Kỷ niệm 39 năm ngày Quốc tế người khuyết tật, hoà chung trong không khí quan tâm thúc đẩy thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật (NKT), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Uỷ ban Quốc gia về NKT Việt Nam, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm và diễn đàn Lắng nghe tiếng nói của NKT. Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Văn Hồi, ông Patrick Harverman - Phó Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Đàm – nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, PCT Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam, ông Đặng Văn Thanh – PCTTT Liên hiệp Hội về NKT Việt Nam, bà Dương Thị Vân- Chủ tịch Hội NKT Hà Nội cùng trên 200 đại biểu, đại diện cho các tổ chức của và vì NKT tại 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Ông Nguyễn Văn Hồi - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhắc lại lịch sử và ý nghĩa ngày Quốc tế NKT 3/12. Ông Nguyễn Văn Hồi cho biết: Hiện nay Việt Nam có khoảng 6,4 triệu NKT, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó NKT nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% NKT thuộc hộ nghèo, phần lớn trong số họ sống ở các vùng nông thôn, có cuộc sống đặc biệt khó khăn, đặc biệt là những NKT bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/Dioxin.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành cho NKT sự quan tâm, chăm lo sâu sắc, được thể hiện trong Hiến pháp, Luật NKT và các Luật chuyên ngành như: Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Người khuyết tật… Năm 2014 Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, năm 2019 phê chuẩn Công ước số 159 của ILO về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho NKT, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động việc làm, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược Inchoen về hiện thực hóa quyền của NKT một cách hiệu quả nhất.
Năm 2019 Ban bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 39 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT, khẳng định quan điểm, chủ trương, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với NKT, tổ chức của NKT, định hướng việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo quyền của NKT. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch thực hiện Công ước của liên hợp quốc về quyền của NKT, Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 39, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều Chương trình, kế hoạch để hiện thực hóa việc chăm sóc, trợ giúp NKT.
Hàng năm, ngân sách nhà nước đã giải quyết chế độ trợ cấp xã hội, cấp phát thẻ BHYT cho khoảng 1,1 triệu NKT. NKT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại hàng trăm trung tâm PHCN và các cơ sở BTXH trên cả nước. Trung bình mỗi năm khoảng 20 nghìn NKT được hỗ trợ đào tạo nghề, hàng trăm nghìn lượt học sinh khuyết tật được miễn giảm học phí, hỗ trợ học tập và các phương tiện trợ giúp (xe lăn, xe đẩy,…).
“Trong 02 năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid Việt Nam đã ban hành nhiều gói hỗ trợ người dân và NKT (Nghị quyết số 42, Nghị quyết 68 và gói cứu trợ theo Nghị quyết 113..). Tổng các gói hỗ trợ trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng, hỗ trợ hàng triệu NKT. Năm 2021, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 20, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội cho NKT nặng và đặc biệt nặng, gia tăng các chính sách hỗ trợ NKT được chăm sóc, PHCN trong các cơ sở BTXH. Trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch đây là sự nỗ lực và quan tâm lớn của Đảng, nhà nước Việt Nam đối với người dân và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các chính sách, hoạt động trợ giúp NKT ở Việt Nam cũng có sự thay đổi căn bản, chuyển từ sự trợ giúp mang tính nhân đạo từ thiện sang trợ giúp theo quan điểm phát triển, tạo động lực để cho NKT vươn lên”, Thứ trưởng chia sẻ.
Kỷ niệm ngày quốc tế NKT trong lúc dịch Covid diễn biến phức tạp, nhiều đại biểu đại diện các cơ quan, tổ chức của NKT, vì NKT phải tham gia trực tuyến, nhưng vẫn không giảm sự nhiệt huyết, đồng hành đối với NKT Việt Nam, chung bước với NKT với tình cảm, trách nhiệm sự yêu thương và chia sẻ. Thứ trưởng tin tưởng rằng với sự sự đồng hành của các cấp ngành, các tổ chức trong nước, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế tại Việt Nam chúng ta sẽ có tiếng nói chung, đưa ra những sáng kiến, những giải pháp kịp thời, phù hợp để hoạt động trợ giúp NKT thực hiện một cách hữu hiệu, đặc biệt là vấn đề việc làm sau đại dịch Covid.
Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện UNDP
Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện UNDP tại buổi lễ đã bày tỏ sự cảm kích sâu sắc về việc Uỷ ban quốc gia NKT Việt Nam đã có sáng kiến thành lập Diễn đàn lắng nghe tiếng nói của NKT. Ông cho biết, Liên Hợp Quốc đã đưa ra chủ đề cho các hoạt động của ngày Quốc tế NKT đặc biệt năm nay trên toàn thế giới là “Quyền lãnh đạo và tham gia của NKT hướng tới một thế giới hậu Covid-19 toàn diện, dễ tiếp cận và bền vững’’. UNDP cam kết hợp tác với Chính phủ, các đối tác phát triển và các tổ chức xã hội dân sự để tăng cường hỗ trợ NKT ở Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức đa chiều mà họ phải đối mặt trong bối cảnh COVID-19. UNDP công nhận NKT là đối tác quan trọng trong nỗ lực hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam, chứ không chỉ là đối tượng thụ hưởng. “Chúng tôi hỗ trợ mạnh mẽ NKT nhận ra tiềm năng đầy đủ của họ để đóng góp hiệu quả vào quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước. Chúng ta phải đảm bảo không làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và rủi ro đối với NKT trong đại dịch Covid-19”, ông Patrick Haverman nhấn mạnh.
Thay thay mặt Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội, bà Dương Thị Vân – Chủ tịch Hội đã gửi đến các quý vị đại biểu, NKT trong cả nước, lời chúc sức khoẻ, bình an, luôn được sống trong yêu thương, hạnh phúc, vượt qua khó khăn trong cuộc sống và khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Theo bà Vân, nhận thức của toàn xã hội và của NKT về vấn đề hoà nhập khuyết tật đã thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn trong nhiều năm qua. Các cách tiếp cận vấn đề của NKT được chuyển từ mô hình từ thiện sang mô hình xã hội, dựa trên quyền của NKT, toàn xã hội chung tay dỡ bỏ rào cản đối với NKT và bản thân NKT chủ động xoá bỏ mặc cảm, tự ti, vượt qua định kiến. Tuy nhiên, trong đại dịch COVID-19 vẫn còn rất nhiều NKT gặp khó khăn, rào cản trong cuộc sống hàng ngày, cần sự chung tay góp sức của cả xã hội.
Diễn đàn Lắng nghe tiếng nói của người khuyết tật
Tại Lễ kỷ niệm ngày Quốc tế người khuyết tật (03/12) năm 2021, với chủ đề “Lắng nghe tiếng nói của NKT”, các đại biểu đại diện cho tổ chức của NKT và vì NKT trong khắp cả nước đã có dịp chia sẻ về những kết quả hoạt động trong lĩnh vực trợ giúp NKT cũng như thảo luận về các chính sách đối với NKT.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, đại diện UNDP và Hội Bảo trợ NKT & TMC Việt Nam tặng hoa chúc mừng đại diện NKT tiêu biểu tại lễ kỷ niệm
Phó Chủ tịch Liên hiệp hội NKT Việt Nam Đặng Văn Thanh cho rằng hiện nay cộng đồng NKT nâng cao nhận thức pháp luật, hiểu biết về các quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Phó Chủ tịch Liên hiệp hội NKT Việt Nam kiến nghị, trong thời gian tới, việc sửa đổi Luật NKT nên tập trung vào các chính sách y tế, giáo dục, giao thông,… làm cách nào để NKT có nhiều cơ hội tiếp cận tốt nhất để thụ hưởng các chính sách. Anh Trần Quang Dũng, Chủ tịch Hội NKT tỉnh Hà Nam đã có bài tham luận Vai trò tổ chức Hội trong quá trình thực thi Luật, các chính sách về NKT trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Trong đó đã chia sẻ về sự linh hoạt, chủ động vận dụng, nhóm hoạt động Hội với các văn bản, chính sách liên quan của địa phương. Chị Nguyễn Thị Huyền, Hội NKT Hà Nội chia sẻ và khuyến nghị về hỗ trợ phụ nữ khuyết tật trong và sau đại dịch. Trong đó tập trung thúc đẩy tiếp cận thông tin cho phụ nữ khuyết tật. Đảm bảo nhu cầu tiếp cận tối thiểu trong cuộc sống như bảo vệ chăm sóc sức khoẻ, nhu yếu phẩm cần thiết.
Anh Nguyễn Văn Cử - PGĐ Trung tâm Khuyết tật và phát triển DRD đã chia sẻ về những khó khăn của NKT trong đại dịch Covid và sự thích ứng linh hoạt, chuyển đổi mô hình làm việc từ xa. Đại diện cho Hội người Mù Việt Nam bà Đinh Việt Anh kiến nghị cần có các cơ chế phân bổ tài chính từ ngân sách nhà nước cũng như phân công trách nhiệm cho các cơ quân để chủ động trong việc chuyển đổi, in ấn sách giáo khoa cho, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập cho NKT. Nghiên cứu mở rộng nhiều phương thức giáo dục linh hoạt (từ xa, cộng đồng, tại nhà) để mở rộng cơ hội học tập cho NKT hơn là 3 phương thức chuyên biệt, hoà nhập,…Đại diện Hội NKT Cần Thơ đề xuất nên hoàn thiện quy định, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, đưa thêm NKT nhẹ, trong lĩnh vực lao động, việc làm cần bổ sung vị trí việc làm phù hợp cho NKT ở khu vực công, tiếp cận giao thông, công nghệ thông tin truyền thông cần đẩy mạnh truyền thông, tiếp cận với đối tượng khiếm thính.
Lễ kỷ niệm thu hút sự tham gia theo dõi và đóng góp ý kiến của trên 200 đại biểu là NKT, đại diện tổ chức của và vì NKT tại 63 tỉnh thành trong cả nước
Cùng với đó, có nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường công tác truyền thông về NKT, hỗ trợ chuyển đổi số trong xác định mức độ khuyết tật, hỗ trợ các kênh vay vốn dễ tiếp cận cho NKT, giảm chi phí xét nghiệm COVID-19 cho NKT, nghiên cứu cấp giấy phép lái xe cho NKT đủ điều kiện…
Hoàng Dung