Một dự án hợp tác với Hàn Quốc sẽ được đầu tư để đào tạo nghề nghiệp cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam...
Chỉ có khoảng 10% số người khuyết tật đã được đào tạo nghề, song chủ yếu là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. |
Đào tạo nghề cho người khuyết tật: Ít và khó
Theo số liệu của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật, Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ người khuyết tật (NKT) cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới, với khoảng 6,2 triệu NKT.
Trong số đó, có khoảng gần 2 triệu NKT trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 30% đang tham gia lao động, tạo thu nhập cho bản thân và gia đình. Họ chủ yếu làm các nghề nông - lâm - ngư nghiệp, có thu nhập rất thấp so với các công việc khác.
Chỉ có khoảng 10% số NKT đã được đào tạo nghề ở các trình độ, nhưng chủ yếu ở trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, vì vậy, số NKT tìm được việc làm còn ít.
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, hiện nay tỷ lệ người khuyết tật trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo nghề là rất thấp, thấp hơn rất nhiều so với bình quân chung của cả nước. “Đây chính là rào cản khiến nhóm yếu thế khó tiếp cận với thị trường lao động. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện tại thì nhóm đối tượng này sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất”.
Ông Dũng nhận định, cho đến nay, chúng ta đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ giáo dục nghề cho nhóm đối tượng này. Ví dụ, mới đây nhất, Quốc hội đã thông qua chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, hay chương trình trợ giúp cho người khuyết tật, phụ nữ, lao động vùng nông thôn… “Tuy nhiên, mặt khác, việc tổ chức đào tạo nghề cho nhóm đối tượng này ở nhiều địa phương vẫn chưa được quan tâm”.
Về phía các cơ sở đào tạo nghề, mặc dù mỗi năm đã đào tạo nghề cho khoảng 70.000 người khuyết tật ở các cơ sở trên cả nước, tuy nhiên con số này vẫn còn xa so với con số kỳ vọng mà Chính phủ đặt ra.
“Cũng chính vì đặc thù của đối tượng này mà các cơ sở đào tạo rất ngại khi tham gia đào tạo vì chi phí đào tạo cho 1 người khuyết tật, nạn nhân chất độc màu da cam… rất cao so với người lao động bình thường. Tuy nhiên, chúng tôi xác định đây là trách nhiệm xã hội mà các đơn vị cần thực hiện” – ông Dũng nói.
Dự án cho 2.000 người yếu thế
Trong bối cảnh này, sáng ngày 21/8, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, biên bản ghi nhớ hợp tác này là cơ sở cho việc thúc đẩy và triển khai dự án giáo dục dạy nghề cho một bộ phận người yếu thế tại Việt Nam, giúp họ có cơ hội tìm kiếm việc làm và hòa nhập xã hội tốt hơn trong tương lai.
Nhóm yếu thế được tập trung trong dự án gồm có các đối tượng: các nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc màu da cam; phụ nữ ở vùng nông thôn, dân tộc thiểu số; người khuyết tật và người nghèo…
Dự án được tài trợ bởi vốn ODA của KOICA và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Để thiết kế dự án, KOICA sẽ cử một nhóm chuyên gia sử dụng ngân sách của mình và Bộ Lao động, Thương binh và xã hội (MOLISA) sẽ cung cấp các thông tin cần thiết và hỗ trợ cho nhóm chuyên gia.
Để hỗ trợ một cách trực tiếp và nhanh chóng nhất, dự án sẽ được thực hiện tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã thành lập tại Việt Nam, được MOLISA đề xuất trên cơ sở trao đổi với KOICA mà không cần thành lập các cơ sở GDNN mới. Sau đó, 2 bên sẽ cùng lựa chọn các cơ sở GDNN thỏa mãn các tiêu chí được 2 bên thống nhất, trong đó ưu tiên những trường có các nghề đào tạo dành cho đối tượng là người yếu thế.
Theo bản đề cương, dự án sẽ được thực hiện từ năm 2022 đến năm 2026. Đối tượng thụ hưởng là nhóm người yếu thế ở các tỉnh miền Trung: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, trong đó trọng tâm là nhóm nạn nhân chất độc da cam.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Lao động, Thương binh và xã hội và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sáng ngày 21/8. |
Theo ông Bùi Thế Dũng (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam) – thành viên tổ tư vấn độc lập cho dự án, điểm đặc biệt của dự án này là đối tượng thụ hưởng không chỉ là bản thân những người thuộc nhóm yếu thế và các cơ sở GDNN, mà còn có cả thành viên trong gia đình có nhóm đối tượng này.
“Có những đối tượng người khuyết tật không có khả năng học tập, làm việc nên chúng tôi định hướng sẽ hỗ trợ cho người thân của đối tượng đó để họ có việc làm, tạo thu nhập cho gia đình, và họ sẽ là người hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng”.
Đánh giá về tính cấp thiết của dự án, ông Trương Anh Dũng cho rằng, mặc dù theo dự kiến dự án chỉ góp phần giải quyết GDNN cho khoảng 2.000-2.500 người thuộc nhóm người yếu thế - một con số không lớn so với số lượng người yếu thế ở Việt Nam nhưng nó có ý nghĩa hết sức quan trọng.
“Hàn Quốc là một quốc gia rất có kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án dành cho đối tượng yếu thế. Chúng tôi rất mong muốn được học hỏi ở họ cách thức tổ chức thế nào cho hiệu quả. Nó không chỉ đơn thuần là việc mở lớp cho người học nghề, mà từ việc khảo sát nhu cầu ngành nghề, nghề gì là phù hợp, xây dựng chương trình như nào phù hợp với nhóm đối tượng này…”
“Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với KOICA, xây dựng một nhóm làm việc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án. Theo dự kiến, tháng 9 tới đây sẽ kết thúc khâu xây dựng dự án sơ bộ và có thể phải mất nhiều tháng tới hàng năm mới có thể đi vào đào tạo. Chúng tôi kỳ vọng dự án sẽ sớm được triển khai, giúp thu hẹp dần khoảng cách giữa nhóm yếu thế với người lao động bình thường ở Việt Nam trong việc trang bị các kỹ năng nghề nghiệp”.
Theo vietnamnet.vn