đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội khẳng định: Ngày 17/4/1969 là mốc son, dấu ấn lịch sử, bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển bình đẳng, hạnh phúc của người mù Việt Nam. Hội ra đời nhằm tập hợp người mù trên cả nước tham gia vào tổ chức Hội để được chăm lo đời sống, vật chất và tinh thần. Được học chữ, học nghề, tạo việc làm, tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao… đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn đối với người mù của cộng đồng xã hội.
Ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm.
Đồng chí Phạm Viết Thu cũng chia sẻ: Lễ kỷ niệm cũng là ngày hội lớn của người mù Việt Nam, là đợt sinh hoạt chính trịnh sâu rộng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là dịp tốt để các thế hệ cán bộ, hội viên tiêu biểu tham gia trực tiếp, trực tuyến ôn lại những kết quả, thành tích trong suốt chặng đường 55 năm hoạt động hội, thể hiện một quyết tâm cao tiếp tục đoàn kết đẩy mạnh toàn diện các mặt hoạt động, ngày càng đi vào chiều sâu, đa dạng và phong phú, đạt nhiều hiệu quả, góp phần xây dựng Hội ngày càng phát triển nhằm không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống hội viên để thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội của Nhà nước.
Diễn văn ôn lại truyền thống 55 năm ngày thành lập của Hội do đồng chí Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội trình bày một lần nữa khẳng định: Sự ra đời của Hội là một dấu ấn lịch sử, một bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc của người mù. Hội đã thực sự là mái nhà chung, chỗ dựa tin cậy của người mù cả nước.
Với phương châm tự thân vận động, sự nghiệp của Hội phải do cán bộ, hội viên xây dựng nên, lấy con đường văn hoá, mở các lớp dạy chữ, dạy nghề để tập hợp hội viên, thành lập các tổ chức cơ sở, lấy lao động sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao đời sống người mù; đến nay, Hội đã có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trung ương tới địa phương với 58 tỉnh, thành có tổ chức Hội (trong đó có 4 đơn vị là thành viên liên kết), 426 Quận, Huyện hội, 532 Hội xã, phường, 3.124 Chi hội và 72.714 hội viên.
Hội đang quản lí 384 cơ sở cùng nhiều tổ nhóm sản xuất, dịch vụ với hơn 4000 lao động từ các mặt hàng thủ công mĩ nghệ, văn phòng phẩm, đồ gỗ, xoa bóp bấm huyệt... Doanh thu của các cơ sở và thu nhập của người lao động ngày càng tăng. Có đơn vị đã có hàng thủ công xuất khẩu. Chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm được triển khai từ năm 1992, đến nay, Hội đang quản lí số vốn vay hơn 52,6 tỉ đồng theo kênh Trung ương và 18,7 tỉ đồng kênh địa phương. Hàng vạn Hội viên đã cùng gia đình sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và trả nợ đầy đủ, đúng hạn, được Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan quản lí nhà nước đánh giá cao.
Cùng với những chính sách an sinh xã hội của nhà nước, Hội còn vận động sự giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước làm hàng ngàn ngôi nhà tình nghĩa, tình thương, giếng nước sạch, sổ tiết kiệm, thẻ bảo hiểm y tế, trợ cấp, trao quà trị giá hàng trăm tỉ đồng cho người mù nghèo, ốm đau, hoạn nạn hay khi tết đến xuân về.
Công tác phụ nữ, trẻ em được Hội triển khai có hiệu quả qua các chương trình: Chung tay hỗ trợ “mái ấm tình thương” cho phụ nữ mù khó khăn về nhà ở, chương trình tặng quà, trợ cấp khó khăn, các buổi gặp mặt, giao lưu, tập huấn, hội thảo, diễn đàn, hội thi… đã giúp chị em và các cháu có thêm kiến thức, kĩ năng, tự tin thể hiện khả năng, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình với tổ chức Hội và cộng đồng. Thông qua hàng nghìn lớp học chữ, học nghề, hàng chục nghìn người mù đã đọc thông, viết thạo, gần 800 hội viên trẻ có trình độ đại học và trên đại học, hàng nghìn em đang học phổ thông. Chương trình tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin được Hội triển khai từ năm 2002 đã góp phần tích cực nâng cao dân trí cho hội viên và năng lực làm việc của các cấp Hội. Tạp chí Đời Mới với hàng nghìn trang in, đĩa CD, sách chữ nổi và các nền tảng truyền thông của Hội cùng hàng nghìn tin, bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần mang lại thông tin, kiến thức, nối vòng tay yêu thương và thúc đẩy phong trào thi đua trong toàn Hội, đồng thời, lan tỏa những tấm gương người khiếm thị giàu ý chí, nghị lực tới cộng đồng. Hàng trăm giải thưởng tại các kỳ liên hoan "Tiếng hát từ trái tim", các cuộc thi tay nghề, thi viết, thi kể chuyện… của Hội và các hội thi, hội diễn do các ban ngành, đoàn thể tổ chức cùng với hàng trăm tấm huy chương tại Hội thi Thể thao người khuyết tật toàn quốc và Para Games đã nói lên sự cố gắng của Hội, sự quyết tâm vươn lên chiến thắng tật nguyền của cán bộ, hội viên, khơi dậy niềm lạc quan và những giá trị tích cực trong cộng đồng xã hội.
Trong công tác đối ngoại, Hội đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ về cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị và các kiến thức, kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ các tổ chức quốc tế như: Đại sứ quán Nhật Bản, Đại sứ quán Anh; Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc; Hội Người mù các nước: Liên Xô, Đức, Hội tàn tật thị lực Thụy Điển, Hội Người mù và kém mắt Na Uy, Liên đoàn công dân mù Australia, cùng các tổ chức phi Chính phủ tại Hàn Quốc, Mĩ, Phần Lan...
Sáng kiến Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát động năm 2019 đã mang đến hơn 28650 cây gậy trắng cho người mù trong cả nước cùng nhiều lớp tập huấn sử dụng gậy được tổ chức, giúp người mù đi lại an toàn, chủ động, tự tin tham gia các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng.
Thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa, Hội đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chung tay cùng các cơ quan quản lí Nhà nước đưa Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị và người khuyết tật chữ in tiếp cận với các tác phẩm đã công bố năm 2023. Hội còn tích cực giúp đỡ Hội Người mù Lào về đào tạo cán bộ, xây dựng tổ chức và kinh nghiệm hoạt động; tích cực tham gia và đạt kết quả cao trong các cuộc thi quốc tế. Không chỉ tham dự và đóng góp ý kiến tại nhiều hội thảo, diễn đàn trong khu vực và thế giới, các sự kiện quốc tế lớn được Hội tổ chức thành công như: Chuỗi sự kiện “Hướng tới sự bình đẳng, tiến bộ, hòa nhập cho người mù ASEAN” năm 2022, Hội thảo Massage người mù khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 16 năm 2023 đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, được Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ ngành và các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Cao Văn Thành, nguyên Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam và em Trần Việt Hoàng, sinh viên ngành khoa học máy tính Đại học Fulbright Việt Nam - hội viên Hội Người mù tỉnh Hà Tĩnh đã bày tỏ những tình cảm, những kỷ niệm cùng lời tri ân với tổ chức Hội – mái nhà chung của bản thân cùng những người đồng tật khắp mọi miền Tổ quốc.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương không chỉ biểu dương những hiệu quả trong hoạt động của Hội đối với công tác chăm sóc, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm giúp đỡ cho hội viên mà còn đánh giá cao vai trò của Hội với Hội Người mù khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đồng chí cho biết thêm: “Chúng ta ghi nhận những kết quả đạt được, chia vui với nhau những giải thưởng được trao tặng nhưng cũng chia sẻ khó khăn của Hội trong điều kiện hội nhập. Là cơ quan tham mưu cho Đảng về công tác tuyên truyền, vận động, công tác dân vận, đồng thời tổng kết những lý luận và tư vấn chính sách của các cơ quan nhà nước, chúng tôi thấy mình có trách nhiệm trong việc đưa Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật, trong đó có người mù và Quyết định số 118-QĐ/TW ngày 22/8/2023 của Ban Bí thư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương vào cuộc sống để người khuyết tật được quan tâm, được cống hiên và thụ hưởng chính sách an sinh tốt nhất do Đảng, Nhà nước dành cho”.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Lao động - Thương binh và Xã hội” cho 16 cá nhân là các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, giáo viên công tác tại Văn phòng Trung ương Hội và Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù. Trung ương Hội đã trao tặng Kỷ niệm chương Vì hạnh phúc người mù cho 8 cá nhân là lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành vì đã quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ Hội hoạt động trong nhiều năm qua.
Ảnh: 16 cá nhân nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Lao động - Thương binh và Xã hội”.
Ảnh: Đồng chí Phạm Viết Thu trao Kỷ niệm chương Vì hạnh phúc người mù cho các cá nhân.
Nhân lễ kỷ niệm, Trung ương Hội đã tổng kết và trao giải cuộc thi Tìm hiểu truyền thống 55 năm xây dựng và phát triển Hội Người mù Việt Nam.
Cuộc thi đã nhận được 105 bài dự thi của các thí sinh với độ tuổi từ 11 đến 82 với các hình thức bài viết, audio, video của cán bộ, hội viên được 29 Tỉnh, Thành hội, Chi hội người mù trực thuộc Trung ương Hội lựa chọn gửi về Ban Tổ chức. Qua vòng sơ khảo 52 bài dự thi chất lượng lọt vào vòng chung khảo đã được đăng tải phần tự luận lên trang Fanpage của Hội để khán giả, cán bộ, hội viên đọc, nghe, xem và bình chọn.
Với hai nội dung gồm phần thi trả lời 10 câu hỏi và phần tự luận, cuộc thi thực sự là sân chơi bổ ích giúp các thí sinh rèn luyện khả năng viết, sáng tác và ứng dụng công nghệ thông tin cũng như cơ hội để anh chị em bày tỏ tình cảm của mình dành cho tổ chức Hội.
Ban giám khảo của cuộc thi là những chuyên gia, nhà báo có kinh nghiệm như: TS Nhà Báo Đồng Mạnh Hùng – Trưởng ban Thư ký biên tập – Đài tiếng nói Việt Nam; TS Vũ Dương Thuý Ngà - Nguyên Vụ trưởng Vụ thư viện - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Thạc sỹ nhà báo Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Đời mới; Thạc sỹ nhà báo Phạm Xuân Trường – Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù.
Thay mặt Ban Giám khảo của cuộc thi, TS Vũ Dương Thuý Ngà - Nguyên Vụ trưởng Vụ thư viện - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Đây thực sự là cuộc thi ý nghĩa, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của Hội, tinh thần vượt khó vươn lên, tạo động lực để cán bộ, hội viên nỗ lực cống hiến, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Đánh giá về chất lượng của các bài dự thi, TS Vũ Dương Thuý Ngà cho biết: phần lớn các bài dự thi đều có sự đầu tư công phu về nội dung và hình thức, đảm bảo đúng tiêu chí của ban tổ chức, thể hiện nhiều tâm huyết và tình cảm của thí sinh. Tuy nhiên vẫn có 1 số bài dự thi chưa thực sự đầu tư, chưa có minh hoạ và số lượng bài thực sự xuất sắc còn ít.
Ảnh: Trao giấy chứng nhận và phần thưởng cho một trong hai thí sinh đạt giải nhất của cuộc thi có mặt tại lễ kỷ niệm.
Ban tổ chức đã trao 2 giải nhất mỗi giải nhận phần thưởng 1,5 triệu đồng, 3 giải nhì mỗi giải nhận phần thưởng 1 triệu đồng, 6 giải ba mỗi giải nhận phần thưởng 700000 đồng, 15 giải khuyến khích mỗi giải nhận phần thưởng 400000 đồng và 1 giải bài viết được yêu thích nhất nhận phần thưởng 1 triệu đồng.
Theo hnmvn.vn